Hàng trăm hộ trồng nấm ở Thừa Thiên Huế 'khóc ròng' vì thiếu rơm làm vụ mới
Mưa lũ liên tiếp những ngày qua khiến lượng rơm dự trữ là nguồn nguyên liệu chính của hàng trăm hộ dân trồng nấm rơm ở xã Phú Lương, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) bị ngập ướt, gây thiệt hại kinh tế nặng nề.
KHẢN TIẾNG, VIÊM THANH QUẢN kéo dài nhiều năm - Tham khảo ngay bí quyết SIÊU ĐƠN GIẢN này!
Từ lâu nay, trồng ấm rơm trở thành ngành kinh tế chủ lực của xã Phú Lương (Phú Vang) khi hầu hết các hộ gia đình ở đây đều có truyền thống trồng nấm hàng chục năm qua. Sau mỗi vụ mùa thu hoạch lúa người dân lại gom và tích trữ rất nhiều rơm khô để trồng nấm làm kinh tế, hơn nữa việc làm này còn góp phần bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, xã Phú Lương vốn là một vùng thấp trũng, những đợt bão lụt kéo dài đã khiến một lượng lớn rơm khô bị ngập ước, hư hỏng không thể sử dụng được. Việc rơm khô bị ngập nước khiến hàng trăm hộ dân ở đây thiếu nguồn nguyên liệu để sản xuất nấm.
Anh Ngô Văn Thi (54 tuổi), trú tại xã Phú Lương cho biết, gia đình anh có khoảng 300 ụ rơm khô dự trữ để trồng nấm nhưng đợt mưa lũ vừa rồi lượng rơm đó đã bị ngập nước, hư hỏng.
“Sau vụ hè thu vừa rồi, gia đình tôi đã bỏ ra khoảng 10 triệu đồng để thuê người ta cuộn rơm, chở về nhà và mua thêm rơm khô nữa. Nhưng sau đợt lụt vừa rồi giờ tôi chỉ còn đủ rơm để trồng nấm trong khoảng 1 tháng nữa thôi”, anh Thi ngậm ngùi.
Cùng cảnh ngộ trên, chị Phan Thị Thúy (45 tuổi, trú tại xã Phú Lương) cho biết, gia đình chị trồng 4 mẫu lúa, toàn bộ rơm khô đều được đưa về tích trữ để trồng nấm. Đợt bão lụt vừa qua đã khiến cho khoảng 200 ụ rơm khô là nguyên liệu làm nấm của gia đình bị ngập nước và không thể sử dụng được nữa.
“Rơm khô tại ruộng nhà mình và rơm tôi mua thêm ở những nơi khác về tích trữ giờ bị ngập nước quá nửa rồi. Nếu rơm trong ruộng nhà mình thì công thuê họ cuộn và chở về đến nhà là khoảng 18 - 20 nghìn đồng/01 cuộn”, chị Thúy nói.
Được biết, trên địa bàn xã hiện nay có hơn 400 hộ dân làm nghề trồng nấm, tập trung tại thôn Lê Xá Đông với 200 hộ, trong đó có khoảng 90% người theo nghề suốt 20 năm nay.
Theo anh Ngô Văn Khôi (42 tuổi, xã Phú Lương), ở đây nhà nào cũng có từ 2 đến 3 vòm nấm rơm, để có những cây nấm rơm đạt chất lượng, phải trải qua nhiều công đoạn từ đạp rơm, tưới nước, ủ men… Nhưng vừa rồi, nước dâng cao nên các ụ rơm đều ước hết.
“Gia đình tôi vừa buôn bán, vừa làm ruộng và trồng nấm rơm. Nếu thuận lợi, 03 vòm nấm rơm có thể mang lại cho gia đình nguồn thu nhập từ 3 - 4,5 triệu/tháng. Giờ đây không biết lấy rơm đâu ra để trồng nấm khi vụ mùa lúa chưa đến.
Trao đổi với báo Gia đình Việt Nam, ông Hồ Viết Thuyên - Chủ tịch UBND xã Phú Lương cho biết, mưa lũ đã gây ra thiệt hại nặng nề cho địa phương, khoảng 80% nhà cửa của người dân bị hư hại, không những thể hàng trăm hộ dân đã không thể tiếp tục trồng nấm rơm khi lượng rơm dự trữ đều bị ngập ước, không thể sử dụng.
"UBND xã đã thống kê các thiệt hại ban đầu do bão lũ gây ra để báo cáo với huyện”, ông Thuyên cho biết.