Hàng trăm tiểu thương kêu trời vì 'nội công ngoại kích'

Sáng 8-5, đại diện cho gần 200 tiểu thương thuê mặt bằng kinh doanh tại tầng 2 chợ Hòa Khánh (Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đồng loạt đóng ki-ốt, tập trung tại trụ sở UBND quận, yêu cầu được đối thoại với lãnh đạo địa phương để tìm phương án giải quyết những bất cập khiến họ kinh doanh ế ẩm trong thời gian qua.

Sáng 8-5, đại diện cho gần 200 tiểu thương thuê mặt bằng kinh doanh tại tầng 2 chợ Hòa Khánh (Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đồng loạt đóng ki-ốt, tập trung tại trụ sở UBND quận, yêu cầu được đối thoại với lãnh đạo địa phương để tìm phương án giải quyết những bất cập khiến họ kinh doanh ế ẩm trong thời gian qua.

Gần 200 tiểu thương tầng 2 chợ Hòa Khánh đồng loạt đóng cửa ki-ốt vì không có khách để bán hàng.

Gần 200 tiểu thương tầng 2 chợ Hòa Khánh đồng loạt đóng cửa ki-ốt vì không có khách để bán hàng.

"Thiệt đơn thiệt kép"?

Theo phản ánh của các tiểu thương, có khoảng gần 200 người đã thuê mặt bằng kinh doanh tại tầng 2 của chợ Hòa Khánh hàng chục năm nay. Thời gian đầu thì thuận lợi, nhưng càng về sau thì càng khó khăn. Đầu tiên là cơ sở vật chất đã xuống cấp, mùa mưa thì thấm dột trên mái tôn, mùa nắng thì "như lò hấp" vì trần quá thấp, không có hệ thống thông gió. Tệ hơn là nước sinh hoạt thường xuyên chảy nhỏ giọt, có những giờ cao điểm không có nước khiến việc rửa ráy, đặc biệt là vệ sinh cá nhân hết sức phiền phức. Tuy nhiên, đây chưa phải là nguyên nhân chính khiến cộng đồng tiểu thương đồng loạt đóng cửa kêu cứu chính quyền. Bà Trịnh Thị Ngọc Nhạn - chủ ki - ốt áo quần cho biết, khi thuê mặt bằng kinh doanh thì các tiểu thương ở tầng 2 đăng ký mặt hàng áo quần, giày dép, ở tầng 1 đăng ký mỹ phẩm. Phân ra như vậy để tất cả các khu vực đều có lợi thế kinh doanh như nhau, nhưng hiện tại thì khu vực tầng 1 nhiều người kết hợp bán áo quần kèm theo mỹ phẩm hút hết khách hàng.

Chưa hết, thời gian gần đây chợ tự phát mọc lên trên đường Nguyễn Cảnh Chân ngay bên hông chợ Hòa Khánh với các mặt hàng chính y như trong chợ được quy hoạch đã hút hết khách, khiến nhiều tiểu thương cả ngày không bán được hàng. Trên thực tế, từ lâu nay các gia đình có nhà trên mặt tiền của đường này liên tục mở các shop áo quần, dần dần đường Nguyễn Cảnh Chân trở thành một "phố thời trang" thu nhỏ. Cùng với đó, vào các giờ cao điểm các loại xe đẩy kèm theo áo quần, giày dép giống như một shop di động đã tràn xuống đường, hút hết lượng khách là công nhân, sinh viên, người tiêu dùng bình dân. Tình trạng này tồn tại một thời gian dài nhưng cơ quan chức năng dẹp xong rồi đâu lại vào đấy. "Trước đây người mua gửi xe xong vào chợ đi lựa đồ. Nhưng bây giờ người ta mua ngoài đường, vỉa hè nên lượng khách vào chợ còn rất thưa thớt. Đã thế, số người lên tầng 2 của chợ rất hẻo. Chúng tôi nhập hàng về không bán đủ vốn trong khi hàng tháng phải trả rất nhiều chi phí", bà Mai Thị Thúy Hoa - tiểu thương kinh doanh giày dép tại tầng 2 của chợ bức xúc.

Theo nội dung đơn kiến nghị mà các tiểu thương gửi UBND Q. Liên Chiểu, mỗi tháng ngoài chi phí thuê mặt bằng họ còn phải trả các khoản điện nước, an ninh, môi trường... Trung bình mỗi ki-ốt phải chi trả các khoản chi phí nằm ở mức 500 nghìn đến hơn 1 triệu đồng tùy vị trí. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ ngày càng tệ đã đành, họ còn mất lợi thế cạnh tranh để bán hàng với các đồng nghiệp ở tầng trệt và đặc biệt là các hộ dân, các quầy hàng tự phát mọc lên ngay bên hông chợ. Các sản phẩm cùng loại tại khu vực này được bán với giá rẻ hơn do không chịu các loại thuế, phí như ở trong chợ. "Một số đã phải chuẩn bị trả mặt bằng sau hàng chục năm mưu sinh, số còn lại cũng lay lắt vì vừa qua đợt dịch, lại không có khách hàng. Nếu Ban quản lý chợ, chính quyền quận không can thiệp, hỗ trợ thì chúng tôi rồi cũng đến lúc thất nghiệp, bỏ nghề vì khó cả trong cả ngoài", chị Hương - một tiểu thương kinh doanh quần áo bức xúc.

Đại diện cho gần 200 tiểu thương đến trụ sở UBND Q. Liên Chiểu xin đối thoại với chính quyền để tháo gỡ khó khăn.

Đại diện cho gần 200 tiểu thương đến trụ sở UBND Q. Liên Chiểu xin đối thoại với chính quyền để tháo gỡ khó khăn.

Quận thừa nhận "biết nhưng chưa quyết liệt"

Ông Nguyễn Văn Hà - Phó trưởng BQL các chợ Liên Chiểu, Trưởng ban Quản lý chợ Hòa Khánh thừa nhận, hiện tượng thấm dột vào mùa mưa, nóng bức vào mùa nắng và thiếu nước sinh hoạt trong một số thời gian cao điểm là có thật, Ban cũng đã từng bước khắc phục để đảm bảo quyền lợi cho tiểu thương. "Mấy ngày nay nước thủy cục rất yếu nên bà con sinh hoạt khó khăn. Chúng tôi phải làm thêm bồn để tạo áp lực nước sinh hoạt, làm hệ thống phun sương, đục thông gió để giảm nóng". Đối với việc tiểu thương ở tầng dưới "vượt rào" bán hàng ngoài danh mục đăng ký, trùng với tiểu thương tầng trên, ông Hà giải thích là "sản phẩm ly lai giữa mỹ phẩm và áo quần nên cũng khó xử lý. Nói thật là tiểu thương bán hàng không được thì chúng tôi cũng sướng ích gì đâu. Khổ rứa chứ phải!". Trưởng BQL chợ Hòa Khánh cũng nhìn nhận, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc tiểu thương trong chợ bán hàng ngày càng khó là phía chợ Thanh Vinh nằm gần khu công nghiệp Hòa Khánh đã hút hết lượng khách mua là công nhân. Cạnh đó các xe hàng tràn xuống đường ngay bên hông chợ lấy luôn lượng khách còn lại nhưng Ban thường xuyên phải đề nghị phường hỗ trợ xử lý, đẩy đuổi chứ nằm ngoài chợ là không có thẩm quyền.

Câu chuyện tiểu thương trong tầng 2 của chợ Hòa Khánh bị "nội công ngoại kích", ông Nguyễn Hữu Thiết - Phó Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu thừa nhận là chính quyền chưa quyết liệt, đã từng xử lý nhưng chưa đến nơi đến chốn. Hàng ngày Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận và P. Hòa Khánh Bắc thường xuyên có mặt từ 6 giờ đến 7 giờ 30 sáng và 16 giờ 30 đến 20 giờ tối, tuy nhiên việc kiểm tra, xử lý chưa hiệu quả. "Chúng tôi biết chuyện đó. Trong khi tiểu thương trong chợ phải chịu nhiều khoản thuế, phí thì các xe đẩy tự chế từ các cửa hàng bên hông chợ tràn ra đường gom hết khách lại gần như không chịu khoản nào. Đó là cạnh tranh không công bằng. Rồi đây chúng tôi sẽ chỉ đạo phường và quy tắc đô thị xử lý cho dứt điểm, chứ như thời gian vừa qua là chưa quyết liệt", ông Thiết cho hay. Về việc các tiểu thương phản ánh là quy tắc đô thị có dấu hiệu buông lỏng, thậm chí là âm thầm thu tiền để tạo điều kiện cho các xe hàng bán áo quần tự phát tràn xuống đường Nguyễn Cảnh Chân, Phó Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu cho rằng, phản ánh là vậy chứ không có bằng chứng thì không có cơ sở để xử lý.

Về việc các hộ tiểu thương trong tầng 1 của chợ đăng ký ngành hàng này nhưng gộp bán thêm mặt hàng khác thuộc diện đăng ký của các hộ tầng trên, ông Thiết cho hay sẽ làm việc lại với BQL chợ Hòa Khánh để rà soát, xử lý, đảm bảo công bằng cho các quầy hàng kinh doanh.

CÔNG KHANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_224536_hang-tram-tieu-thuong-keu-troi-vi-noi-cong-ngoai-kich-.aspx