Hàng trăm người ngậm đắng vì sập bẫy lừa chạy việc

Sau khi đưa hàng chục tỷ đồng cho Nguyễn Thị Thanh Hoa (1962, trú TP Huế, TT-Huế) để xin việc làm, hàng trăm bị hại ở khắp các tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, TT-Huế... đã phải ngậm đắng vì “tiền mất, nợ mang”. Việc làm đã không có mà còn gánh nợ vay mượn để đưa cho siêu lừa Nguyễn Thị Thanh Hoa hoặc qua trung gian để “chạy việc”. Với bản án 48 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” dành cho bị cáo Hoa, không chỉ là bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đối với những gì bị cáo đã gây ra.

Hàng trăm bị hại ở miền Trung đã sập bẫy lừa của Nguyễn Thị Thanh Hoa.

Hàng trăm bị hại ở miền Trung đã sập bẫy lừa của Nguyễn Thị Thanh Hoa.

“NỔ” QUEN VỚI NHIỀU LÃNH ĐẠO

Do cần tiền để trả nợ và chi tiêu cá nhân, từ tháng 12-2012 đến 5-2015, Nguyễn Thị Thanh Hoa đã dùng thủ đoạn gian dối là lừa đảo xin việc làm để chiếm đoạt tài sản của người khác. Theo cáo trạng của VKSND tỉnh TT-Huế, cuối tháng 4-2013, bà Trần Thị Lan (trú 12-Độc Lập, Tứ Hạ, Hương Trà, TT-Huế) nghe tin Nguyễn Thị Thanh Hoa có khả năng xin được việc làm cho nhiều người nên đã tìm gặp và đặt vấn đề nhờ xin việc cho người quen của mình và được Hoa đồng ý. Qua trao đổi, Hoa nói với bà Lan mình quen biết với nhiều sếp làm lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và có khả năng xin được việc làm ở nhiều cơ quan khác nhau trên địa bàn tỉnh TT-Huế. Sau đó, Hoa thông báo chi phí trọn gói sau khi xin được việc làm và tùy vào từng vị trí công tác mà giá chi phí trọn gói khác nhau. Nếu đồng ý xin việc, thì phải đặt cọc trước cho Hoa một khoản tiền, khi nào có quyết định đi làm sẽ đưa đủ tiền. Trong thời hạn từ 3-4 tháng nếu không xin được việc làm thì Hoa sẽ trả lại tiền đặt cọc đầy đủ cho bà Lan. Bà Trần Thị Lan đã về trao đổi lại với những người nhờ bà Lan xin việc với chi phí trọn gói cao hơn để thu lợi và đề nghị muốn xin việc thì cũng phải đặt tiền cọc trước, khi có quyết định đi làm mới phải thanh toán tiền đầy đủ.

Về hồ sơ xin việc, khi nhận tiền đặt cọc, Hoa giao cho Lan bộ hồ sơ xin việc để Lan đưa cho người xin việc về làm hồ sơ, sau đó đưa lại cho Lan để Lan đưa lại cho Hoa đi nộp hoặc người xin việc tự đi nộp hồ sơ tại nơi xin việc. Đối với những trường hợp người xin việc đã nộp hồ sơ trước đó, sau đó mới nhờ Lan xin việc thì Lan chuyển cho Hoa thông tin của người xin việc gồm họ tên, địa chỉ, chuyên ngành học và nơi muốn xin việc để Hoa xin việc. Tổng cộng, Trần Thị Lan đã nhận tiền xin việc của 57 người với số tiền hơn 4,6 tỷ đồng sau đó giao lại cho Nguyễn Thị Thanh Hoa để xin việc, chủ yếu là xin vào làm tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ông P.Đ.L (trú H.Bố Trạch, Quảng Bình)- một trong số hơn trăm bị hại kể: Tôi có đứa cháu học ra trường nhưng chưa có việc làm nên gia đình có nhu cầu xin vào Bệnh viện Đa khoa Phong Điền. Khi nghe bà Lan nói bà Hoa quen với các sếp lớn nên sẽ lo được, vì vậy gia đình đặt hoàn toàn niềm tin. Lúc này, nghe bà Lan nói số tiền lo việc là 120 triệu đồng, gia đình cũng đồng ý. Cách đây 6 năm, số tiền này rất có giá trị. Để có tiền lo việc cho cháu, gia đình phải đi cầm sổ đỏ thế vay mượn ngân hàng, không ngờ việc cũng không có mà còn phải cõng thêm một gánh nợ rất lớn”- ông Bình bức xúc.

SẬP BẪY DÂY CHUYỀN

Ông Đinh Tiên Hoàn (trú TX Hương Trà, TT-Huế) có nhờ bà Trần Thị Lan xin việc cho người quen nhưng không có kết quả (bà Lan nhờ Nguyễn Thị Thanh Hoa xin việc- P.V) nên cuối năm 2013, ông Hoàn đã đến gặp bà Lan để hỏi kết quả xin việc và đòi lại tiền. Lúc này, bà Trần Thị Lan đã gọi cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hoa đến gặp ông Hoàn. Lúc này, Hoa đưa ra lời giải thích và khuyên ông Hoàn yên tâm chờ đợi. Khi biết những người mình nhờ Trần Thị Lan xin việc, bà Lan đều nhờ lại Nguyễn Thị Thanh Hoa, nên kể từ đó khi có người đến nhờ xin việc, ông Đinh Tiên Hoàn đều liên hệ để gặp Hoa, chứ không qua trung gian bà Trần Thị Lan nữa.

Tại đây, “nữ quái” Hoa đồng ý và thông báo cho ông Hoàn chi phí trọn gói sau khi xin được việc làm và tùy vào từng vị trí công tác mà giá chi phí trọn gói khác nhau. Nếu đồng ý xin việc, thì phải đặt cọc trước cho Hoa một khoản tiền, khi nào có quyết định đi làm sẽ đưa đủ tiền. Trong thời hạn từ 3- 5 tháng nếu không xin được việc làm thì Hoa sẽ trả lại tiền đặt cọc đầy đủ cho ông Hoàn. Ông Đinh Tiên Hoàn đã về trao đổi lại với những người nhờ ông Hoàn xin việc với chi phí trọn gói cao hơn để thu lợi và đề nghị muốn xin việc thì cũng phải đặt tiền cọc trước, khi có quyết định đi làm mới phải thanh toán tiền đầy đủ. Với hành vi tương tự, Nguyễn Thị Thanh Hoa đã chiếm đoạt hơn 1,9 tỷ đồng của 23 người xin việc, thông qua ông Đinh Tiên Hoàn.

Tương tự, sau khi nhờ ông Đinh Tiên Hoàn xin việc đã lâu không có kết quả (ông Hoàn nhờ Hoa- P.V) thì ông Nguyễn Tấn Hùng (trú TP Huế, TT-Huế) đến gặp ông Hoàn để hỏi kết quả xin việc và đòi lại tiền. Ông Đinh Tiên Hoàn đã dẫn Hùng đến gặp Nguyễn Thị Thanh Hoa để hỏi. Hoa đưa ra lời giải thích và khuyên ông Hùng yên tâm chờ đợi. Khi biết những trường hợp mình nhờ, Đinh Tiên Hoàn đều nhờ lại Nguyễn Thị Thanh Hoa xin việc, nên kể từ đó khi có người đến nhờ xin việc, Nguyễn Tấn Hùng đều liên hệ để gặp Hoa, nhờ Hoa xin việc chứ không qua trung gian là ông Đinh Tiên Hoàn nữa. Tại đây, Nguyễn Thị Thanh Hoa nói, nếu đồng ý xin việc, thì phải đặt cọc trước cho Hoa một khoản tiền, khi nào có quyết định đi làm sẽ đưa đủ tiền. Trong thời hạn 1 tháng nếu không xin được việc làm thì Hoa sẽ trả lại tiền đặt cọc đầy đủ cho ông Hùng. Tin tưởng vào lời “nữ quái” Hoa nói, ông Nguyễn Tấn Hùng đã nhận 230 triệu đồng xin việc của 4 người sau đó giao lại cho “siêu lừa” Nguyễn Thị Thanh Hoa và đối tượng đã chiếm đoạt.

Quá trình điều tra, CA tỉnh TT-Huế xác minh tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và kết quả, Nguyễn Thị Thanh Hoa không nộp hồ sơ xin việc cũng như không liên hệ với bất cứ người nào để xin việc cho các bị hại. Như vậy, với ý định chiếm đoạt tài sản của người khác để chi tiêu và trả nợ cá nhân, từ năm 2012 đến giữa năm 2015, bị cáo Hoa đã dùng thủ đoạn gian dối, đưa thông tin không đúng sự thật là mình có khả năng xin việc cho nhiều người vào làm việc tại các cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tài sản. Tổng cộng số tiền Hoa chiếm đoạt của hơn trăm bị hại với số tiền hơn 7,6 tỷ đồng. Cuối tháng 7-2019, TAND tỉnh TT-Huế vừa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hoa 17 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Điều đáng nói, trước khi bị TAND tỉnh TT-Huế tuyên phạt mức án trên, cũng với hành vi lừa đảo chạy việc; năm 2015, Hoa bị TAND tỉnh Quảng Bình tuyên phạt 7 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Năm 2017, Hoa tiếp tục bị TAND tỉnh Quảng Trị tuyên phạt 24 năm tù giam về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tổng mức hình phạt của 3 bản án là 48 năm tù.

H.LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/62_210128_hang-tram-nguoi-ngam-dang-vi-sap-bay-lua-chay-viec.aspx