Hàng quán chật vật vì giá thực phẩm tăng cao
Giá xăng phi mã và liên tục lập đỉnh trong thời gian qua kéo theo giá các mặt hàng như đồ ăn, thực phẩm, đồ thiết yếu... cũng tăng theo, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống người dân và các tiểu thương.
Mở hàng ăn sáng hơn 10 năm nay, chưa bao giờ chị Hạt (phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình) cảm thấy áp lực như bây giờ. Sau Tết Nguyên đán, nhất là trong gần 2 tháng trở lại đây, giá than, giá các nguyên liệu chế biến biến động mạnh nên mỗi lần đi chợ, chị phải tính toán cẩn thận, chi li hơn.
"Nếu như trước đây than chỉ 3.000 đồng/viên thì nay đã lên 4.000 đồng, can dầu 10 lít từ 365.000 đồng lên 450.000 đồng. Rồi chưa kể mì chính, tiêu, tỏi, giấy vệ sinh cái gì cũng tăng", chị Hạt than thở. Dù vậy, chị quyết định giữ nguyên giá bán bởi "toàn khách quen, người xung quanh phố, giờ tăng lên ngại lắm".
Để có lãi, chị phải giảm lượng thức ăn mỗi phần. "Một suất bún chả 25.000 đồng trước đây có 12 viên chả thì giờ chỉ 11 viên, bát bún riêu sẽ ít thịt bò hơn. Đây là cách tôi giữ giá, giữ khách mà vẫn đảm bảo lợi nhuận".
Nhưng đây chỉ là một trong số ít quán có thể giữ nguyên giá trong "cơn bão" này. Sau nhiều lần đắn đo, anh Trung - chủ quán cơm bình dân ở phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình, quyết định điều chỉnh giá mỗi suất cơm tăng từ 5.000 đồng - 7.000 đồng.
"Khách của quán chủ yếu là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và người lao động. Biết là tăng giá có thể làm giảm lượng khách nhưng với chi phí đầu vào ở mức cao như vậy, chúng tôi không thể có lãi. Tôi cũng chỉ dám tăng giá so với mặt bằng chung của hàng quán xung quanh thôi chứ không dám tăng nhiều," anh Trung chia sẻ.
Theo anh, ngoài giá thịt lợn, rau củ vẫn đang tạm ổn định, các sản phẩm đầu vào khác như gas, dầu ăn, đường, hạt nêm... đều tăng khá cao so với trước đây.
Giá xăng đã tăng liên tiếp trong nhiều tháng nay và không có dấu hiệu giảm, kéo theo giá nhiều loại hàng hóa trên thị trường tăng mạnh, tác động lớn đến người tiêu dùng và các hộ kinh doanh. Trong khi người dân phải thắt chặt chi tiêu, nhiều chủ quán đau đầu trước hai lựa chọn: chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ giá hay tăng giá với nỗi lo mất khách.
Hàng quán tăng giá, nguyên nhân chủ yếu là do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Tác động của "cơn bão giá" có thể nhìn thấy rõ nhất tại các chợ dân sinh, siêu thị. Chị Bắc - chủ tiệm tạp hóa trong chợ Năm tầng, phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình cho biết: "Giá cả các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, mì chính, mắm muối, giấy vệ sinh,.... tăng mạnh những tháng gần đây. Nhất là với dầu ăn, mỗi lần nhập hàng tôi lại thấy mức giá khác. So với thời điểm này năm ngoái, giá mỗi lít dầu đã tăng lên gần gấp rưỡi".
Tình trạng tăng giá xảy ra tương tự ở các chợ trên địa bàn tỉnh như chợ Rồng (phường Vân Giang, thành phố Ninh Bình), chợ Mía (phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình), chợ Xanh (xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh),… Theo lý giải của nhiều tiểu thương, giá xăng, dầu tăng kéo theo chi phí vận chuyển tăng là nguyên nhân chủ yếu khiến các mặt hàng lương thực, thực phẩm biến động mạnh như hiện nay.
Việc giá cả các sản phẩm hàng hóa… liên tục leo thang khiến người tiêu dùng buộc phải thắt chặt chi tiêu, hạn chế tối đa những mặt hàng không cần thiết. Là một người nội trợ, mỗi lần mua sắm, chị Thu Hiền (phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình) phải cân nhắc, đắc đo hơn: "Hàng hóa tăng chóng mặt, trước đây, cầm 200.000 đồng đi chợ là đủ cho gia đình ăn một ngày rồi nhưng giờ thì "chới với". Nhưng chẳng có cách nào khác, mình phải thích ứng thôi. Chẳng hạn, giá dầu ăn tăng, nhà mình sẽ hạn chế ăn đồ chiên rán, chuyển sang đồ luộc, hấp rồi hạn chế ăn ngoài để tiết kiệm chi phí".
Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,62% so với tháng trước; trong đó, chỉ số nhóm hàng hóa tăng 0,91% (nhóm hàng lương thực-thực phẩm tăng 0,43%, nhóm hàng phi lương thực-thực phẩm tăng 1,44%), chỉ số nhóm dịch vụ tăng 0,06% so với tháng trước. CPI tháng 5/2022 tăng 1,73% so với tháng 12/2021 và tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,59% so với cùng kỳ năm trước.