Hàng tiêu dùng thiết yếu dồi dào, giá cả ổn định
Những ngày trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu ở TP Hồ Chí Minh khá trầm lắng, sức mua thấp, giá cả tương đối ổn định. Các doanh nghiệp (DN) tham gia Chương trình bình ổn thị trường tiếp tục thực hiện đúng cam kết trong việc cung ứng hàng bình ổn đầy đủ, kể cả trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Những ngày trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu ở TP Hồ Chí Minh khá trầm lắng, sức mua thấp, giá cả tương đối ổn định. Các doanh nghiệp (DN) tham gia Chương trình bình ổn thị trường tiếp tục thực hiện đúng cam kết trong việc cung ứng hàng bình ổn đầy đủ, kể cả trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Nhiều chợ truyền thống và siêu thị ở TP Hồ Chí Minh đã khai trương, mở bán từ ngày 13-2 (mồng 2 Tết). Trong ngày này, lượng khách đi chợ và siêu thị thưa thớt, một số siêu thị chỉ lác đác vài người đến mua sắm.
Tại các chợ truyền thống lớn như chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp), chợ Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Tân Định (quận 1), chợ Hòa Bình (quận 5)…, hàng tiêu dùng thiết yếu dồi dào, phong phú, giá cả tương đối ổn định, một vài mặt hàng tăng giá nhẹ so với những ngày trước Tết. Các hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, Big C, Lotte Mart…, nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá đã được áp dụng để thu hút khách hàng. Tuy vậy, trong những ngày này, việc mua sắm tại các siêu thị khá vắng vẻ, khách hàng chủ yếu đến các quầy thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả.
Nhiều năm gần đây, người dân TP Hồ Chí Minh không còn thói quen tích trữ lương thực, thực phẩm để ăn Tết như trước nhờ Chương trình bình ổn thị trường và sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống siêu thị cùng các cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm tiện lợi. Giá cả hàng hóa giảm sâu trong những ngày trước Tết (mức giảm giá tới 50%) và tương đối ổn định trong những ngày sau Tết, nhất là những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm thông thường.
Trong hai ngày 14 và 15-2 (mồng 3, mồng 4 Tết Nguyên đán), chỉ có một số mặt hàng hải sản, rau xanh và hoa tươi tăng giá nhẹ so với trước Tết do ngư dân và nông dân nghỉ Tết cho nên nguồn cung tạm thời bị gián đoạn. Tập quán cúng tiễn tổ tiên trong hai ngày mồng 3, mồng 4 Tết làm cho giá gà và hoa tươi tăng nhẹ so với ngày thường. Giá gà ta tăng khoảng 10% (dao động quanh ngưỡng 100 nghìn đồng/ký); rau xanh tăng khoảng 20 đến 30% (tùy loại). Tại các siêu thị có tham gia Chương trình bình ổn thị trường như hệ thống siêu thị Co.opmart, giá hàng hóa vẫn được giữ ổn định; nhiều mặt hàng rau, củ, quả, trái cây… còn được giảm giá so với ngày thường. Tại siêu thị Co.opmart Quang Trung (quận Gò Vấp), giá cà chua (giống Hà Lan, trồng ở Lâm Đồng) giảm giá từ 35 nghìn đồng/ký còn 20 nghìn đồng/ký; dưa leo đạt tiêu chuẩn VietGAP (trồng ở Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi) giảm từ 23.500 đồng/ký còn 14 nghìn đồng/ký; đậu bắp đạt tiêu chuẩn VietGAP (trồng ở Bình Chánh, Củ Chi) giảm từ 34.500 đồng/ký còn 15.500 đồng/ký; bưởi Năm Roi giảm từ 37.500 đồng/ký còn 33.500 đồng/ký và còn khuyến mãi mua một trái được tặng một trái; bưởi da xanh loại 1 (xuất xứ Bến Tre, Tiền Giang) giảm từ 49.500 đồng/ký còn 41 nghìn đồng/ký… Các siêu thị Co.opmart khác cũng áp dụng nhiều chương trình bình ổn và giảm giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu.
Chị Nguyễn Kim Thủy, nhà ở đường Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Phú Nhuận cho biết: “Tôi bắt đầu đi chợ và siêu thị từ mồng 4 Tết, do thực phẩm trong nhà đã hết và cũng để đổi khẩu vị, muốn ăn thực phẩm tươi sống và nhiều rau xanh hơn. Dù là những ngày nghỉ Tết nhưng thấy giá các loại thịt và rau xanh vẫn giữ như ngày thường”.
Ghi nhận tại chợ Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận) vào sáng 16-2 (mồng 5 Tết), lượng khách đi mua sắm cũng còn ít, giá nhiều mặt hàng rau, củ, quả và trái cây vẫn ở mức thông thường. Chẳng hạn, bắp cải được bán với giá 10 nghìn tới 15 nghìn đồng/ký; cà-rốt và khoai tây có giá khoảng 20 nghìn đồng/ký; nấm rơm có giá khoảng 140 nghìn đồng/ký; ớt Đà Lạt có giá từ 60 nghìn đồng đến 90 nghìn đồng/ký (tùy loại)… Các loại hoa như cúc, lay-ơn, ly… giá cả ổn định, không tăng so với ngày thường.
Trên địa bàn quận 5, tiểu thương tại các chợ truyền thống cũng bắt đầu bán hàng từ mồng 2 Tết. Thông tin từ các ban quản lý chợ cho biết số sạp mở bán sau Tết còn thấp (đạt từ 50 đến 70% tổng số sạp). Riêng tại chợ Hòa Bình, các hộ kinh doanh tại lòng đường bên ngoài chợ vẫn bán xuyên suốt trong những ngày Tết. Khu vực nhà lồng chợ Hòa Bình khai trương lại vào mồng 4 Tết nhưng lượng khách vẫn ít, người dân chủ yếu mua rau, củ, quả, thịt, hoa tươi; sức mua bằng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, các DN tham gia Chương trình bình ổn thị trường tiếp tục thực hiện đúng cam kết trong việc cung ứng hàng bình ổn đầy đủ, kể cả trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; sẵn sàng các phương án tổ chức phân phối, bán hàng lưu động, không để thị trường thiếu hàng, biến động giá. Hàng hóa được bảo đảm có giá bán phải thấp hơn ít nhất từ 5 đến 10% so với giá thị trường và còn đẩy mạnh hơn nữa các chương trình giảm giá. Riêng mặt hàng thịt heo bình ổn đã được chốt giá bán từ ngày 12-1 đến 12-3-2021.
Để có thể mua thịt heo bình ổn giá, người dân nên đến các siêu thị, cửa hàng bán lẻ thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (SATRA), Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN), Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), hệ thống siêu thị Big C… Hai đơn vị chủ lực trong Chương trình bình ổn thị trường hàng lương thực và thực phẩm thiết yếu là SATRA và Saigon Co.op cam kết giữ ổn định giá thịt heo. Trong đó, ngoài thịt heo tươi sống, SATRA đã trữ khoảng 70% lượng thịt heo đông lạnh (nhập khẩu). Tổng khối lượng hàng hóa phục vụ trong ba tháng trước, trong và sau Tết của Saigon Co.op tăng từ 15 đến 30% so với cùng kỳ (tùy ngành hàng, chủ yếu là nhóm thực phẩm tươi sống, các mặt hàng thiết yếu, hàng đặc trưng Tết). Nhiều DN sản xuất và phân phối cũng đã đưa thêm nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt gà, thịt vịt, trứng gia cầm, thủy sản, hải sản, rau, củ, quả, thực phẩm chế biến và các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 như khẩu trang, nước rửa tay… vào diện bình ổn giá và bảo đảm nguồn cung ổn định nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân.