Hàng trăm tiêm kích F-35 đã được Không quân Mỹ lên kế hoạch điều động triển khai sát biên giới Nga, tuy nhiên liệu bước đi trên sẽ mang lại tác dụng tích cực cho Washington hay chỉ dẫn đến thảm họa?
Trong chiến tranh hiện đại, việc kiểm soát vùng trời có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thậm chí được cho là quyền lực tối cao, hay chìa khóa của chiến thắng.
Để đạt được mục tiêu này, các cường quốc hàng đầu thế giới đang đầu tư hàng tỷ USD vào việc phát triển máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không tiên tiến.
Trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Nga ngày càng xấu đi, ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại về việc mâu thuẫn giữa các bên sẽ phát triển thành một cuộc xung đột quân sự toàn diện. Trong đó, Washington trước hết sẽ cố gắng giành ưu thế trên không.
Tờ báo Trung Quốc Sohu nói rõ: “Không quân Mỹ có trong biên chế hàng nghìn máy bay chiến đấu, bao gồm cả tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm F-35 Lightning II và F-22 Raptor".
Thoạt nhìn, có vẻ như Nga không có cơ hội trong cuộc chiến với Không quân Mỹ, vì tổng số máy bay chiến đấu của nước này ít hơn đối thủ 3 lần. Ngoài ra, Moskva mới chỉ bắt đầu sản xuất hàng loạt tiêm kích Su-57 và sẽ mất nhiều năm nữa để đủ số lượng cần thiết.
Ưu thế về quân số của Không quân Mỹ trước đối thủ Nga là rõ ràng. Trước thực tế trên, một số chuyên gia cho rằng chỉ riêng với tiêm kích F-35 cũng đủ để Washington chiến thắng Moskva. Nhưng kết luận này có chính xác?
Tại Trung Quốc, các chuyên gia tin rằng đây chỉ là một phần. Quân đội Mỹ có một số cây át chủ bài trước người Nga, nhưng đây chỉ là cái nhìn sơ bộ. Nếu đi sâu hơn một chút thì chênh lệch về lực lượng giữa hai bên sẽ không quá lớn.
“Không chiến chẳng phải là một trò chơi mà bên có quân bài tẩy mạnh nhất sẽ chiến thắng. Đây là một cuộc đối đầu phức tạp hơn nhiều”, các nhà phân tích của tờ báo Trung Quốc nhận định.
Ngay cả những máy bay chiến đấu áp dụng kỹ thuật tiên tiến như F-35 cũng không phải là không có thiếu sót. Và những lỗ hổng này sẽ được các hệ thống phòng không của Nga khai thác một cách hoàn hảo.
Mỹ có thể đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào việc chế tạo máy bay mới, nhưng Nga cũng không hề đứng yên. Trong những năm gần đây, quốc gia này đã cố gắng tạo ra một mạng lưới phòng không hùng hậu và có chiều sâu.
Các nhà phân tích của Sohu tin rằng ngay cả khi Không quân Mỹ đưa vài trăm máy bay chiến đấu F-35 tới biên giới Nga cùng một lúc, thì rất ít trong số đó có thể hoàn thành nhiệm vụ, và chỉ vài chiếc sống sót sau trận đánh.
Tờ báo Trung Quốc cho biết: “Trong quá trình không chiến, các tiêm kích tàng hình sẽ đối đầu với những hệ thống phòng không lợi hại trên mặt đất, chẳng hạn như S-400 và S-500, và chúng sẽ bắn hạ các máy bay này”.
Ngay cả khi bằng một phép màu nào đó, Mỹ có thể đánh bại lực lượng phòng không và không quân Nga, nhưng trong trường hợp như vậy, Washington sẽ phải đối phó với mối đe dọa thậm chí còn nghiêm trọng hơn - tên lửa Nga.
Trong mọi trường hợp, Lầu Năm Góc sẽ không thể đẩy lùi một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga. Do đó cuộc không kích vào lãnh thổ Nga sẽ gây ra hậu quả tai hại cho nước Mỹ.
Sohu khẳng định: “Ngay cả khi các máy bay chiến đấu của Mỹ có lợi thế hơn, họ cũng không nên áp sát Nga, nếu không hậu quả sẽ rất thảm khốc”.
Theo Bạch Dương/ANTĐ