Hàng trăm căn nhà tình thương đến với người dân có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài tỉnh

Tổ cất nhà tình thương số 2, ấp An Bình, xã Định Yên, huyện Lấp Vò (viết tắt là Tổ) được thành lập vào năm 2016 với 35 thành viên. Tổ đã chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương cụ thể hóa việc xóa nhà tạm bợ, hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống. Đến nay, số thành viên tự nguyện tham gia Tổ hơn 80 người. Các thành viên của Tổ cùng nhà hảo tâm tự nguyện đóng góp tài lực, vật lực cất hàng trăm căn nhà tình thương cho người có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài tỉnh với tổng số tiền lên đến nhiều tỷ đồng.

Cuộc sống của gia đình bà Nguyễn Thị Chín ngụ ấp An Bình, xã Định Yên (bìa trái) ổn định hơn khi được hỗ trợ cất nhà tình thương

Cuộc sống của gia đình bà Nguyễn Thị Chín ngụ ấp An Bình, xã Định Yên (bìa trái) ổn định hơn khi được hỗ trợ cất nhà tình thương

Bà Nguyễn Thị Chín (SN 1954, ngụ ấp An Bình, xã Định Yên, huyện Lấp Vò), cho biết: “Gia đình không có ruộng đất, sống chủ yếu bằng nghề làm thuê mướn, dù chi tiêu dè sẻn nhưng gia đình không có tích lũy để sửa chữa lại căn nhà bị dột và xiêu vẹo. Năm 2022, nhờ sự quan tâm của Hội Chữ thập đỏ xã Định Yên, Tổ đã hỗ trợ cất nhà tình thương. Có được căn nhà khá vững chắc, gia đình yên tâm về chỗ ở, tôi và đứa con trai tranh thủ đi làm thuê kiếm thêm nguồn thu nhập, nên gia đình được công nhận thoát nghèo vào cuối năm 2022”.

Ông Huỳnh Phú Quán - Tổ phó phụ trách điều hành cho biết, đến nay, Tổ hoạt động đi vào nền nếp, các thành viên đều tích cực đóng góp tài lực, sức lực để tạo “mái ấm” cho người dân gặp khó khăn về nhà ở. Do nguồn kinh phí cất nhà tình thương chủ yếu do các thành viên có kinh tế khá trong Tổ đóng góp, người nhiều nhất cả tỷ đồng, người ít nhất vài chục triệu đồng/năm. Năm 2021, Tổ cất và bàn giao tổng số 118 căn, năm 2022 là 126 căn và 5 tháng đầu năm 2023 là 62 căn nhà tình thương (mỗi căn trị giá từ 25 triệu - 30 triệu đồng) với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng (chỉ tính tiền vật tư), riêng công cán, ăn uống trong quá trình dựng nhà thì các thành viên trong Tổ tự lo.

Điểm đáng ghi nhận của Tổ là tất cả các căn nhà tình thương được cất tặng cho hộ nghèo, cận nghèo bằng vật liệu sắt thép, đảm bảo 3 cứng (nền cứng, vách cứng, mái cứng), giúp người dân an tâm hơn về nhà ở, tập trung phát triển kinh tế, sớm vươn lên có cuộc sống ổn định. Thấy Tổ hoạt động có hiệu quả, nhiều người tự nguyện tham gia Tổ, mạnh thường quân trực tiếp gặp Ban Quản lý Tổ đóng góp kinh phí để mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm xã hội tự nguyện, gạo hàng tháng cho các thành viên có hoàn cảnh khó khăn của Tổ nói riêng và việc cất nhà tình thương cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn nói chung.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Định Yên (huyện Lấp Vò), cho biết: “Trong quá trình tổ chức cất nhà tình thương, Tổ luôn phối hợp cùng với chính quyền địa phương trong các khâu: lập danh sách những hộ gặp khó khăn về nhà ở; khảo sát thực tế; họp Ban Quản lý Tổ với các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương thống nhất chọn những hộ có hoàn cảnh khó khăn thật sự, trong đó ưu tiên cho những hộ già neo đơn, lớn tuổi cất trước... Sau đó, Tổ tiến hành mua vật liệu xây dựng, phân công thành viên tham gia cất nhà, bàn giao nhà sau khi hoàn thành. Việc làm thiện nguyện của Tổ dựa trên nguyên tắc tự nguyện, gương mẫu, dân chủ, minh bạch. Từ đó, hoạt động cất nhà tình thương được các mạnh thường quân và người dân tin tưởng tích cực hưởng ứng mang lại nhiều kết quả thiết thực, nhất là giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân trong xây dựng nông thôn mới”.

Khi được hỏi về ý tưởng thành lập Tổ, ông Huỳnh Phú Quán - Tổ phó phụ trách điều hành bộc bạch: “Qua việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bản thân suy nghĩ trước đây gia đình tôi cũng khó khăn, nhưng được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của bà con láng giềng, cộng với nỗ lực của bản thân trong phát triển kinh tế, đến nay cuộc sống gia đình tương đối ổn định, các con được học hành, có việc làm và thu nhập khá. Từ đó, bản thân bàn bạc với gia đình tham gia công tác thiện nguyện nhằm chia sẻ, hỗ trợ những trường hợp còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Thông qua hoạt động thiện nguyện, tôi được anh em tín nhiệm giao nhiệm vụ Tổ phó phụ trách điều hành việc cất nhà tình thương này...”.

Cũng theo ông Huỳnh Phú Quán, nhìn chung hoạt động của Tổ ngày càng phát triển, số căn nhà được cất và bàn giao cho các hoàn cảnh khó khăn vượt ra ngoài tỉnh, thành như: Kiên Giang, TP Cần Thơ là nhờ các thành viên trong Tổ tham gia trên tinh thần tự nguyện, không phân biệt theo hoàn cảnh của mỗi người. Trong công việc phải gương mẫu đi đầu, đoàn kết cùng hỗ trợ lẫn nhau nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ thiện nguyện. Đặc biệt, vấn đề thu - chi tiêu tài chính được công khai minh bạch (ghi chép rõ ràng, báo cáo tổng kết và công khai tài chính hàng năm), qua đó tạo được sự tin tưởng, đồng thuận cao đối với các mạnh thường quân và thành viên của Tổ.

DŨNG CHINH

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/hoc-tap-va-lam-theo-tam-guong-chu-tich-ho-chi-minh/hang-tram-can-nha-tinh-thuong-den-voi-nguoi-dan-co-hoan-canh-kho-khan-trong-va-ngoai-tinh-113966.aspx