Hàng trăm tỷ đồng bị cáo vụ chuyến bay giải cứu nộp lại được xử lý ra sao?
Luật sư khẳng định, số tiền liên quan đến hành vi nhận hối lộ phải nộp vào ngân sách Nhà nước, còn người đưa hối lộ có thể được trả lại tiền.
Sau 12 ngày xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội đang trong những ngày nghị án trước khi tuyên án vào chiều 28/7.
Tính đến ngày 24/7, sau khi bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế) tác động gia đình nộp thêm 7 tỷ đồng, cơ quan tố tụng ghi nhận các bị cáo đã nộp lại tổng cộng hơn 100 tỷ đồng và trên 1,8 triệu USD.
Vậy số tiền do các bị cáo nộp lại trong những vụ án về kinh tế, tham nhũng sẽ được xử lý ra sao?
Trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Văn phòng Luật sư Nhân Chính) phân tích, đối với số tiền đưa và nhận hối lộ, cơ quan tố tụng xác định giao dịch giữa người đưa và người nhận là vi phạm pháp luật.
“
Trong vụ án chuyến bay giải cứu, có 21 người nhận hối lộ với tổng số tiền 177,3 tỷ đồng, từ quan chức cấp thứ trưởng Bộ Ngoại giao đến lãnh đạo cấp cục một số bộ, ngành, hai phó chủ tịch Hà Nội và Quảng Nam, trợ lý Phó thủ tướng và trợ lý thứ trưởng.
Do đó, tiền liên quan giao dịch này cũng là khoản phạm pháp. Số tiền này không thể trả lại cho người đưa hối lộ, mà phải nộp vào ngân sách Nhà nước.
Về nguyên tắc, vụ án được xét xử ở cấp nào, thì tiền thu hồi, tạm giữ, nộp khắc phục hậu quả sẽ nộp tại cục hoặc chi cục thi hành án dân sự cùng cấp. Đồng thời, số tiền thu được từ việc khắc phục hậu quả được sung vào ngân sách Nhà nước theo Luật Thi hành án dân sự.
Ở đây, vụ án nhận hối lộ và đưa hối lộ liên quan 54 bị cáo được TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm. Do đó, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội có thẩm quyền thi hành đối với phần bồi thường, khắc phục hậu quả của các bị cáo.
Còn theo luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, đối với nhóm bị cáo bị xét xử về tội nhận hối lộ, số tiền mà họ có được một cách bất chính sẽ phải nộp lại để sung vào ngân sách Nhà nước.
Với nhóm bị xét xử do đưa hối lộ, luật sư Giáp khẳng định, khi hành vi đưa hối lộ được xác định là phạm pháp, thì số tiền đưa hối lộ sẽ không trả lại cho người đưa, mà bắt buộc phải thu hồi, sung công theo quy định.
Tuy nhiên, trừ trường hợp quy định tại khoản 7, Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội đưa hối lộ, thì người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi đó, những cá nhân này được trả lại toàn bộ tiền đã dùng để đưa hối lộ.
Còn người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc, nhưng được ghi nhận là chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ tiền đã dùng để đưa hối lộ.
Yếu tố "trước khi bị phát giác", theo luật sư, có thể hiểu là khi họ chưa bị cơ quan chức năng phát hiện sai phạm mà chủ động đến tự thú.