Hàng trăm hộ dân trồng lúa hữu cơ gặp khó vì doanh nghiệp ngừng tiêu thụ

Việc doanh nghiệp ngừng ký kết tiêu thụ sản phẩm khiến nông dân gặp khó, tiến độ chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp của địa phương theo đó cũng chậm lại.

Hàng trăm hộ nông dân chuyên trồng lúa hữu cơ tại hai xã đảo Long Hòa và Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đang lo lắng khi mùa vụ sản xuất lúa hữu cơ đã tới nhưng doanh nghiệp hợp đồng thu mua trước đây không tiếp tục ký kết tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Thưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Minh cho biết, nhiều năm qua, mô hình trồng lúa hữu cơ được ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp đã đem lại thu nhập khá cho nông dân.

Giá lúa hữu cơ bình quân được Công ty Cọp Sinh Thái thu mua 11.200 đồng/kg lúa tươi, cao hơn 2 lần lúa thường. Nông dân trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm, cá sạch, tăng thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/ha.

Từ mùa vụ năm 2018, Công ty Cọp Sinh Thái giảm gần nửa diện tích tiêu thụ sản phẩm so trước đây, còn trên 48,6 ha. Mùa vụ này, công ty không ký kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Công ty Cọp Sinh Thái cũng không ký kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa hữu cơ với nông dân xã Long Hòa.

Ông Lê Văn Trí, Bí thư Đảng ủy xã Long Hòa cho biết, năm 2018, nông dân xã Long Hòa được Công ty Cọp Sinh Thái ký kết sản xuất tiêu thụ 31 ha lúa hữu cơ, Công ty Hồng Tin, Tp. Hồ Chí Minh ký kết sản xuất, tiêu thụ 43 ha lúa hữu cơ. Mùa vụ này, công ty Hồng Tin ký kết sản xuất, tiêu thụ 45 ha lúa hữu cơ. Công ty Cọp Sinh Thái ngừng ký kết tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Thưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Minh, Ủy ban nhân dân xã cho biết đã liên lạc với những cán bộ trực tiếp ký kết hợp đồng sản xuất bao tiêu lúa hữu cơ trước đây của Công ty Cọp Sinh Thái và nhận được sự trả lời là công ty không tiếp tục ký kết hợp đồng bao tiêu.

Còn đối với xã Long Hòa, ông Lê Văn Trí, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, khi liên lạc với những cán bộ của Công ty Cọp Sinh Thái trực tiếp ký kết hợp đồng sản xuất những năm vừa qua, được họ cho biết đã nghỉ việc và giới thiệu cho xã những cán bộ phụ trách mới của công ty để liên hệ.

Tuy nhiên, qua nhiều lần Ủy ban nhân xã Long Hòa liên lạc, những cán bộ này vẫn chưa có sự trả lời, hay bất cứ động thái gì cho thấy việc Công ty Cọp Sinh Thái tiếp tục ký hợp đồng bao tiêu lúa hữu cơ, trong khi thời vụ giống lúa đã sắp đến. Việc doanh nghiệp ngừng ký kết tiêu thụ sản phẩm khiến nông dân gặp khó, tiến độ chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp của địa phương theo đó cũng chậm lại.

Nông dân Nguyễn Văn Thái, tổ trưởng tổ sản xuất lúa hữu cơ ấp Bà Liêm, xã Hòa Minh cho biết, nông dân phải sản xuất sạch theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ở 3 vụ lúa trong 3 năm liên tiếp.

Trường hợp ruộng lúa ngừng sản xuất sạch 1 năm, người trồng lúa phải thực hiện lại hoàn toàn các khâu canh tác cho sản xuất lúa hữu cơ. Trong khi đó, quy trình sản xuất lúa hữu cơ khá nghiêm ngặt, tốn nhiều công lao động, chăm sóc.

Ông Thái cho biết thêm, từ trước đến nay, sản phẩm gạo hữu cơ do doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua, gần như chưa tiêu thụ tại thị trường Trà Vinh. Doanh nghiệp không thu mua sản phẩm, khả năng nông dân sẽ không sản xuất vì giá lúa hữu cơ cao hơn hẳn so với giá lúa thông thường.

Ông Lê Văn Trí cho biết, thời điểm xuống giống lúa hữu cơ còn hơn 1 tháng, để hỗ trợ nông dân, xã Long Hòa và xã Hòa Minh đã mời gọi doanh nghiệp mới ở Tp. Hồ Chí Minh ký kết tiêu thụ sản phẩm lúa.

Hai xã này cũng vận động nông dân thành lập hợp tác xã sản xuất lúa hữu cơ, thủy sản sạch để có tư cách pháp nhân, thuận lợi trong sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu… Cách làm này cũng góp phần quảng bá hình ảnh của sản phẩm, ký hợp đồng sản xuất bền vững./.

Phúc Sơn/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/hang-tram-ho-dan-trong-lua-huu-co-gap-kho-vi-doanh-nghiep-ngung-tieu-thu/125080.html