Hàng thủy sản chế biến: Rộn ràng vào vụ Tết
Chỉ còn tháng nữa là đến tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nên thời điểm này, các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh đang tập trung sản xuất, nhằm cung ứng đủ sản phẩm phục vụ nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết.
“Từ cuối tháng 10 âm lịch, chúng tôi đã chủ động thu mua nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm khô cá, khô mực, mực rim... nhằm cung ứng cho khách hàng trong và ngoài tỉnh”, chủ cơ sở chế biến hải sản Hồng Tiến, ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) Phạm Thị Hồng cho biết. Ngoài các loại hải sản khô truyền thống, tết Tân Sửu 2021, cơ sở này còn sản xuất thêm sản phẩm mới là mực ngào, cá tẩm, để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cơ sở chế biến hải sản Hồng Tiến, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) sơ chế nguyên liệu mực, phục vụ sản xuất để cung ứng thị trường dịp Tết.
Tại Công ty Thủy sản Thanh Mai, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) cũng đang tấp nập việc thu mua, vận chuyển nguyên liệu, cũng như chế biến các sản phẩm hải sản khô. Theo Giám đốc Công ty Thủy sản Thanh Mai Lê Thị Mai, ngoài việc cung ứng sản phẩm cho thị trường nội địa, năm 2020, lần đầu tiên chúng tôi xuất khẩu 50 tấn khô hải sản các loại. Hiện doanh nghiệp tạm dừng nhận đơn hàng lẻ, chỉ tập trung sản xuất để đảm bảo sản lượng và thời gian cho các đơn hàng lớn.
Trong khi đó, không khí ở các làng nghề chế biến nước mắm cá cơm Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), Đức Lợi (Mộ Đức), Bình Đông (Bình Sơn)... hiện cũng khá nhộn nhịp. Các hộ dân làm nghề chế biến nước mắm truyền thống tất bật chiết, lọc và đóng chai, để kịp vận chuyển đến các cửa hàng, đại lý, nhà phân phối trong và ngoài tỉnh. “Tôi đã dự trữ gần 1.000 lít nước mắm, đảm bảo cung ứng cho khách lẻ, lẫn đơn hàng lớn dịp Tết sắp đến”, chủ cơ sở nước mắm Đức Hải, ở xã Đức Lợi (Mộ Đức) Phạm Thị Thúy Vân nói. Còn cơ sở sản xuất nước mắm Mười Quý cũng đầu tư thêm thiết bị và máy móc để vừa nâng công suất chế biến, vừa cải thiện mẫu mã sản phẩm. Không chỉ cung ứng cho thị trường trong tỉnh, sản phẩm nước mắm cá cơm của các cơ sở Đức Hải, Mười Quý... còn được nhiều bạn hàng ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Gia Lai... đặt hàng để phục vụ Tết năm nay.
Cùng với việc đảm bảo số lượng, các cơ sở chế biến mặt hàng thủy sản khô cũng đặc biệt quan tâm đến chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Với nước mắm, các cơ sở đảm bảo “3 không”, đó là: Không chất bảo quản, không phụ gia, không tạo màu và tạo mùi. Với khô hải sản, các cơ sở vừa “nói không” với chất cấm trong quá trình chế biến, vừa cẩn trọng trong quá trình lựa chọn nguyên liệu, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Quá trình sơ chế, phơi sấy đến tẩm ướp, đóng gói luôn được kiểm soát nghiêm ngặt. Sản phẩm sau khi hoàn thành được đóng gói, bao bì ghi thông tin và dán nhãn mác của cơ sở rõ ràng. Bên cạnh đó, các sản phẩm cũng được đóng gói trong những hộp nhựa, với quy cách từ 30g, 50g đến 0,5 kg, 1kg... nên rất tiện dụng.
Theo dự báo của các cơ sở sản xuất, dù sản lượng nguyên liệu đầu vào giảm, nhưng giá các mặt hàng khô hải sản vẫn ổn định như năm 2019. “Năm nay, chúng tôi đầu tư thêm trang thiết bị phơi, sấy hải sản bằng năng lượng mặt trời, nên chi phí sản xuất giảm, hạn chế tỷ lệ hao hụt thành phẩm. Vì vậy, dù nguồn nguyên liệu ít và có thời điểm tăng giá mạnh, nhưng giá bán sản phẩm vẫn ổn định”, bà Lê Thị Mai lý giải. Chỉ riêng mặt hàng khô mực tăng giá 15 - 20%, do giá nguyên liệu đầu vào tăng đến 150 - 200 nghìn đồng/kg. Hiện giá khô mực dao động từ 600 - 900 nghìn đồng/kg tùy loại và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian cận tết Nguyên đán.