Hãng tàu nước ngoài tùy tiện tăng phí, Bộ Tài chính nói gì?
Trước tình trạng nhiều loại phụ phí tăng bất hợp lý, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ GTVT liên quan việc tăng cường quản lý phụ phí của hãng tàu nước ngoài.
Theo báo cáo từ Cục Hàng hải Việt Nam, hiện có 38 hãng tàu nước ngoài cung cấp dịch vụ vận tải container, đảm nhận trên 90% sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, đối với tuyến vận tải đi châu Mỹ, châu Âu do 10 hãng tàu lớn đảm nhận. Hầu hết các hãng tàu nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam đều có đại diện dưới hình thức doanh nghiệp, vốn 100% nước ngoài, thay mặt cho hãng tàu thực hiện hoạt động kinh doanh và làm đại lý theo hợp đồng.
Từ đầu năm 2024, nhiều hãng tàu đã tăng giá phụ thu đối với hàng hóa container xuất nhập khẩu vận tải bằng đường biển, nổi bật là phụ thu bốc dỡ hàng hóa tại bến cảng (THC). Cụ thể, mức tăng giá dịch vụ THC trung bình từ 3-22%, mức giá trung bình dao động từ 120-155 USD/container 20feet và 180-270 USD/container 40feet. Mức thu giá cao nhất là Hãng tàu Pancon: 3,4 triệu/container 20feet và 6,57 triệu/container 40feet, tương ứng 140 USD và 270 USD.
Ngoài ra, một số phụ thu khác cũng tăng như: Phí vệ sinh container của hãng TS Lines tăng 40% từ 150.000 đồng lên 210.000 đồng, đối với container 20feet, từ 300.000 đồng lên 420.000 đối với container 40feet; Phụ thu DOC và DOF (phụ thu chứng từ) của hãng MSC tăng 12,5% (Từ 800.000 đồng, lên 900.000 đồng).
Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư số 39 năm 2023 của Bộ GTVT, khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng điều chỉnh tăng 10% tại khu vực I, III và khu vực cảng nước sâu, mức tăng từ 3,3-5 USD/container 20feet, và 5-7 USD/container 40feet.
Nhiều hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp kiến nghị sự tăng giá này có nhiều điểm bất hợp lý, các loại phí, phụ phí của các hãng tàu đang bị "thả nổi", để hãng tàu tự quyết định mức giá. Do đó, kiến nghị Nhà nước cần xem xét, điều chỉnh các quy định pháp lý liên quan, trong đó cần có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn các loại phí, phụ phí của các hãng tàu.
Với những băn khoăn trên, Bộ Tài chính cho biết, Bộ GTVT đã có công văn về việc tham gia ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giá và Nghị định quy định về thẩm định giá.
Theo đó, Bộ GTVT đã đề nghị bổ sung nội dung phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định tại Luật giá năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thì phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ nhà nước định giá, bình ổn giá và danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá.
Bộ Tài Chính cho rằng, cần làm rõ sự cần thiết bổ sung phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá.
Liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam (VISABA) về việc "trong trường hợp các phụ thu siêu lợi nhuận thì phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt", Bộ Tài chính cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu, áp dụng đối với một số hàng hóa, dịch vụ nhằm mục tiêu điều tiết thu nhập và sản xuất, tiêu dùng, không phân biệt hàng sản xuất trong nước hay hàng nhập khẩu và được xác định khi hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu được bán ra hoặc khi cung ứng dịch vụ.
Vì thế, Bộ Tài chính cho rằng, kiến nghị trường hợp các khoản phụ thu siêu lợi nhuận thì phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt là kiến nghị mới và chưa có đủ thông tin, cơ sở để đánh thuế.
Do đó, Bộ này đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu xử lý kiến nghị trên theo thẩm quyền để thu thập thông tin liên quan. Bộ Tài chính sẽ tham gia theo chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT.