Hàng tiêu dùng tăng giá: Người bán chấp nhận lãi ít để giữ chân khách hàng
Từ đầu tháng 4 đến nay, nhiều mặt hàng tiêu dùng đồng loạt tăng giá sau nhiều lần giá xăng dầu tăng. Để đảm bảo phục vụ nhu cầu sử dụng hàng hóa của người tiêu dùng đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhiều cửa hàng tạp hóa đã nhập phong phú các mặt hàng, tuy nhiên họ cũng lo ngại hàng hóa tăng giá sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của cửa hàng.
Do xăng dầu tăng giá khiến chi phí vận chuyển, nguyên liệu tăng nên giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu cũng tăng giá theo, điều này làm ảnh hưởng đến các đại lý, cửa hàng tạp hóa và chính người tiêu dùng.
Các mặt hàng tiêu dùng tăng cao hơn so với tháng trước, mức tăng trung bình khoảng 5-10%, đặc biệt là với mặt hàng dầu ăn, nước giải khát, bia và một số hàng tiêu dùng thiết yếu khác.
Chị Nguyễn Thị Nhàn, chủ một cửa hàng tạp hóa tại Làng Bầu, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Từ đầu tháng 4 đến nay, chi phí nhập hàng của nhiều mặt hàng đã có sự biến đổi nhiều hơn. Vì sắp tới kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5, nên cửa hàng chúng tôi đã nhập nhiều mặt hàng tiêu dùng để phục vụ khách hàng. Chi phí hàng hóa tăng, khiến tôi lo lắng vì phải điều chỉnh giá cả sao cho hợp lý để tránh tình trạng mất khách.
Các sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm như mì chính, hạt nêm, nước mắm, mì tôm… có giá nhập tăng 10-15%/thùng khiến giá bán lẻ của cửa hàng cũng phải điều chỉnh tăng chênh lệch từ 5.000-20.000 đồng/sản phẩm. Trước sự việc nay, nhiều khách hàng than phiền rằng “tại sao giá liên tục tăng như vậy?”, nhưng thực tế là chính người bán hàng như chúng tôi cũng đang chịu áp lực rất lớn về chi phí nhập hàng đầu vào từ các bên phân phối”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các sản phẩm hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm, đồ uống đều ghi nhận mức tăng giá mới như mì tôm Kokomi cỡ nhỏ tăng 10.000 đồng, lên 84.000 đồng/thùng 30 gói; mì tôm Kokomi cỡ đại thùng 100 gói tăng 40.000 đồng, lên 260.000 đồng/thùng.
Nước mắm Nam Ngư tăng 5.000 đồng, lên mức 40.000 đồng/chai 750ml; nước ngọt Cocacola tăng 15.000 đồng, lên 196.000 đồng/thùng 24 lon; bia Tiger bạc tăng 10.000 đồng, lên 393.000 đồng/thùng 24 lon; bia Heniken tăng 13.000 đồng, lên 428.000 đồng/thùng 24 lon…
Chị Nguyễn Thị Thu, chủ cửa hàng tạp hóa tại phường Khai Quang chia sẻ: “Tôi vừa nhập một đợt hàng mới để phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, chưa đến nghỉ lễ mà giá thành mọi mặt hàng đã tăng khá cao.
Khách hàng hiện nay thì khá tỉ mỉ, kỹ lưỡng trong việc chọn mua hàng, vật giá càng tăng, khách hàng tiêu dùng thì thắt chặt trong chi tiêu, khổ nhất là những người bán đại lý, tạp hóa như chúng tôi, giá nhập hàng đầu vào tăng thì chúng tôi cũng bắt buộc phải tăng giá sản phẩm.
Giờ khách hàng cũng đi xem giá nhiều nơi, chỗ nào giá thấp thì họ chọn mua, nhưng nhiều khách hàng không biết có nhiều sản phẩm rẻ đều là hàng sắp hết hạn, chất lượng sẽ không được đảm bảo, nên chúng tôi nhiều khi chấp nhận chỉ lãi 500-1.000 đồng/sản phẩm để giữ chân khách”.
Chị Nguyễn Thủy, phường Liên Bảo chia sẻ: “Là người nội trợ nên tôi rất quan tâm đến vấn đề giá cả các mặt hàng tiêu dùng, giá cả ngày càng leo thang khiến những người nội trợ chúng tôi khá lo lắng. Hiện nay, các mặt hàng tiêu dùng đều tăng liên tục khiến tôi càng phải tính toán chặt chẽ hơn về mức chi tiêu cho cả gia đình".