Hàng trăm công nhân mòn mỏi chờ lương, BHXH của công ty Sahabak
Sau 10 năm hoạt động, Công ty Cổ phần Sahabak trong tình trạng thua lỗ, hàng chục tỉ vốn Nhà nước có nguy cơ mất trắng.
Công ty Cổ phần Sahabak thành lập năm 2009 tại khu Công nghiệp Thanh Bình, tỉnh Bắc Kạn với mục tiêu trở thành đơn vị đầu tàu cho chế biến lâm sản từ gỗ rừng trồng trong khu vực. Thế nhưng sau 10 năm hoạt động, doanh nghiệp này đang trong tình trạng thua lỗ nặng nề, hàng chục tỉ đồng vốn Nhà nước có nguy cơ mất trắng và quyền lợi của hàng trăm lao động ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cầm trên tay cả xấp hóa đơn, chứng từ, bà Bùi Thị Lanh (thôn Cốc Po, xã Thanh Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) rơm rớm nước mắt. Làm cấp dưỡng cho Công ty CP Sahabak từ những ngày đầu thành lập, tin tưởng vào sự phát triển của đơn vị, bà Lanh đã ứng tiền túi để mua đồ ăn, thực phẩm. Số tiền lên đến hơn 400 triệu đồng nhưng sau nhiều lần đề nghị được thanh toán, bà vẫn chỉ nhận được sự hứa hẹn của lãnh đạo công ty. Cực chẳng đã, bà Lanh làm đơn ra tòa với hy vọng có thể lấy lại được số tiền đã bỏ ra.
"Tôi đi làm cho công ty Sahabak từ 2010, lúc đầu không có gì nhưng sau đó thì công ty vướng mắc của tôi hơn 400 triệu, cộng với tiền hưởng lợi từ rừng là 80 triệu. Hiện tôi nợ hơn 350 triệu của ngân hàng, tôi nợ người ta nên phải lấy nhà đi cầm cố, thực sự là rơi vào bước đường cùng rồi".
Anh Đinh Văn Bách (xã Thanh Bình, huyện Chợ Mới) làm bảo vệ cho công ty Sahabak cũng cho biết, hiện công ty còn nợ của anh 17 tháng lương. Không biết làm cách nào, anh cùng một số công nhân khác đành làm đơn kiến nghị gửi Ban Quản lý Khu công nghiệp Thanh Bình, tỉnh Bắc Kạn nhờ can thiệp.
"Mong muốn công ty bây giờ thanh toán cho tôi lương, được ít nào hay ít đấy và chế độ bảo hiểm, để tôi hoàn thiện lại bảo hiểm, một là tôi đóng thêm hai là rút bảo hiểm về. Mà bọn tôi cũng không biết kêu hay nói với ai, thấy có Ban Quản lý Khu công nghiệp ở đây tôi mới làm đơn lên. Sau đó cả Ban Quản lý với chúng tôi cũng sang công ty, ba mặt một lời, công ty có hứa trả trong tháng tư, nhưng nay đã sắp hết năm rồi mà không thấy trả", anh Bách cho biết.
Trường hợp của anh Anh Đinh Văn Bách chỉ là một trong số rất nhiều công nhân còn bị nợ lương, bảo hiểm và các chế độ khác như thai sản, hỗ trợ ốm đau... từ nhiều năm nay. Theo cơ quan Bảo hiểm huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn thì chỉ riêng các khoản nợ bảo hiểm của Công ty Cổ phần Sahabak từ 1/2016 đến nay đã là hơn 2,4 tỉ đồng.
Ông Trần Chiến Thắng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Chợ Mới cho biết: "Cơ quan BHXH huyện Chợ Mới đã nhiều lần đến làm việc với Công ty và Ban Quản lý Khu Công nghiệp, tuy nhiên công ty vẫn không đóng nộp bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định".
Công ty Cổ phần Sahabak được thành lập với 4 cổ đông có sử dụng vốn Nhà nước gồm: Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty Cổ phần bất động sản Sài Gòn - Đông Dương và Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn với số vốn ban đầu khoảng 100 tỉ đồng. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn, sau gần 9 năm hoạt động, Công ty Cổ phần Sahabak đã thua lỗ hơn 88 tỉ đồng, chưa kể nợ công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn hơn 4,5 tỉ đồng; Nợ phí dịch vụ của Ban quản lý Khu công nghiệp Thanh Bình gần 4 tỉ đồng; Nợ thuế hơn 2,6 tỉ đồng... Hiện phần lớn nhà xưởng, trang thiết bị của doanh nghiệp này đã bị các ngân hàng phát mại.
Ông Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn xác nhận, phần rừng trồng trên diện tích hơn 600ha đất đã được cấp cũng là tài sản cuối cùng của Công ty CP Sahabak. Tuy nhiên, phần lớn diện tích rừng này công ty trồng theo phương thức liên kết với người dân nên sau khi khai thác, số tài sản của đơn vị này sẽ không còn là bao.
"Đến nay phần tài sản lớn nhất mà chúng tôi xác định Sahabak còn là 620ha rừng công ty mới trồng 1-2 năm tuổi. Việc xem để thu hồi phần vốn của tỉnh đầu tư vào công ty chủ yếu xem xét phần rừng công ty đã trồng. Tuy nhiên việc thu hồi theo Luật doanh nghiệp, ở đây công ty đang trong quá trình xem xét phá sản hay giải thể. Tỉnh cũng thành lập các đoàn công tác gặp trực tiếp các cổ đông liên quan đóng góp vốn để làm sao giải quyết vụ việc dứt điểm được", ông Tuyên cho biết.
Vì sao một doanh nghiệp được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hoạt động lại thua lỗ, nợ nần cả trăm tỉ đồng? Số vốn Nhà nước trong công ty sẽ được thu hồi như thế nào trong bối cảnh doanh nghiệp không còn hoạt động? Và điều dư luận quan tâm nhất lúc này là các cổ đông sẽ có trách nhiệm ra sao nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan?/.