Hãng thời trang Chanel đẩy mạnh đầu tư bất động sản
Chanel có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ và bất động sản trong năm nay, khi các tập đoàn xa xỉ toàn cầu tham gia vào cuộc đua quyết liệt để giành lấy những vị trí chiến lược nhất...
Mới đây, Chanel - thương hiệu thời trang xa xỉ hàng đầu nước Pháp - đã công bố kế hoạch đầu tư vào mạng lưới bán lẻ và bất động sản thêm 50% nữa trong năm nay.
“Chúng tôi đang nắm bắt cơ hội trong lĩnh vực bất động sản mà môi trường hiện tại mang lại. Chanel sẽ chủ động “tấn công”, giám đốc tài chính toàn cầu của Chanel, Philippe Blondiaux nói với tờ Financial Times.
Bên cạnh đó, ông Blondiaux cũng chia sẻ thêm rằng công ty đang mở rộng năng lực của mình và đẩy nhanh quá trình tích hợp theo chiều dọc của chuỗi cung ứng. “Tôi tin đây sẽ là chìa khóa để kiểm soát hoạt động sản xuất và nguyên liệu của chúng tôi”, ông Blondiaux nói thêm.
Trên thực tế, Chanel đang bước vào một “cuộc đua” bất động sản đầy cạnh tranh với các tên tuổi hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, khi họ sẵn sàng chi hàng tỷ USD để đảm bảo có được những vị trí bán lẻ độc quyền, đắc địa nhất cho thương hiệu của mình.
Chủ sở hữu Gucci, Tập đoàn Kering vào tháng trước đã mua một khu bán lẻ trên phố mua sắm hàng đầu của Milan với giá 1,3 tỷ euro (1,41 tỷ USD) từ Blackstone. Đây được xem như thương vụ bất động sản bán lẻ lớn nhất châu Âu trong hai năm qua khi nhu cầu từ các nhóm hàng xa xỉ đã hỗ trợ cho phân khúc bất động sản bán lẻ bất chấp sự suy thoái trên thị trường rộng lớn.
LVMH, tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, cũng đã chi khoảng 2,5 tỷ euro vào đầu tư bất động sản trong năm ngoái, bao gồm cả địa điểm vô cùng giá trị trên đại lộ Champs Elyseés của Paris.
Về phần mình, Chanel gần đây cũng đã hào phóng rót tiền vào các tòa nhà trên Đại lộ số 5 của New York và Đại lộ Montaigne ở Paris.
Việc mở rộng vào thời gian gần đây diễn ra trong thời kỳ bùng nổ hàng xa xỉ, mang lại doanh thu và lợi nhuận kỷ lục cho lĩnh vực này.
Ngay cả trước những cơn gió ngược về kinh tế, Chanel vẫn nổi lên như một trong những thương hiệu kiên cường nhất bên cạnh những “ông lớn” khác như Hermès và Brunello Cucinelli - đều là thương hiệu được hưởng lợi từ vị thế cao cấp và cơ sở khách hàng giàu có.
Chanel chứng kiến doanh thu, doanh số và số lượng nhân viên tăng gấp đôi trong thập kỷ qua. Theo giám đốc điều hành Leena Nair, doanh thu của hãng đạt 19,7 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 16% so với năm 2022, trong khi lợi nhuận hoạt động tăng 10,9% lên 6,4 tỷ USD.
"Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi luôn là bảo vệ những gì mình trân trọng và những gì tạo nên sự khác biệt cho Chanel, đồng thời tiếp tục duy trì động lực phát triển của một doanh nghiệp quy mô lớn. Chúng tôi đã tăng gấp ba số lượng quốc gia có sự hiện diện của thương hiệu và mạng lưới phân phối của hãng cũng tăng gấp đôi trong 5 năm qua”, bà Leena Nair cho biết.
Sau khi tăng khoản đầu tư vào hoạt động kinh doanh thêm 83% vào năm ngoái lên 1,23 tỷ USD, Chanel còn có tham vọng tiến xa hơn nữa vào năm 2024.
“Tôi không nghĩ có một thị trường nào mà Chanel đã bão hòa. Đối với chúng tôi, Mỹ vẫn là một thị trường phát triển chậm về hàng xa xỉ nếu bạn nhìn vào một số chỉ số về mức độ chi tiêu. Còn tại Trung Quốc, Chanel đang được phân phối kém khi chỉ có khoảng 18 cửa hàng tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, ít hơn nhiều so với một số đối thủ khác”, giám đốc tài chính Philippe Blondiaux khẳng định.
Tuy nhiên, rất nhiều khách hàng của Chanel đã phàn nàn về việc tăng giá quá nhanh của hãng. Giá trung bình cho một mặt hàng xa xỉ của Chanel đã tăng 50% kể từ năm 2019, trong khi dòng túi biểu tượng (Classic Flap) của thương hiệu thậm chí đã tăng hơn gấp đôi lên tới 10.000 euro, theo phân tích của HSBC.
Trả lời về điều này, Chanel cho biết việc tăng giá phản ánh chi phí nguyên vật liệu cũng như lạm phát cao hơn và công ty vẫn sẽ duy trì các chính sách hiện tại.