Hàng triệu lao động tạm ngừng việc làm do dịch bệnh, tỷ lệ thất nghiệp vẫn trên đà giảm

Theo Chính phủ, trong giai đoạn đầu bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, hàng triệu lao động tại nhiều tỉnh, thành phố, đã phải tạm ngừng việc làm. Thế nhưng, tỷ lệ thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm lại có xu hướng giảm.

Mới đây, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021.

Trong báo cáo này, Chính phủ cho biết: Đợt bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ 4, diễn ra vào cuối tháng 4/2021 đã xâm nhập vào các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Bắc Ninh và Bắc Giang, khiến nhiều khu công nghiệp phải tạm ngừng hoạt động.

Tỷ lệ thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm lại có xu hướng giảm.

Trong đó, tại Bắc Giang, trong đợt bùng phát dịch, 4 khu công nghiệp (KCN), với 322 doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động. Như vậy, gần 150.000 lao động phải tạm ngừng việc làm.

Trong đó, KCN Quang Châu có 47.091 lao động, KCN Vân Trung có 67.305 lao động, KCN Đình Trám có 21.914 lao động và KCN Song Khê - Nội Hoàng có 13.263 lao động.

Tương tự, tại Bắc Ninh, có 42.000 lao động trên tổng số 320.000 lao động phải ngừng việc. Cụ thể, Samsung Việt Nam có 17.000 lao động, GoerTek có 10.000 lao động, KCN Thuận Thành là 6.000 lao động.

Các địa phương khác, như Hải Phòng có 30.000 lao động bị ảnh hưởng tiêu cực; tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc... trong một số khu vực phong tỏa, giãn cách đã phải đóng cửa một số bộ phận sản xuất, kinh doanh không thiết yếu, làm ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động.

Thông qua các sàn giao dịch việc làm trực tuyến, trong 6 tháng đầu năm đã tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 713.800 lượt người, tăng 72,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù thị trường lao động chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch, thế nhưng, trong 6 tháng đầu năm 2021, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 49,9 triệu người, tăng 788.000 người so với cùng kỳ năm 2020.

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,52%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,28%; khu vực nông thôn là 2,07%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (lần lượt là 2,59%, 3,7% và 1,97%).

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tính là 56,9%, tăng so với cùng kỳ năm 2020 (55,5%), trong đó tại khu vực thành thị là 48,2% (cùng kỳ năm 2020 là 47,3%) và tại khu vực nông thôn là 64,2% (cùng kỳ năm 2020 là 62,1%).

Nguyên nhân do nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã buộc phải ngừng hoạt động và cơ hội tìm kiếm việc làm trong khu vực chính thức gặp khó khăn buộc người lao động phải chấp nhận làm các công việc tại khu vực phi chính thức với mức thu nhập thấp, kém ổn định.

Cũng theo Chính phủ, cả nước hiện có 99.863 lao động nước ngoài đang làm việc. Tuy nhiên, có tới 6,62% lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Do đó, Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát các cơ sở, doanh nghiệp đang sử dụng lao động là người nước ngoài; giám sát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh, lao động nước ngoài đã đăng ký và làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp.

Đồng thời, các địa phương có nhiệm vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp tiếp nhận, sử dụng lao động trái phép và các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật; bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và các doanh nghiệp để ổn định sản xuất, kinh doanh và thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng, chống dịch.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hang-trieu-lao-dong-tam-ngung-viec-lam-do-dich-benh-ty-le-that-nghiep-van-tren-da-giam-post145664.html