Hàng trăm hộ dân sống giữa vùng lõi rừng Ia Hdreh: Nhiều hệ lụy
Hàng trăm hộ dân sinh sống trong vùng lõi rừng Ia Hdreh (huyện Krông Pa) đã dẫn đến nhiều hệ lụy, đặc biệt là tình trạng phá rừng làm rẫy. Mặc dù UBND huyện đã lên phương án di dời các hộ dân nhưng thực tế đang gặp phải nhiều vướng mắc chưa thể tháo gỡ.
“Ngôi làng” giữa rừng
Khoảng năm 2007, từ vài nhà rẫy có sẵn của người dân tộc thiểu số, một ngôi làng nhen nhóm hình thành trên diện tích đất mà UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Lâm nghiệp Tân Tiến trồng rừng. Sau đó, lợi dụng việc công ty này mở rộng đường để trồng rừng, người dân ở các xã Ia Hdreh, Krông Năng, Ia Rmok, Phú Cần (huyện Krông Pa) và một số hộ dân tại tỉnh Đak Lak, Phú Yên cũng đổ về khu vực này lấn chiếm đất canh tác nông nghiệp. Ban đầu, người dân chỉ làm các chòi rẫy tạm bợ để ở. Nhưng sau đó, họ đã xây dựng các ngôi nhà kiên cố. Đến thời điểm hiện tại, rải rác trong khu vực rộng hàng trăm héc ta có hơn 150 hộ dân sinh sống. Hầu hết trong số họ đều sinh sống tại đây và chỉ trở về quê sau khi mùa vụ kết thúc hoặc những dịp lễ, Tết.
Tìm được vùng đất mới để định cư nhưng cuộc sống của người dân nơi đây cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Đường sá xa xôi cách trở nên nông sản không tìm được đầu ra. Anh Nay Y Duôn (42 tuổi, trú tại buôn Jú, xã Krông Năng, huyện Krông Pa) chia sẻ: “Nhà mình trồng gần 2 ha mì, năm nay chỉ thu được hơn 25 tấn củ tươi. Đường xa nên không thương lái nào mua cả, mình phải thuê xe máy cày chở ra đường Trường Sơn Đông mới có chỗ bán. Đường xa hơn 20 km nên mỗi chuyến, mình phải thuê xe hết 3 triệu đồng. Năm nay mì hạ giá chỉ được có 1.400 đồng/kg, bù đi bù lại tiền nhổ, tiền vận chuyển cũng không dư bao nhiêu. Mình mua nợ phân bón, gạo, mắm muối gần 20 triệu đồng mà đợt này chỉ trả được 10 triệu đồng, số còn lại không biết đến bao giờ”. Cũng theo anh Duôn, từ năm 2009, khi công trình thủy điện Sông Ba Hạ hoàn thành, phần đất canh tác nông nghiệp cũ của gia đình anh bị ngập. Do không còn đất sản xuất, vợ chồng anh phải chuyển đến khu vực lõi rừng để tìm đất. Vì thường xuyên ở trong rừng, 6 đứa con của anh Duôn lại không muốn chịu cảnh xa cha mẹ nên đều nghỉ học từ khi vừa bước lên bậc THCS. “Mình có nói các con ở làng chịu khó đi học nhưng tụi nó không chịu. Mình cũng không biết phải làm sao. Về làng giờ cũng không có đất để làm, làm thuê thì không ổn định, sau này cũng không có đất để lại cho con cái nên nhà nước có vận động di dời nhưng mình chưa ra”-anh Duôn buồn bã nói.
Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa: Ủy ban nhân dân huyện đã thành lập đoàn liên ngành tập trung rà soát, xác minh thực trạng các hộ dân xem ai đang thiếu đất sản xuất, ai thiếu đất ở để có phương án hỗ trợ. Thời gian tới, đoàn liên ngành sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp, khoanh vùng vị trí từng hộ để xác định nguồn gốc đất, nếu là đất rừng thì buộc thu hồi và trồng lại rừng với quyết tâm phải di dời toàn bộ. Sau đó, huyện sẽ lên phương án cụ thể và xin ý kiến của UBND tỉnh để triển khai.
Nhiều hệ lụy
Nơi các hộ dân sinh sống vốn giáp ranh với lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba (huyện Krông Pa) và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô (tỉnh Đak Lak). Bởi vậy, thời gian qua, để có đất sản xuất và gỗ làm nhà ở, nhiều người dân sẵn sàng xâm hại đến nguồn tài nguyên rừng. Hiện nhiều diện tích rừng nơi đây đang bị đốn hạ, đốt bỏ để kịp gieo trồng khi mùa mưa xuống. Để đủ nguyên liệu xây dựng những ngôi nhà kiên cố, người dân đã tự ý cưa hạ nhiều gốc cây lớn trong rừng. Thực trạng này diễn ra trong thời gian dài, lực lượng chức năng huyện Krông Pa đã có nhiều biện pháp mạnh tay nhưng chưa thể kiềm chế.
Ông Trương Quốc Dụng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa-cho hay: Trong năm 2019, Hạt Kiểm lâm huyện đã khởi tố 1 vụ án hủy hoại rừng trong khu vực này với diện tích hơn 2,3 ha. Từ đầu năm 2020 đến nay, kiểm lâm địa bàn cũng phát hiện, lập biên bản 4 vụ phá rừng làm rẫy tại đây và hiện đang lập hồ sơ xử lý. “Nhiều đối tượng lâm tặc đã lợi dụng việc vận chuyển nông sản của người dân để trà trộn vận chuyển lâm sản trái phép trong khu vực này dẫn đến khó kiểm soát. Đó cũng là một trong những lý do khiến rừng tại khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai-Đak Lak trở thành “điểm nóng” thời gian qua”-ông Dụng thông tin.
Việc người dân sống tập trung trong lõi rừng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý của chính quyền địa phương nơi họ cư trú. Ông Nông Đức Công-Phó Chủ tịch UBND xã Krông Năng (huyện Krông Pa) cho biết, người dân rời làng cũ sẽ chịu nhiều thiệt thòi vì không có điện, không có nước sạch, thiếu chăm sóc y tế... Mỗi khi UBND xã cần tuyên truyền, điều tra số liệu, họp xin ý kiến về các chủ trương thì đều gặp khó bởi người dân vắng mặt. Đặc biệt, đến mùa vụ, các thầy-cô giáo rất vất vả trong công tác vận động học sinh đến trường bởi các em theo cha mẹ lên rẫy, ảnh hưởng đến công tác giáo dục. Nhiều em đến tuổi học mẫu giáo cũng ít đến lớp, ít tiếp xúc với môi trường giáo dục nên khi bắt đầu lớp 1 gặp rất nhiều bỡ ngỡ. “Đời sống của bà con bị ảnh hưởng rất nặng nề nhưng nhiều người vẫn quyết tâm không về làng cũ dù được tuyên truyền rất nhiều, một phần vì đất canh tác đã bị ngập sau khi làm thủy điện Sông Ba Hạ, phần vì nhà đông con, cũng muốn mở rộng thêm diện tích đất để sau này chia cho con cái”-ông Công nói.