Hàng trăm ngư dân 'kẹt' ở cảng biển Sa Huỳnh và nỗi lo lây nhiễm
Ở vùng tâm dịch Sa Huỳnh gần hai tháng qua, sau bao nỗ lực ngăn chặn, nguy cơ lây lan dịch Covid-19 vẫn chưa thể dừng từ những đêm vượt biển, tìm đường về nhà của ngư dân xa bờ.
Nửa đêm lội biển về nhà
Hơn hai tháng lênh đênh trên biển đánh bắt và buôn bán hải sản các cảng cá miền trung, tàu QNg 98372 TS trở về cảng Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. Sau khi thực hiện các biện pháp khai báo lịch trình, xét nghiệm sáu thuyền viên neo trên tàu neo cửa biển Sa Huỳnh, cách bờ hơn 200m.
Bốn ngày chờ đợi kết quả xét nghiệm, Nguyễn Minh Vương cùng anh em đứng ngồi không yên. Nhớ đứa con nhỏ hơn bốn tháng tuổi và cuộc điện thoại, nói chuyện với vợ con hằng ngày không làm Vương thôi sốt ruột. Trời chập tối, Vương điện thoại về nhà cho vợ con. Lời qua tiếng lại, vợ chồng Vương cãi nhau.
Chờ cho anh em trên tàu ngủ say, 1 giờ sáng Vương quyết định nhảy nước vượt cửa biển về nhà. Tàu neo cách bờ hơn 200m nhưng nếu lội vào bờ đi bộ về nhà sẽ bị phát hiện, Vương quyết định bơi vòng theo đường biển từ cửa cảng để về nhà. Bơi được mươi phút đuối sức, Vương lần tìm thúng cố sức chèo tiếp tục vượt cửa biển.
“Thì cãi lộn với vợ qua điện thoại. Sau đó điện thoại miết, bả không bắt máy, thà nghe máy nói một tiếng mình yên tâm ở ngoài tàu. Không nói gì nên mình lo, bực quá nhảy nước bơi vô” - Vương phân bua.
Ngồi khép nép bên cạnh chồng, Trần Thị Kim Dung im lặng, giấu ánh mắt buồn. Vừa sinh con hơn bốn tháng, một mình lo cho hai con nhỏ giữa mùa dịch thiếu thốn chồng chất hơn.
Vì thế, chồng ở sát cửa biển mà không thể về khiến bực dọc leo cao. Lời qua tiếng lại để chồng trốn về trong đêm, giờ cả nhà vi phạm quy định chống dịch, con nguy cơ nhiễm bệnh nếu Vương bị Covid-19.
Dung lo lắng: “Ảnh về trong đêm chưa kịp đi đâu thì các anh ở phường đã xuống làm việc rồi. Giờ không biết xử lý thế nào, con thì mới sinh còn nhỏ”.
Vùng biển Quảng Ngãi - nơi sinh sống của hàng chục nghìn ngư dân, mỗi nhà mỗi mảng đời. Dịch Covid-19 tràn về ngõ ngách, mảng đời lại hiện ra. Lênh đênh trên biển mươi ngày đến vài tháng, nhiều ngư dân tìm đường trở về quê, về nhà dù biết rõ lệnh giới nghiêm và vi phạm phòng chống dịch.
Sau nhiều tháng đi biển cùng anh em thuyền viên, giữa tháng 7, ông Võ Phát cùng tàu cập cảng Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng. Dịch Covid-19 bùng phát nhiều nơi, dự định trở về nhà ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ bị gián đoạn.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông Phát quyết định tìm đường về nhà. Rời cảng Thọ Quang, ông bám theo xe hàng từ Đà Nẵng đi liên tỉnh. Vượt qua nhiều chốt chặn kiểm soát, đến địa phận tỉnh Quảng Ngãi ông Phát liên lạc với người nhà.
Để tránh cách ly tập trung, đêm xuống ông băng đường cái quan để tránh trạm chốt phường Phổ Thạnh. Băng qua rừng dương đi bộ đến điểm hẹn người thân đón ông về nhà. Mặc dù cố che giấu, giữ kín nhưng ngay hôm sau chính quyền địa phương phát hiện ông Phát về từ vùng dịch, dương tính với virus SARS-CoV-2.
Về không được ở không xong
Hơn một tuần qua, tại các cửa biển tỉnh Quảng Ngãi như Tịnh Kỳ, Lý Sơn, Sa Huỳnh… hàng trăm tàu thuyền đánh bắt xa bờ trở về quê sau nhiều tháng đi khơi.
Tại cảng Sa Huỳnh, vùng tâm dịch tỉnh Quảng Ngãi hơn một tuần qua có 74 tàu thuyền cùng 339 ngư dân làm ăn từ các vùng biển Bắc Bộ, phía Nam và xa khơi cập cảng. Các ngư dân là người địa phương, bạn thuyền làm ăn các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, TP Đà Nẵng… theo tàu cập bến. Tàu thuyền trở về đây neo đậu kéo dài từ cửa biển đến cảng cá.
Đánh bắt vùng biển Đà Nẵng, sau hơn hai tháng xuất bến, ông Nguyễn Tính cùng sáu anh em thuyền viên tàu QNg 94560 cập cảng Sa Huỳnh. Sau các thủ tục khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm, các thuyền viên bám trụ trên tàu mười ngày qua. Khơi xa trở về, nước uống cùng nhu yếu phẩm không còn, nhóm ngư dân chờ tiếp tế tạm bợ từ người thân đưa ra tàu. Thiếu thốn, bất an thuyền viên không biết khi nào được về nhà.
“Chúng tôi ở đây 10 ngày rồi. Ít nhất cũng phải biết là có đi cách ly tập trung không, hay khi nào được về nhà. Chúng tôi không có thông tin cụ thể gì cả” - ông Nguyễn Tính bức xúc.
Hết lênh đênh trên biển đến lênh đênh gần bờ. Ở trên tàu hơn 10 ngày qua, ông Trương Thành Quang nhận tiếp tế thực phẩm từ vợ con dù cách nhà chỉ hơn 2km. Đến giờ, ông cũng không được thông báo khi nào thì rời tàu.
“Bữa giờ ở nhà gởi ra tàu sống tạm chứ thiếu thốn đủ thứ. Đi biển làm thuê, khó khăn năm ngoái đến giờ nên nếu kéo dài gia đình tôi cũng cạn kiệt luôn thôi” - lão ngư Trương Thành Quang lo lắng.
Đi biển dài ngày, phí tổn cao trong khi giá cả hải sản thu mua thấp, nhiều tàu thuyền Quảng Ngãi không thể cập cảng tỉnh bạn để mua bán sau chuyến biển kéo dài. Vì vậy, từ cuối tháng 7 đến nay, nhiều tàu thuyền Quảng Ngãi tìm đường trở về quê.
Thống kê sơ bộ tại các vùng biển Sa Huỳnh, Lý Sơn, Tịnh Kỳ có khoảng 230 tàu thuyền và 700 ngư dân trở về quê qua tuyến đường biển, đường bộ. Theo quy định của tỉnh Quảng Ngãi, ngư dân trở về từ các tỉnh, thành phố phải cách ly y tế tập trung có thu phí. Tuy nhiên, điều này khiến chủ tàu lẫn ngư dân lo lắng, bất an.
Anh Phạm Văn Thơm chủ tàu QNg 94334 cho biết, tàu neo trú cảng Thọ Quang đến cuối tháng 7 anh tiếp tục chuyến đánh bắt xa bờ và trở về cảng Sa Huỳnh. Hơn 3 tấn hải sản trong hầm tàu đang tìm cách liên lạc bán cho đại lý thu mua để trả nợ phí tổn nhiều tháng qua.
“Nếu cách ly tập trung mà thu phí thì chúng tôi không có tiền để nộp vì đi biển khó khăn, hài sản không mua bán được giá. Giờ lo trả nợ phí tổn mấy tháng đi biển, không còn tiền để lo các chi phí phát sinh”.
Ở trên tàu dài ngày thiếu thốn, đi cách ly không đủ khả năng trả chi phí, hàng trăm tàu cùng gần 400 ngư dân về cảng Sa Huỳnh từ nhiều ngày qua vẫn trên biển chờ đợi ngành chức năng “giải cứu”.
Cần hỗ trợ các biện pháp y tế cho ngư dân xa bờ
Quảng Ngãi hiện có hơn 1.500 tàu thuyền đánh bắt xa bờ cùng hàng chục nghìn lao động biển. Trong đó, nhiều nhất là cảng biển Sa Huỳnh 1.110 tàu, với khoảng 7.000 lao động làm biển. Hiện đã có 450 phương tiện neo bờ cùng 2.700 ngư dân trở về.
Đặc thù là vùng biển số lượng tàu thuyền, ngư dân hành nghề lớn, vì vậy dù nỗ lực rất nhiều chính quyền cơ sở vẫn khó kiểm soát hết khi ngư dân trốn tránh về quê. Nguy cơ lây lan dịch Covid-19 tại các vùng biển rất lớn.
Gần hai tháng bùng phát dịch với hàng trăm ca cộng đồng, tỉnh Quảng Ngãi liên tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch đặc thù với mức độ nguy cơ, nguy cơ cao theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại tâm dịch Sa Huỳnh.
13 trường hợp ngư dân các nơi trở về nhiễm Covid-19 cùng hàng trăm F1 được phát hiện cách ly. Tuy nhiên đến nay, vẫn xuất hiện ca nhiễm cộng đồng từ bên trong vùng tâm dịch này.
Tình trạng người dân trốn khỏi khu phong tỏa để đi làm ăn, và ngược lại, ngư dân các nơi tìm cách trở về nhà, trốn tránh cách ly y tế khiến nguy cơ lây lan dịch Covid-19 ngày càng nhiều hơn.
Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh Nguyễn Văn Lượng cho biết, phường kích hoạt hai khu cách ly tập trung ngư dân tại trường Mầm non Long Thạnh 1 và trường Tiểu học số 3 Phổ Thạnh. Sức chứa tại các khu cũng chỉ 120 người, trong khi đó tàu thuyền và ngư dân ồ ạt trở về địa phương không đủ cơ sở vật chất, nhân lực đáp ứng.
Bên cạnh đó, hai năm qua dịch Covid-19 kéo dài khiến chủ tàu thuyền, ngư dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc thu phí cách ly tập trung ngư dân làm đời sống bà con miền biển thêm khốn khó.
“Chúng tôi là tâm dịch kéo dài gần hai tháng nên nhân lực, vật lực cũng dồn hết sức. Không còn khả năng làm thêm các khu cách ly vì ngư dân về đông quá. Còn cách ly thu phí thì bà con không đồng ý vì chi phí cao. Chúng tôi đang xin ý kiến của ngành chức năng để giải quyết” - Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh chia sẻ.
Diễn biến dịch Covid-19 kéo dài, trong thời gian tới nhiều ngư dân Quảng Ngãi tiếp tục quay tàu trở về quê. Tại tâm dịch Đức Phổi có 450 tàu thuyền neo tại cảng Sa Huỳnh, vẫn còn hơn 600 tàu thuyền cùng 4.300 ngư dân đánh bắt, neo trú các tỉnh phía nam, vịnh Bắc Bộ có thể trở về quê bắt cứ lúc nào. Vì vậy, giải pháp cùng những chính sách hỗ trợ cho bà con ngư dân cần được tính đến.
“Hiện nay là lượng tàu thuyền khai thác hải sản của ngư dân trở về cảng cá Sa Huỳnh ngày càng gia tăng, vì vậy cần có hướng giải quyết cho số ngư dân và lao động đi biển ở xa về để không ảnh hưởng công tác phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương” - Thượng úy Phan Vũ Tùng, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Đồn Biên phòng Sa Huỳnh cho biết.