Hàng triệu người xem livestream phiên tòa Johnny Depp kiện vợ cũ

Trái với những vụ kiện tụng liên quan đến người nổi tiếng thường bị giấu kín thông tin, mọi diễn biến tại tòa giữa Johnny Depp và Amber Heard được công khai trên sóng livestream.

Trong những tuần qua, phiên tòa giữa Johnny Depp và Amber Heard tại tòa án Fairfax (Virginia, Mỹ) trở thành tâm điểm chú ý.

Bên cạnh những fan hâm mộ đứng ở ngoài tòa án mỗi ngày, khán giả hay bất cứ ai tò mò có thể theo dõi những màn chất vấn, đấu đá qua lại giữa hai bên thông qua những buổi phát trực tiếp trên mạng.

Thông thường, những phiên tòa liên quan đến người nổi tiếng diễn ra trong phòng xử kín. Công chúng chỉ nghe được thông tin qua quản lý, người đại diện hay báo giới. Bản thân người trong cuộc chọn im lặng hoặc lên tiếng sau khi mọi thứ đã qua.

 Johnny Depp công khai mọi diễn biến xảy ra trong phòng xử án qua hình thức livestream. Ảnh: US Weekly.

Johnny Depp công khai mọi diễn biến xảy ra trong phòng xử án qua hình thức livestream. Ảnh: US Weekly.

Tuy nhiên, kiện tụng giữa Johnny Depp và Amber Heard là ngoại lệ. Khi khán giả luôn thắc mắc, chú ý tới cuộc sống của các ngôi sao, việc các phiên điều trần được livestream càng thỏa mãn trí tò mò của họ.

CBS News gọi phiên tòa là "rạp xiếc", "bộ phim truyền hình gay cấn hơn trận đấu vật" khi công chúng có thể chứng kiến mọi diễn biến.

Hàng triệu lượt xem

Theo Jaime Bronstein, chuyên gia trị liệu và là người dẫn chương trình Love Talk Live, không phải ngẫu nhiên Johnny Depp công khai phiên tòa kiện vợ cũ.

Ngày 9/4, Amber Heard chia sẻ dòng trạng thái dài trên Twitter và Instagram, nói lên cảm xúc trước khi ra tòa. Cô gọi những tuần sắp tới là "khoảng thời gian khó khăn", phải tạm dừng sử dụng mạng xã hội và kêu gọi người hâm mộ giúp mình vượt qua thử thách này.

"Tôi nhận ra sự hỗ trợ liên tục mà mình may mắn nhận được trong những năm qua. Và trong những tuần tới, tôi sẽ dựa vào nó nhiều hơn bao giờ hết", nữ diễn viên viết.

Khi hai bên đều có một lượng người bênh vực nhất định, việc cho phép phát trực tiếp những gì diễn ra trong phiên tòa giúp Johnny Depp có thêm người bênh vực.

Khi đứng trước phiên xét xử, Johnny Depp nói lý do anh quyết định công khai vụ việc là muốn phơi bày việc bị vợ cũ bạo hành.

 Vụ kiện giữa hai ngôi sao nổi tiếng thu hút 6-7 triệu lượt xem mỗi lần livestream. Ảnh: Hollywood Reporter.

Vụ kiện giữa hai ngôi sao nổi tiếng thu hút 6-7 triệu lượt xem mỗi lần livestream. Ảnh: Hollywood Reporter.

"Đây là lần duy nhất tôi có thể chống trả và sử dụng tiếng nói của chính mình và cho công chúng thấy mọi khía cạnh của sự việc", nam diễn viên nói.

"Johnny Depp muốn mọi người biết anh là người tốt. Dù chưa hoàn hảo, Depp không phải 'con thú' như những gì Amber Heard mô tả", chuyên gia Bronstein nói với The List.

Động thái này của Depp đang chứng minh hiệu quả khi dư luận ngả về phía anh. Phong trào #TeamJohnny và các bình luận "Justice for Johnny Depp" (công lý cho Johnny Depp) và "Free Johnny" (tự do cho Johnny) xuất hiện liên tục trên mạng xã hội.

Ngay cả khi những đoạn video nổi nóng, tin nhắn miệt thị vợ cũ xuất hiện trước tòa, vẫn có nhiều người bày tỏ sự ủng hộ. Trong khi đó, Amber Heard bị gần 3 triệu người ký vào đơn tẩy chay, yêu cầu rời khỏi Aquaman 2.

Ngoài ra, việc livestream các phiên điều trần cũng là cách Johnny Depp thu hút sự chú ý. Trung bình, mỗi buổi livestream liên quan đến hai ngôi sao nổi tiếng tại tòa có 6-7 triệu lượt xem trên YouTube và vẫn đang tiếp tục tăng lên. Trên mạng, từ khóa "làm sao để xem phiên tòa của Johnny Depp" được tìm kiếm nhiều trong các tuần gần đây.

"Sau thời gian rời xa ánh đèn sân khấu, người nổi tiếng thường công khai mọi thứ để thu hút sự chú ý. Đó cũng là lý do chúng ta thường xuyên nhắn tin cho bạn bè để không bị lãng quên. Người nổi tiếng cũng vậy, họ không muốn bị khán giả lãng quên", Bronstein nói với The List.

Livestream cảnh xét xử

Tại Mỹ, nhiều quận, nhiều tiểu bang hiện cho phép ghi âm và phát trực tiếp các vụ án xét xử trước tòa.

Trước khi có livestream, các phiên tòa xét xử phổ biến đến mức nó là một phần không thể thiếu của chương trình truyền hình phát sóng vào thập niên 90. Và khi người bị đem ra xét xử là một cái tên nổi tiếng, mọi chú ý ngay lập tức đổ dồn vào.

 Việc xét xử O.J.Simpson từng được gọi là "vụ án thế kỷ". Ảnh: Washington Post.

Việc xét xử O.J.Simpson từng được gọi là "vụ án thế kỷ". Ảnh: Washington Post.

Tháng 10/1995, phiên tòa xét xử O.J.Simpson được phát trực tiếp thu hút hơn 150 triệu người xem tại Mỹ, con số tương đương 57% khán giả cả nước lúc bấy giờ. O.J.Simpson là cựu ngôi sao bóng bầu dục, đồng thời là nhân vật truyền hình đình đám.

Tháng 6/1994, vợ cũ của Simpson bị sát hại và cựu ngôi sao bóng bầu dục thành nghi phạm chính.

Phiên tòa kéo dài 9 tháng với mức án phí lên tới 20 triệu USD và hồ sơ vụ án dày 50.000 trang. Khoảng 150 nhân chứng đã được gọi ra trước tòa.

19 đài truyền hình, gần 10 đài phát thanh, hàng chục tờ báo và 2.000 ký giả đã theo dõi và tường trình trực tiếp diễn biến vụ án. Hơn 120 máy quay phim được đặt trong phòng xử án suốt phiên tòa.

Hiện tại, phần lớn các vụ việc được phát trực tuyến hoặc video được ghi lại ở Mỹ là các vụ hình sự nghiêm trọng. Các vụ liên quan đến tranh chấp vợ chồng hiếm khi được livestream.

Năm 2020, tại Anh, Bộ Tư pháp từng ra thông báo các phiên xét xử liên quan đến vấn đề gia đình, ly hôn sẽ được phát trực tiếp để tăng tính minh bạch và củng cố lòng tin của công chúng vào hệ thống tư pháp, theo Independent.

 Năm 2020, Bộ Tư pháp Anh ra thông báo phát trực tiếp những buổi giải quyết tranh chấp liên quan đến hôn nhân, gia đình. Ảnh: Insider.

Năm 2020, Bộ Tư pháp Anh ra thông báo phát trực tiếp những buổi giải quyết tranh chấp liên quan đến hôn nhân, gia đình. Ảnh: Insider.

Theo thông báo, các buổi livestream tập trung vào những vụ liên quan đến những người giàu có và nổi tiếng.

Chương trình sẽ chỉ phát trực tiếp một số ít trường hợp. Các cặp vợ chồng có quyền phản đối và từ chối nếu họ không muốn câu chuyện của mình được phát sóng công khai, song quyết định sau cùng vẫn thuộc về thẩm phán.

Các kênh truyền hình hoặc các phương tiện truyền thông khác cũng được phép phát lại phiên tòa. Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Robert Buckland hoan nghênh động thái này.

Sir Andrew McFarlane, Chủ tịch Cơ quan Gia đình cũng khen ngợi: "Công khai về những gì xảy ra tại tòa án rất quan trọng đối với hiểu biết của công chúng về công việc mà cơ quan tư pháp đảm nhận. Tất nhiên sẽ có một vài hạn chế khi trẻ em và người lớn dễ bị tổn thương được tham gia nhưng sẽ áp dụng biện pháp bảo vệ phù hợp".

Tuy nhiên, đối với những ai yêu thích những cảnh tranh cãi ly kỳ, nảy lửa trước tòa giữa các cặp vợ chồng, việc phát trực tiếp các vụ việc có thể khác xa kỳ vọng ban đầu, khi mục đích chính là giáo dục chứ không phải giải trí.

"Công chúng có thể sẽ rất ngạc nhiên về mức độ khô khan của những trường hợp này", Emma Gill, giám đốc công ty luật Vardags, cho biết.

Mặt khác, các phiên điều trần trực tuyến có thể ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ việc. Ví dụ: nếu người vợ/chồng muốn giữ kín câu chuyện cá nhân, họ sẽ chuyển qua thương lượng, dàn xếp giữa 2 bên hơn là đi kháng cáo, tranh cãi giữa tòa.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hang-trieu-nguoi-xem-livestream-phien-toa-johnny-depp-kien-vo-cu-post1314474.html