Hàng thủ công mỹ nghệ: Đến thời bứt phá về mẫu mã
Nhờ đầu tư một cách bài bản vào khâu thiết kế mẫu mã, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã thoát khỏi những tạo hình đơn giản, rập khuôn, hoặc cầu kỳ nhưng thiếu tính ứng dụng để vươn ra thị trường thế giới, đem lại giá trị kinh tế gấp nhiều lần.
Mẫu mã là linh hồn của sản phẩm
Là một DN sản xuất mây tre đan lớn tại làng nghề Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, có sản phẩm xuất khẩu đi nhiều nước lớn trên thế giới nhưng một trong những vấn đề mà nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Công ty TNHH mỹ nghệ Hoa Sơn, đồng thời là Hội trưởng Hội doanh nghiệp mây tre đan Phú Nghĩa, vẫn trăn trở là khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm.
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, trải qua một thời kỳ suy thoái, nhiều hộ sản xuất tại làng nghề mây tre đan Phú Vinh đã không còn nghĩ nhiều đến việc sáng tạo mẫu mã, thay vào đó là sản xuất những sản phẩm dân sinh rập khuôn để tiêu thụ trong nước, hoặc gia công cho một số DN nước ngoài. Mấy năm trở lại đây, thị trường hồi phục, các DN, cơ sở sản xuất đẩy mạnh xuất khẩu nên yêu cầu về mẫu mã bức thiết hơn bao giờ hết. Tại làng nghề mây tre đan Phú Vinh, nhiều DN đã chế tác những sản phẩm trị giá lên tới cả trăm, cả nghìn USD, nhưng những sản phẩm này đa phần làm theo mẫu mã do đối tác nước ngoài đặt hàng. Trong khi, những sản phẩm tương tự nếu bán trong nước thì chỉ có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn, cùng lắm là vài triệu đồng một sản phẩm.
Theo bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội TCMN và làng nghề Hà Nội, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia... hàng TCMN Việt Nam kém cạnh tranh hơn về thiết kế, dù tay nghề người lao động không hề kém cạnh. Trong khi đó, sự vượt trội về mẫu mã là một trong những yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài sẵn sàng trả giá cho mỗi sản phẩm cao gấp nhiều lần so với sản phẩm tiêu thụ trong nước nhưng lại yêu cầu rất cao về mẫu mã, ngoài đáp ứng yếu tố bắt mắt còn phải có tính ứng dụng cao, phù hợp với thị hiếu của người dân sở tại.
Bà Expert Claire Driscoll -Chuyên gia giới thiệu, phân tích những xu hướng thiết kế mới trên thế giới (Hội đồng Anh) thì cho rằng thiết kế, mẫu mã là linh hồn của sản phẩm. Hàng TCMN cũng như thời trang, cần có mẫu mới liên tục. Nếu hiểu rõ làm gì, cho ai và đáp ứng được nhu cầu thị hiếu thị trường thì sản phẩm đó sẽ thành công.
Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khâu thiết kế
Tuy nhiên, trên thực tế việc đầu tư cho khâu thiết kế mẫu mã không hề dễ, vì các cơ sở sản xuất TCMN đa phần nhỏ lẻ, kinh phí hạn hẹp. Trong khi, để có được những mẫu mã có thể xuất khẩu với giá trị cao, ngoài bàn tay khéo léo của người thợ thì các DN còn phải khảo sát mẫu mã, thị hiếu thị trường, đồng thời phải tìm kiếm và ký hợp đồng với các họa sĩ, chuyên gia thiết kế để đào tạo cho người lao động. Đến nay, những cơ sở sản xuất có đầu tư bài bản vào khâu thiết kế tại Việt Nam còn rất hạn chế.
Nhằm giúp các DN, cơ sở sản xuất làng nghề cải tiến mẫu mã, tăng khả năng cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, những năm gần đây Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã. Trong đó, bên cạnh việc tổ chức các cuộc thi thiết kế mẫu mã sản phẩm TCMN, TP còn mời các chuyên gia thiết kế trong nước và nước ngoài hỗ trợ, tư vấn các cơ sở sản xuất làng nghề.
Mới đây nhất, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức tư vấn, định hướng thiết kế mẫu sản phẩm TCMN, thu hút được đông đảo các nghệ nhân, DN ngành TCMN Hà Nội tham dự.
Cùng với đó, như thường lệ, năm nay, thông qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội (thuộc Sở Công Thương), TP cũng hỗ trợ 20 cơ sở sản xuất TCMN nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã, mỗi đơn vị được hỗ trợ 50% kinh phí thiết kế 1 bộ từ 2 – 5 sản phẩm.
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, những chương trình tư vấn, hỗ trợ thiết kế mẫu sản phẩm TCMN của TP đã đem lại hiệu quả thiết thực cho các cơ sở sản xuất. “Người nghệ nhân khi sáng tác mẫu, có khi mình thấy hay, thấy đẹp nhưng chưa chắc đã phù hợp với nhu cầu người dùng. Khi được các chuyên gia tư vấn, góp ý thì sản phẩm không chỉ trọn vẹn thêm về mẫu mã mà còn giúp dễ dàng tiêu thụ hơn. Tôi mong TP sẽ đẩy mạnh hơn nữa những chương trình hỗ trợ như thế này” – ông Trung nói.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, Sở Công Thương kỳ vọng các nghệ nhân, DN TCMN sau khi được TP hỗ trợ có thể phát huy những ý tưởng sáng tạo trong thiết kế mẫu sản phẩm TCMN để tạo những sản phẩm có tính mới, sáng tạo, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao phù hợp với thị hiếu khách hàng. Đây là tiền đề để các DN đẩy mạnh phát triển mẫu mã sản phẩm mới phục vụ nhu cầu thị trường.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hang-thu-cong-my-nghe-den-thoi-but-pha-ve-mau-ma-351299.html