Hàng triệu m3 cát bị khai thác trái phép, sông Mê Kông kiệt quệ
Lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, Lê Quang Bình đã chỉ đạo nhân viên và thuê người khai thác vượt trữ lượng trên 3,2 triệu m3.
Khai thác trái phép trót lọt hàng triệu m3 cát
Bộ Công an vừa khởi tố vụ án, khởi tố 18 bị can với các hành vi Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Đưa, nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; In, phát hành mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước.
Trong 18 bị can trên, có ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang và ông Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Trung Hậu - Tổng 68.
Theo Bộ Công an, Công ty Trung Hậu - Tổng 68 được cấp phép khai thác hơn 1,5 triệu m3 ở một mỏ cát tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang để cung cấp cho bốn dự án giao thông đang triển khai ở ĐBSCL.
Lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, Lê Quang Bình đã chỉ đạo nhân viên và thuê người tổ chức khai thác bước đầu xác định là gần 4,8 triệu m3 cát, vượt trữ lượng được cấp phép trên 3,2 triệu m3, trị giá tạm tính khoảng 253 tỷ đồng. Số tiền này được bỏ ngoài sổ sách, không khai báo và nộp nghĩa vụ tài chính đối với số cát khai thác vượt giấy phép này.
Để trót lọt, Bình đã chi tiền cho một số cán bộ cơ quan chức năng, trong đó có ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang.
Như vậy, hàng triệu m3 cát, hàng trăm tỷ đồng được đánh đổi từ lòng sông Mê Kông mà chỉ phục vụ cho một nhóm người thu lợi bất chính. Trong khi đó, nhiều năm qua, hai nhánh sông Mê Kông là sông Hậu và sông Tiền đã nhiều lần “phát” tín hiệu cầu cứu bằng nhiều trận sạt lở.
Mới đây, trong buổi làm việc với Thủ tướng và các địa phương ĐBSCL, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ năm 2016 đến nay, các tỉnh, thành ĐBSCL có 666 điểm sạt lở bờ sông với chiều dài 744km. Đáng chú ý, trong số này còn 39 điểm sạt lở bờ sông đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 118km.
Năm 2018, báo cáo của Ủy hội sông Mê Kông chỉ ra rằng, tổng lượng trầm tích trong đó có cát đổ về sông Tiền, sông Hậu ngày càng giảm dần, và dự kiến đến năm 2040 chỉ còn khoảng 4,5 triệu tấn.
Hồi tháng 3/2023, trong một hội thảo tại thành phố Cần Thơ, ông Hà Huy Anh đến từ Dự án quản lý cát bền vững thuộc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) cho biết, năm 2022 lượng cát đổ về hai hệ thống sông lớn của ĐBSCL còn khoảng 6,8-7 triệu tấn. Đáng quan ngại, lượng cát khai thác ở vùng đất này cao hơn lượng cát được bồi đắp.
Cũng trong hội thảo này, PGS-TS Huỳnh Công Hoài, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng lượng cát đổ về ĐBSCL giảm 50% thì tình trạng sạt lở sẽ tăng 90%. Cụ thể, lượng cát thiếu hụt từ năm 2008 đến gần 10 năm sau đã khiến các điểm sạt lở ở ĐBSCL tăng từ 200 điểm lên 600 điểm.
Nhiều kết quả nghiên cứu qua nhiều năm cho thấy rằng, đáy sông Tiền, sông Hậu đã có nhiều sự thay đổi bất thường, các vết cắt lòng sông xuất hiện nhiều hơn, tăng cả về kích thước lẫn độ sâu. Lượng trầm tích trên sông Tiền giảm 90 triệu m3, sông Hậu là 110 triệu m3.
Sạt lở đe dọa cuộc sống người dân
Sự tổn thương của hai hệ thống sông Hậu và sông Tiền đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Các tỉnh hai bên bờ sông Hậu đã phải chật vật chống sạt lở suốt nhiều năm qua.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, Cần Thơ xảy ra 34 đợt sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài gần 2km; làm bị thương hai người, làm sạt hoàn toàn 8 căn nhà, sạt một phần và ảnh hưởng nghiêm trọng 19 căn nhà, thiệt hại gần 30 tỷ đồng.
Thời gian qua, Cần Thơ có khoảng 9.000 hộ bị ảnh hưởng bởi sạt lở. Thành phố đã di dời, tái định cư cho khoảng 3.000 trường hợp, số còn lại sẽ được tiếp tục di dời theo lộ trình từ nay đến năm 2030. Trước tình hình này, Cần Thơ cũng xin Trung ương hỗ trợ 750 tỷ đồng xây bốn công trình kè chống sạt lở khẩn cấp với tổng chiều dài khoảng 5km.
Còn ở Vĩnh Long, từ năm 2020 đến nay, tỉnh ghi nhận 200 điểm sạt lở, làm mất 5-6km bờ sông, kênh, rạch thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Bảy tháng đầu năm 2023, Vĩnh Long ghi nhận 98 điểm sạt lở, làm mất hơn 3km bờ sông cùng các công trình kênh rạch, đê bao khác, ảnh hưởng đến 112 hộ dân…
Để phòng, chống, Vĩnh Long cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng để tỉnh thực hiện năm công trình chống sạt lở.
>>> Clip ghi nhận một số điểm sạt lở ở Cần Thơ, thời điểm 7 tháng đầu năm 2023:
Ở Sóc Trăng, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh thống kê trên 80 đoạn sạt lở với chiều dài hơn 1,7km. Trong đó, có nhiều trường hợp sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tài sản người dân và hạ tầng công cộng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2016 đến nay, Trung ương đã đầu tư và có kế hoạch đầu tư cho các ĐBSCL 16.223 tỷ đồng để xây dựng 218 công trình kè chống sạt lở, với chiều dài 324km.
Trong khi đó, với tốc độ sạt lở ở ĐBSCL, những công trình này chưa đủ sức chống chọi.
Để phòng chống sạt lở một cách căn cơ, sau chuyến khảo sát 8 địa phương ĐBSCL hôm 12/8, Thủ tướng đã chỉ đạo ngoài những biện pháp trước mắt, về lâu dài các địa phương, bộ ngành phải làm tốt công tác quy hoạch; đánh giá, xác định nguyên nhân sạt lở, để có giải pháp phù hợp, bảo đảm hiệu quả, bền vững, tránh tốn kém.
Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, ven biển; chủ động sắp xếp, di dời dân cư, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở cao.
Đồng thời, quản lý việc khai thác cát, khai thác nước ngầm, rừng ngập mặn; rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, chủ động đầu tư để phòng ngừa sạt lở; chủ động xây dựng dự án đầu tư mang tính căn cơ, bài bản, bền vững để ngăn ngừa, khắc phục sạt lở…
Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục huy động các nguồn lực, có cơ chế, chính sách phù hợp để xã hội hóa, đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở.
Thủ tướng đánh giá đây là vấn đề khó khăn, phức tạp nhưng phải làm, từng bước một, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần. Tinh thần là quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.