Hàng tỉ quả bóng golf bị mất mỗi năm, chúng đã đi đâu?
Theo ước tính, mỗi năm có hơn 1,5 tỉ quả bóng golf bị mất ở Mỹ và nếu những quả bóng đó được xếp thành một hàng, chúng sẽ trải dài hơn 1,5 lần quanh chu vi Trái Đất.
Theo Hiệp hội Golf Mỹ (USGA), nước này có 45 triệu người chơi golf vào năm 2023. Ngoài ra, theo thống kê gần đây, trong năm 2023, thế giới có 31,6 triệu người chơi golf tại 146 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo đài CNN.
Theo R&A – câu lạc bộ golf lâu đời nhất trên thế giới, Mỹ sở hữu 43% số sân golf trên thế giới, tương đương 16.752 sân. Theo Quỹ Golf Quốc gia Mỹ (NGF), con số này còn nhiều hơn số lượng cửa hàng Starbucks hoặc McDonalds trên cả nước Mỹ.
Đối với những người chơi golf nghiệp dư, khả năng hoàn thành một vòng thi đấu golf mà chỉ sử dụng 1 quả bóng là điều khó có thể xảy ra. Theo ước tính, số lượng bóng bị mất mỗi vòng của một người chơi golf thường dao động từ 1 đến 4 quả.
Ông Shaun Shienfield – Giám đốc điều hành của Found Golf Balls (công ty thu hồi và bán lại những quả bóng golf bị mất trên khắp nước Mỹ và Canada) cho rằng số quả bóng golf bị mất mỗi vòng trung bình là 3 đến 4 quả.
Dựa trên ước tính của ông Shienfield, kể từ năm 2020, mỗi năm có hơn 1,5 tỉ quả bóng golf bị mất ở Mỹ. Nếu những quả bóng đó được xếp thành một hàng, chúng sẽ trải dài hơn 1,5 lần quanh chu vi Trái Đất.
Theo ông Torben Kastrup Petersen - quản lý tại Danish Golf Union (đơn vị đo đạc tác động môi trường của những quả bóng golf bị mất), số quả bóng golf bị mất mỗi năm trên toàn thế giới có thể dao động từ 3 tỉ đến 5 tỉ.
Tác động khôn lường từ quả bóng golf
Năm 2017, nhà sinh vật học bảo tồn Matthew Savoca – khi ấy là một nghiên cứu sinh – đã nhận được một nghiên cứu khoa học bài bản của một học sinh trung học tên là Alex Weber. Kết quả nghiên cứu làm ông bất ngờ.
Vào năm 2017, Weber và người bạn Jack Johnston đã thu thập được khoảng 10.000 quả bóng golf tại khu vực nước nông của khu bảo tồn biển Monterey Bay, bang California (Mỹ). Trong 1 năm rưỡi sau đó, Weber và Johnston tiếp tục tìm kiếm những quả bóng golf tại các khu vực biển của California. Kết quả, họ tìm thấy 50.681 quả bóng golf.
Theo ông Savoca, con số này tương đương 2,56 tấn mảnh vụn nhựa – bằng trọng lượng của một chiếc xe bán tải nhỏ.
Dựa trên nghiên cứu này, ông Savoca ước tính rằng chỉ riêng tại bãi biển Pebble (bang California) đã có tới 186.000 quả bóng golf rơi xuống biển mỗi năm, tương đương 9,42 tấn mảnh vụn nhựa.
"Nếu chúng ta muốn giảm thiểu, giải quyết vấn đề này, thì chúng ta cần một bản kế hoạch chi tiết về nơi bị ô nhiễm, mức độ ô nhiễm là bao nhiêu, phương pháp thu gom các quả bóng golf hiệu quả và hậu quả sẽ ra sao nếu chúng ta không thu gom?" – ông Savoca trả lời CNN.
Ông Savoca cho biết hậu quả bóng golf rơi xuống biển có thể rất khủng khiếp đối với loài hải cẩu cảng biển, rái cá biển California, cũng như vô số loài khác, bao gồm con người.
Bóng golf hiện đại thường được cấu tạo từ lõi cao su tổng hợp (polybutadiene), được bao bọc bằng lớp phủ polyme tổng hợp. Theo ông Savoca, các nhà sản xuất còn thêm kẽm oxit, kẽm acrylate và benzoyl peroxide vào lõi để tăng độ linh hoạt và độ bền. Đây là những chất “cực kỳ độc hại” đối với sinh vật biển.
Khi còn nguyên vẹn, những quả bóng golf không gây ra nhiều mối đe dọa cho sinh vật, nhưng khi chúng từ từ phân hủy trên biển, những hóa chất này sẽ kết hợp với các hạt nhựa nhỏ và xâm nhập vào đại dương. Những hạt này “ngày càng nhỏ dần cho đến khi chúng xâm nhập vào lưới thức ăn và cuối cùng xâm nhập vào cơ thể chúng ta”.
“Khi những quả bóng golf trở thành những mảnh vỡ siêu nhỏ, về cơ bản là không thể làm sạch được. Chúng ở đó mãi mãi. Chỉ riêng ở Mỹ, đại dương đã đón nhận hàng chục ngàn tấn rác thải này mỗi năm” – ông Savoca nói.
Năm 2009, Liên đoàn Golf Đan Mạch phát hiện ra rằng bóng golf giải phóng một lượng lớn kim loại nặng khi phân hủy. Các nhà nghiên cứu cũng kết luận rằng phải mất từ 100 đến 1.000 năm để một quả bóng golf phân hủy tự nhiên.
"Giải quyết vấn đề này không chỉ là quản lý chất thải mà còn là về giảm thiểu tác động sinh thái. Những người chơi golf cần nhận thức rõ hơn về tác động môi trường của những quả bóng bị mất" – ông Petersen nói.
Nỗ lực dọn dẹp
Đến nay, một số nhà sản xuất đã tung ra thị trường sản phẩm bóng golf sinh học. Chúng được làm bằng hợp chất phân hủy sinh học, tan trong vòng 4 tuần sau khi tiếp xúc với nước và giải phóng những chất không độc hại.
Tuy nhiên, sản phẩm này đến nay vẫn chưa phổ biến. Do đó, người chơi golf chủ yếu vẫn dùng loại bóng truyền thống.
Theo ông Savoca, giải pháp dễ dàng nhất là dọn dẹp sau khi chơi golf xong.
Theo định nghĩa của USGA và R&A, một quả bóng được coi là "mất" nếu không thể tìm thấy trong vòng 3 phút kể từ khi người chơi golf bắt đầu tìm kiếm nó. Sau thời gian này, quả bóng golf sẽ thuộc về những người tìm thấy nó đầu tiên.
Ông Shienfield ước tính mỗi năm tại Mỹ, các công ty thu hồi bóng golf như Found Golf Balls của ông có thể thu hồi và tái chế khoảng 150 triệu quả bóng golf. Vào năm 2015, một người đàn ông ở Anh cho biết ông có thể kiếm được tới 100.000 Bảng Anh/năm (khoảng 114.000 USD) bằng cách lặn để thu hồi bóng golf tại các hồ trên sân golf.
Một số nhà sản xuất cũng đang nỗ lực thu hồi bóng golf. Theo trang web của Titleist - công ty con của công ty sản xuất bóng golf PG Golf, Titleist đã thu hồi và bán lại hơn 39.000 tấn bóng golf đã qua sử dụng kể từ khi thành lập vào năm 1992, tái chế hơn 40 triệu quả bóng mỗi năm từ các sân golf.
Tại Pebble, một số khu nghỉ dưỡng tại đây cũng bắt đầu tìm cách thu hồi lại các quả bóng golf. Phát ngôn viên của khu nghỉ dưỡng Pebble Beach Resorts cho biết họ thường xuyên hợp tác với thợ lặn chuyên nghiệp để thu hồi bóng golf dưới biển.
“Những nỗ lực thu thập của chúng tôi là một phần của chương trình toàn diện nhằm quản lý môi trường trên toàn bộ khu nghỉ dưỡng, cả trong và ngoài sân golf” – người phát ngôn này nói.
Theo ông Savoca, những nỗ lực này là rất cần thiết. "Tôi không ở đây để nói rằng golf không nên tồn tại hoặc mọi người không nên chơi golf. Nhưng hãy cố gắng hết sức để thu hồi những quả bóng golf bị mất" – ông nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/hang-ti-qua-bong-golf-bi-mat-moi-nam-chung-da-di-dau-post811165.html