Hãng tàu rục rịch mở tuyến đến Cảng Chân Mây
Sản lượng hàng hóa container qua Cảng Chân Mây đã có bước tăng trưởng sau hơn nửa năm thí điểm chính sách ưu đãi hút hãng tàu mở tuyến.
Lượng hàng container tăng trưởng sau chính sách hỗ trợ
Tin từ Ban quản lý khu kinh tế công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau hơn nửa năm thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container, Công ty CP Vận tải và xếp dỡ Hải An đã mở tuyến nội địa đến Cảng Chân Mây, tần suất 1-2 chuyến/tuần.
Tính tới ngày 30/5 vừa qua, đã có 26 chuyến tàu container nội địa của hãng tàu Hải An cập Cảng với sản lượng hàng hóa đạt 2.758 Teus.
“
Theo Nghị quyết số 18/2022 của HĐND, tỉnh Thừa Thiên - Huế dự kiến chi 18 tỷ đồng thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây.
Theo đó, hãng tàu biển, đại lý hãng tàu hoạt động kinh doanh vận chuyển container thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Chân Mây theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng mỗi tháng sẽ được hỗ trợ 210 triệu đồng/chuyến.
”
Ngoài ra, từ tháng 9/2022, Cảng đã tổ chức đón chuyến tàu container quốc tế đầu tiên (tàu MV. Deltic Dolphin của hãng tàu Voyager Logistics, tuyến Sibu (Malaysia) - Chân Mây (Việt Nam) – Pontianak của Indonesia).
Được biết, hãng tàu này đã đưa về Cảng Chân Mây 2 tàu để khai thác, với tần suất 2 chuyến/tháng.
Cũng theo Ban quản lý khu kinh tế công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ tháng 9/2022 tới tháng 5/2023, đã có 12 chuyến tàu container quốc tế cập Cảng Chân Mây với sản lượng hàng hóa khoảng 1.354 Teus.
Theo thông tin, nguồn hàng container xuất nhập qua Cảng Chân Mây khá đa dạng. Ngoài các mặt hàng tại địa phương, còn có một số nguồn hàng từ Quảng Trị (cao su), Quảng Bình (ván ép), từ Lào (cao su) và từ Đà Nẵng, Quảng Nam (nước giải khát).
Thống kê của Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế, trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng hàng container xuất nhập khẩu qua Cảng Chân Mây đạt gần 9.000 tấn (472 Teus), trong khi hàng nội địa đạt hơn 48.000 tấn (3.043 Teus).
Giá dịch vụ hãng tàu còn cao, tuyến chưa ổn định
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Huỳnh Văn Toàn, Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây cho rằng, chính sách hỗ trợ của địa phương bước đầu đã có những hiệu quả trong việc thu hút hãng tàu mở tuyến vận tải container. Sản lượng hàng container qua Cảng cũng có sự tăng trưởng trong thời gian qua.
Tuy nhiên hiện nay, ông Toàn khẳng định khó khăn lớn nhất để phát triển hiện nay là nguồn hàng. Thực tế, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong địa bàn dần có thói quen xuất/nhập hàng qua Cảng, nhưng bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát đã gây ảnh hưởng nặng tới sản lượng hàng hóa.
“Tới nay, hãng tàu Hải An cũng đã cắt giảm chuyến, chỉ duy trì được khoảng 1 chuyến/tuần, trong khi ban đầu dự kiến sẽ có 5 chuyến trong 2 tuần. Tình hình khó khăn khiến việc phát triển hàng container qua cảng cũng gặp khó”, ông Toàn chia sẻ.
Những khó khăn cũng được đề cập trong báo cáo của BQL Khu kinh tế công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cụ thể, quá trình thu hút các hãng tàu và doanh nghiệp xuất nhập hàng container qua Cảng Chân Mây còn gặp khó khăn. Trong đó, một số doanh nghiệp ý kiến giá dịch vụ của hãng tàu Hải An cao hơn so với mặt bằng chung của các hãng tàu nội địa khác.
Chưa kể, các doanh nghiệp muốn xuất/nhập hàng qua cảng nhưng chưa thấy hãng tàu liên hệ, chia sẻ, cung cấp các thông tin, báo giá...
Từ đây, đơn vị này đề nghị hãng tàu công khai biểu phí các dịch vụ vận tải container đến các doanh nghiệp và nghiên cứu giảm chi phí vận chuyển container so với các phương thức vận chuyển bằng đường bộ, nhằm thu hút nguồn hàng từ các doanh nghiệp trên địa bàn và trong khu vực.
Thực tế, theo các chuyên gia, việc phát triển hàng container qua Cảng Chân Mây cần có thời gian, lộ trình phù hợp để từng bước thay đổi thói quen, tập quán của các chủ hàng và các đối tác nước ngoài trong việc lựa chọn địa điểm xuất nhập hàng container.