Hàng quán Hà Nội mở cửa lại: Sẵn sàng từ chối khách nếu không tuân thủ quy định phòng dịch
'Được mở bán trở lại tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì khách có chỗ để ăn uống và mình cũng có thu nhập. Còn lo không biết dịch đã được kiểm soát hẳn chưa, nếu chẳng may có khách nào mắc bệnh đến quán thì sẽ thế nào…', chị Phương chia sẻ.
Nửa mừng nửa lo
Sau gần 1 tháng đóng cửa thực hiện công tác phòng chống dịch, sáng 22/6, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, cắt tóc gội đầu đã được mở cửa trở lại. Hầu hết người dân và chủ các cơ sở kinh doanh rất vui mừng, phấn khởi.
Chị Lê Thị Huyền Trang, 36 tuổi, bán phở ở phố Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ sự vui mừng trước quyết định của lãnh đạo TP Hà Nội sau khi đưa ra quyết định cho phép mở lại một số hoạt động. Theo chị đây là một quyết định quan trọng với người dân trên địa bàn.
"Trong thời buổi dịch bệnh phức tạp như hiện nay, không làm ăn, không kinh doanh thì không sống được. TP cho phép người dân được buôn bán, kinh doanh trở lại là tạo điều kiện cho người dân. Nhưng một khi đã được phép hoạt động trở lại, chúng ta cần phải ý thức, tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh", chị Trang nói.
Đối với một số người kinh doanh nhà hàng, quán ăn, như chị Trang thì thông tin được mở cửa lại từ là một thông tin "mừng rơi nước mắt". Theo chị Trang, trước đây chỉ được bán mang về, ngoài khách quen ra chẳng ai đến quán, kinh doanh online cũng chẳng khá khẩm gì. Giờ được mở cửa đón khách trở lại thì quá tốt.
"Chúng tôi đã phải chịu áp lực hơn 1 tháng rồi, được mở bán lại vui mừng quá. Từ hôm qua đến nay, lượng người đến quán ăn rất đông. Để đảm bảo kinh doanh, hoạt động theo đúng quy định tôi đã mua các tấm nhựa to, lắp đặt tại vị trí chính giữa mặt bàn làm vách ngăn và sắp xếp chỗ ngồi trong quán thưa ra, chỉ còn một nửa so với trước đây", chị Trang nói.
Chị Trang cũng cho biết, khách đến quán dù mua mang về hay ăn tại quán đều phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi giao tiếp, gọi món. Đây là quy định của quán, nếu không quán sẵn sàng từ chối phục vụ khách không tuân thủ quy định.
Sau khi nghe tin được mở bán trở lại, chị Nguyễn Thị Phương (34 tuổi, chủ quán phở ở Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) đã dọn dẹp hàng quán, chuẩn bị nguyên liệu, bát đũa để mở bán.
"Được mở bán trở lại tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì khách có chỗ để ăn uống và mình cũng có thu nhập. Còn lo không biết dịch đã được kiểm soát hẳn chưa, nếu chẳng may có khách nào mắc bệnh đến quán thì sẽ thế nào…", chị Phương chia sẻ.
Trước đó, quán phở của chị Phương cũng phải đóng cửa, chuyển sang bán mang về để duy trì kinh doanh. Theo chị Hằng, thời điểm bán mang về khách giảm đi nhiều, chỉ được 1/10. Hàng ăn bán trực tiếp vẫn hơn, vì mang về nhà lỉnh kỉnh, bất tiện.
Mở được hàng là đỡ tiền nhà
Nhìn chung các hộ kinh doanh tại Hà Nội tâm lý đều phấn khởi khi được mở cửa hàng trở lại. Chị Nga - chủ cửa hàng phở tại phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) cho biết, chờ được mở cửa từ tuần trước nhưng tới đầu tuần này mới được mở, thông báo vào buổi tối nên chỉ chuẩn bị được ít hàng bán nửa buổi sáng là hết.
"Lượng khách nhìn có vẻ đông nhưng vẫn không bằng thời điểm trước đây, dãy bàn kê trước cửa hàng nay phải dọn vào chỉ ăn trong nhà. Cửa hàng diện tích nhỏ nên ngồi kín bàn cũng chỉ 8 - 10 khách một lượt nhưng dù gì được mở cửa kinh doanh là có thu nhập, đỡ tiền nhà", chị Nga nói.
Quán cà phê nước ép trên đường Lê Văn Hưu (quận Hai Bà Trưng) mở cửa từ 6h30 sáng, tuy nhiên, tới 9h30 phút mới chỉ bán được gần 10 cốc nước. Chủ quán than thở: "Cả tháng ở nhà do dịch, tiền thuê nhà vẫn mất, chủ nhà chỉ giảm 30%, mở cửa hàng lại không dám thuê nhân viên vì không có tiền trả lương. Nhưng mở được hàng cũng là quá tốt rồi, nhưng mong hơn cả là cuộc sống trở lại bình thường".
Quán bún bò nổi tiếng trên đường Quang Trung (quận Hoàn Kiếm) vốn lúc nào cũng đông khách, thậm chí khách đến vào giờ cao điểm phải đứng chờ bàn thì nay vắng vẻ. Những ngày đầu mở cửa hàng, cửa hàng đã chuẩn bị đầy đủ những biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch, như tấm ngăn cách, rửa tay sát khuẩn, nhân viên đeo khẩu trang khi phục vụ. Nhưng với lượng khách ít sau khi mở cửa trở lại, chủ cửa hàng cũng không dám gọi nhiều nhân viên mà tiếp tục "nghe ngóng" tình hình dịch bệnh.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ