Hàng tỉ đô la từ Nhật Bản xếp hàng chờ vào Việt Nam qua M&A

Hàng ngàn tỉ đô la vốn tích lũy của các doanh nghiệp Nhật Bản tồn tại gửi ngân hàng với lãi suất 0% đã và đang tìm cơ hội đầu tư ra nước ngoài để tái đầu tư, trong đó thị trường Việt Nam được chú ý nhiều thông qua các dự án mua bán và sáp nhập (M&A) tiềm năng.

 Công ty TNHH Điện tử Foster (Nhật Bản) chuyên sản xuất các loại loa tại Khu Công nghiệp đô thị và Dịch vụ VSIP Bắc Ninh. Ảnh: TTXVN

Công ty TNHH Điện tử Foster (Nhật Bản) chuyên sản xuất các loại loa tại Khu Công nghiệp đô thị và Dịch vụ VSIP Bắc Ninh. Ảnh: TTXVN

Dòng vốn tiềm năng từ đất nước hoa anh đào

Thông tin này được ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu về dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam, chia sẻ trực tuyến tại diễn đàn mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam 2020 được tổ chức ở TPHCM vào chiều 24-11.

Theo ông Yoshida, xu hướng M&A của các công ty Nhật Bản vào Việt Nam không ngừng gia tăng. Doanh nhân đến từ Nhật Bản này cũng đã chỉ ra một số cơ sở và nguyên nhân cơ bản khiến các khoản đầu tư M&A vào Việt Nam sẽ là một hoạt động thịnh hành đối với các công ty đến từ đất nước hoa anh đào và sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới.

Yếu tố đầu tiên ông Yoshida đưa ra là hầu hết các lĩnh vực ở Nhật Bản đều đã phát triển đến đỉnh điểm, nên họ cần tìm kiếm thị trường mới để mở rộng bên ngoài Nhật Bản. Ông dẫn chứng rằng gần một phần ba (27,7%) dân số Nhật Bản hiện nay trên 65 tuổi. Điều này đang khiến độ tuổi trung bình của người Nhật là 48,4 tuổi (hơn người Việt Nam gần 20 tuổi) và dân số giảm khoảng 276.000 mỗi năm.

Yếu tố thứ hai theo ông Yoshida là “chiến lược tăng trưởng M&A” được hỗ trợ bởi nguồn tiền tích lũy dồi dào trong 20 năm qua, đạt khoảng 2.345 tỉ đô la Mỹ.

"Khoản tiền này tồn tại dưới dạng tiền gửi ngân hàng với lãi suất gần như 0% và dưới sức ép phải tái đầu tư số tiền này của các cổ đông, những khoản tiền này đã bắt đầu chảy vào thị trường M&A, giúp cho năm 2019 đạt kỷ lục cao nhất với 4.088 thương vụ trong tất cả các loại hình M&A", ông Yoshida chia sẻ, và ông cho biết điều này có nghĩa là đã có hơn 4.000 nhà đầu tư xứ hoa anh đào đã tìm kiếm cơ hội đầu tư và thành công.

Người đứng đầu của RECOF Corporation, cho biết xu hướng M&A của các nhà đầu tư Nhật Bản vào khu vực Đông Nam Á ngày càng cao, trong đó Việt Nam đạt số thương vụ cao nhất với 33 thương vụ trong 2019, cao hơn 1,5 lần so với năm trước đó, minh chứng cụ thể cho sự quan tâm của các công ty Nhật Bản đối với Việt Nam, ông nói.

Xem xét theo thứ hạng các quốc gia xếp theo giá trị giao dịch, theo ông Yoshida, trước đây, do quy mô doanh nghiệp nhỏ, Việt Nam chưa bao giờ nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu, nhưng vào năm 2019, giá trị giao dịch ở Việt Nam đã đạt đến 389 triệu đô la, gấp 2,8 lần so với năm 2017, lần đầu tiên được xếp hạng trong Tốp 3, với sự chênh lệch rất nhỏ so với nước đứng ở vị trí thứ hai là Indonesia (giá trị 415 triệu đô la).

Xu hướng gần nhất là trong 10 tháng đầu năm 2020, giữa Nhật Bản và Việt Nam có 21 giao dịch M&A công bố, chỉ đứng sau Singapore. "Mặc dù sụt giảm 25% so với cùng kỳ, nhưng nếu xét tổng số lượng giao dịch ra nước ngoài của Nhật Bản giảm 33% trong giai đoạn này, mức giảm 25% của Việt Nam không chỉ thấp hơn mức trung bình nói trên, mà còn thấp hơn hầu hết các quốc gia khác", ông nói, và cho rằng các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đang hướng về Việt Nam trong quá trình tìm kiếm, mở rộng thị trường, tận dụng dân số trẻ.

"Có thể nói rằng, sự quan tâm từ nhà đầu tư Nhật Bản với Việt Nam là rất lớn ngay cả trong đại dịch Covid-19, diễn tiến chậm lại trong hoạt động đầu tư hoàn toàn chỉ là vấn đề về thời gian", ông Yoshida nhận định.

 Thị trường bán lẻ Việt Nam đang thu hút nhiều vốn đầu tư Nhật Bản. Trong ảnh là hoạt động tại một trung tâm của nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản AEON tại TPHCM. Ảnh: Lê Hoàng

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang thu hút nhiều vốn đầu tư Nhật Bản. Trong ảnh là hoạt động tại một trung tâm của nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản AEON tại TPHCM. Ảnh: Lê Hoàng

Khi M&A là xu hướng của các nhà đầu tư Nhật Bản

Ghi nhận từ quan điểm của các công ty Nhật Bản đối với các giao dịch nội địa cho thấy, số lượng giao dịch M&A giữa các công ty Nhật Bản liên tục tăng đều đặn trong 5 năm qua. Năm 2019, tất cả các hạng mục đều ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử.

Năm 2020, thị trường M&A nội địa Nhật Bản giảm 4% so với cùng kỳ do đại dịch Covid-19, nhưng thị trường nội địa Nhật Bản đã thực sự chạm đáy vào tháng 5 và các tháng sau đó đang phục hồi tương tự các năm trước.

Hoạt động M&A ra nước ngoài giảm 33% so với cùng kỳ và đang phục hồi chậm rãi, chủ yếu do các quy định hạn chế nhập cảnh ở hầu hết các quốc gia.

"Thị trường M&A nội địa Nhật Bản đã thực sự chạm đáy vào tháng 5 và đang bắt đầu hồi phục. Vì thế, đây cũng là xu hướng trong tương lai đối với các giao dịch đầu tư ra nước ngoài, khi những quy định hạn chế di chuyển đối với các chuyên gia được dỡ bỏ", ông nói.

Theo quan điểm của người Nhật, các công ty Nhật Bản hiện có rất ít việc làm ở một thị trường như Thái Lan, với khoảng 5.500 công ty Nhật Bản ở nước này và thời điểm hiện tại là quá muộn để nhập cuộc. Về Myanmar, chỉ có chưa đến 400 công ty Nhật Bản và các nhà đầu tư Nhật Bản bảo thủ vẫn phải chờ xem xét thời điểm thích hợp.

Trong khi đó, Việt Nam có khoảng 2.000 công ty Nhật Bản, sẽ tiếp tục là một thị trường có tính thu hút. Việc tân Thủ tướng mới của Nhật Bản, theo đúng chính sách người tiền nhiệm, chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến thăm đầu tiên bên ngoài Nhật Bản đã tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản khi họ có định hướng đầu tư vào Việt Nam.

"Một khi rào cản về cách ly và hạn chế đi lại do đại dịch tại Việt Nam được dỡ bỏ, một làn sóng lớn các công ty Nhật Bản - vốn đang chờ đợi để tiến hành các thủ tục đầu tư - sẽ xuất hiện", ông Yoshida dự báo.

 Bất động sản cũng là một trong những lĩnh vực đang thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư Nhật Bản qua giao dịch M&A. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Bất động sản cũng là một trong những lĩnh vực đang thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư Nhật Bản qua giao dịch M&A. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Những số liệu thống kê sơ bộ đang cho thấy hoạt động M&A của thị trường Việt Nam trong năm 2020 sẽ bị suy giảm, với giá trị ước đạt 3,5 tỉ đô la, bằng 48,6% so với năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việt Nam được đánh giá ít bị tác động nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á khi giá trị M&A trên toàn cầu theo ước tính đã suy giảm 52%.

Tại diễn đàn, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định hoạt động M&A tại Việt Nam có thể hồi phục từ giữa năm 2021 nhờ nhiều chính sách quan trọng của Chính phủ.

Theo dự báo, thị trường có thể sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021 - 2022, về mức 4,5-5 tỉ đô la vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn trở lại với giá trị 7 tỉ đô la vào năm 2022.

Hùng Lê

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/311056/hang-ti-do-la-tu-nhat-ban-xep-hang-cho-vao-viet-nam-qua-ma.html