Hàng trăm cá voi mắc cạn ở bãi biển New Zealand

Sáng 10-2, chiến dịch cứu hộ lớn nhằm đẩy 100 cá voi còn sống trở ra biển theo thủy triều lên đỉnh lúc 10 giờ 30 (giờ địa phương), sau khi hơn 300 cá voi nằm chết trên một trong những bãi biển đẹp nhất New Zealand.Theo NZ Herald, nhân viên Bộ Bảo tồn (DOC) cùng hàng trăm tình nguyện viên đã được huy động từ Dự án Jonah và các cộng đồng địa phương để giúp giải cứu cá voi hoa tiêu (Globicephala) mắc cạn hàng loạt trên bãi biển Farewell ở vịnh Golden trên đảo Nam từ tối 9-2.

Khoảng 300 cá voi hoa tiêu chết sau khi mắc cạn hàng loạt trên bãi biển mũi Farewell, vịnh Golden, đảo Nam, New Zealand. Ảnh: NZ Herald

Dự án Jonah cho biết, khoảng 75% số cá voi mắc cạn đã chết khi đội cứu hộ đến vào sáng sớm 10-2. Các tình nguyện viên đã giúp nhân viên DOC chăm sóc cá voi mắc cạn còn sống và đẩy chúng trở lại biển.

Giám đốc chiến dịch giải cứu của DOC Andrew Lamason cho biết, dường như những cá voi được đẩy ra biển đang bơi theo hướng sai quay trở vào vịnh, trong lúc không còn cơ hội để đẩy chúng trở ra biển cho đến khi thủy triều lên lại vào sáng mai.

Trước những chỉ trích DOC phản ứng chậm, Lamason cho biết, Bộ nhận báo cáo cá voi mắc cạn hàng loạt vào 8 giờ tối qua 9-2 nhưng 5 giờ 30 sáng 10-2 các nhân viên mới đến hiện trường vì rất nguy hiểm khi giải cứu cá voi vào ban đêm.

Khoảng 75% số cá voi mắc cạn đã chết

Các chuyên gia từ Đại học Massey đã đến Farewell để khám nghiệm xác cá voi vào cuối ngày hôm nay để xác định lý do một số lớn cá voi bị mắc cạn và chết trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.
NZ Herald dẫn lời TS. Stuart Hunter từ Đại học Massey: "Cá voi hoa tiêu mắc cạn hàng loạt không hiếm nhưng vụ mắc cạn này là bất thường do có rất nhiều cá voi chết chỉ trong một thời gian rất ngắn. Cá voi hoa tiêu có lớp mỡ dày để cách nhiệt nên xác sẽ bị phân hủy rất nhanh, nghĩa là phải khám nghiệm càng nhanh càng tốt".

Đây là vụ cá voi mắc cạn lớn thứ 3 ở New Zealand từ năm 1800. Khoảng 1.000 con cá voi mắc cạn trên quần đảo Chatham năm 1918 và khoảng 450 con mắc cạn ở Auckland năm 1985.

Theo GIA HY/SGGPO

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2030/201702/hang-tram-ca-voi-mac-can-o-bai-bien-new-zealand-2781313/