Hàng triệu liều vaccine ở Mỹ đã bị vứt bỏ

Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về cả ca mắc và tử vong mới do COVID-19 trong 24 giờ qua, trong khi hàng triệu liều vaccine đã bị bỏ đi.

Một em nhỏ 12 tuổi, được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại California, Mỹ. Ảnh: AFP

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua (tính đến 6 giờ sáng 3/9, giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận trên 613.000 ca COVID-19 và trên 10.000 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là trên 219,8 triệu ca, trong đó trên 4,55 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 130.000 ca), Ấn Độ (45.482 ca) và Anh (38.154 ca). Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.407 ca), Mexico (1.177 ca) và Nga (798 ca).

Như vậy, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về cả ca mắc và tử vong mới trong 24 giờ qua. Từ đầu đại dịch đến nay, Mỹ cũng là quốc gia có nhiều ca mắc và tử vong nhất thế giới với trên 40,6 triệu ca mắc và trên 661.000 ca tử vong.

Trong khi dịch bệnh vẫn căng thẳng, dữ liệu mới công bố cho thấy trên 15 triệu liều vaccine COVID-19 đã bị vứt bỏ ở Mỹ trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng chậm chạp.

Theo kênh truyền hình RT (Nga), dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố cho thấy các đơn vị có nhiệm vụ tiêm vaccine cho người dân đã vứt bỏ hàng triệu liều vaccine sau khi nhận nhiệm vụ phân phối vaccine từ ngày 1/3/2021. Chuỗi nhà thuốc Walgreens vứt gần 2,6 triệu liều, còn chuỗi nhà thuốc CVS phải bỏ đi khoảng 2,3 triệu liều.

Trong khi đó, bang Texas, North Carolina, Pennsylvania và Oklahoma bỏ nhiều vaccine COVID-19 nhất.

Trong tháng 7, Mỹ bỏ đi 4,7 triệu liều vaccine, tăng 300.000 liều so với con số 4,4 triệu liều bị bỏ hồi tháng 6. Số lượng vaccine bị bỏ trong tháng 8 ít hơn một chút, với 3,8 triệu liều.

Lý do cụ thể vaccine bị bỏ ở Mỹ hiện vẫn chưa rõ. Thông thường, vaccine COVID-19 có thể bị bỏ đi vì lọ bị vỡ, tủ lạnh dự trữ hỏng, không bảo quản đúng nhiệt độ hoặc hết hạn sử dụng.

Tuy nhiên, phát ngôn viên CDC cho rằng số liều vaccine bị bỏ chỉ là một phần nhỏ và cực kỳ thấp so với số liều được sử dụng.

Khi ca mắc do biến thể Delta gia tăng, chính phủ Mỹ đã thông báo kế hoạch tiêm mũi tăng cường cho người dân trên cả nước, bắt đầu từ ngày 20/9 tới. Tới nay, trên 360 triệu liều vaccine đã được tiêm ở Mỹ.

Đáng chú ý, trong quá trình kiểm dịch ở sân bay, Nhật Bản đã phát hiện 2 ca đầu tiên nhiễm biến thể Mu - biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho biết trong quá trình nghiên cứu cấu tạo gene của các mẫu bệnh phẩm đã được thu thập trước đó, giới chức y tế Nhật Bản đã phát hiện 1 phụ nữ từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đến sân bay Narita vào cuối tháng 6 và 1 phụ nữ khác từ Vương quốc Anh đến sân bay Haneda vào đầu tháng 7 đều nhiễm biến thể Mu.

Đài truyền hình NHK dẫn lời Tổng Giám đốc Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) Wakita Takaji cho rằng có nhiều biến thể mới đang được xác nhận, nhưng cần phải chú ý tới các biến thể có khả năng lây truyền cao hơn so với các biến thể khác.

Trước đó, ngày 31/8, WHO đã đưa biến thể B.1.621, còn gọi là biến thể Mu, vào danh sách “biến thể đáng quan tâm” vì biến thể này có các đột biến có khả năng vô hiệu hóa tác dụng của vaccine. Biến thể Mu được phát hiện lần đầu tiên ở Colombia vào tháng 1/2021.

Theo NHK, cho đến nay, biến thể này đã được xác nhận ở ít nhất 39 quốc gia, trong đó có các quốc gia ở Nam Mỹ và châu Âu, chiếm chưa đến 0,1% số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở Colombia là 39%. WHO nhấn mạnh cần có các nghiên cứu bổ sung để hiểu rõ hơn về các đặc điểm của biến thể này.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hang-trieu-lieu-vaccine-o-my-da-bi-vut-bo-post153903.html