Hàng triệu phương tiện tránh thai có chất lượng được phân phối qua kênh xã hội hóa

Việc triển khai thực hiện Đề án 818 tại các địa phương đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành vi của toàn xã hội đối với công tác xã hội hóa, đồng thời giúp giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước chi cho việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) hàng năm.

Theo các chuyên gia, hiện nay, nhu cầu về các phương tiện tránh thai của người dân (cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và lứa tuổi vị thành niên/thanh niên) càng ngày càng gia tăng, trong khi đó, nguồn lực phương tiện tránh thai ngày càng giảm.

Trước năm 2010, hầu hết các phương tiện tránh thai đều do các tổ chức quốc tế hỗ trợ, đảm bảo nhu cầu bình dân. Sau năm 2010, nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế giảm hẳn và hầu như chỉ còn ở một vài dự án nhỏ lẻ.

Theo đó, chúng ta phải dùng ngân sách Nhà nước để đảm bảo nhu cầu cung cấp phương tiện tránh thai cho người dân. Vì vậy, đặt ra vấn đề cần làm thế nào để đảm bảo không bị thiếu hụt nguồn phương tiện tránh thai cũng như những vấn đề liên quan đến chất lượng phương tiện tránh thai.

Trong khi đó, một trong những nhu cầu mà từ trước đến nay chúng ta chưa quan tâm là các phương tiện tránh thai ở trên thị trường. Bên cạnh đó, trước đây, chúng ta mới chỉ chú trọng đến các đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, còn những đối tượng khác như học sinh, sinh viên, những người có nhu cầu dùng phương tiện tránh thai thì chúng ta chưa đáp ứng được. Do vậy, thị trường là một trong những kênh đáp ứng tốt việc cung cấp phương tiện tránh thai.

Tư vấn sản phẩm thuộc Đề án 818 cho người dân. Ảnh TL

Tư vấn sản phẩm thuộc Đề án 818 cho người dân. Ảnh TL

Trên cơ sở đó, ngày 12/3/2015, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020" (gọi tắt là Đề án 818) với mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng cho người dân nhằm đảm bảo sự công bằng xã hội, sự bền vững của chương trình DS-KHHGĐ.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Đề án 818 (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế), từ năm 2016 – năm 2020, Ban Quản lý Đề án 818 đã ký hợp đồng và phối hợp với 13 công ty (Công ty Thai Nakorn Patana Việt Nam, Công ty Liên doanh Medevice 3S, Công ty cổ phần Quốc tế IT, Công ty TNHH Bách Khang Việt Nam, Công ty Cổ phần Nasaco, Công ty cổ phần công nghệ Hóa sinh Việt Nam, Công ty TNHH Mỹ phẩm Tera, Công ty TNHH Dược phẩm Tân Đức Minh, Công ty Cổ phần Dược Thảo Á Âu, Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Giải pháp thị trường và đầu tư quốc tế, Công ty Cổ phần dược phẩm Asia, Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật và Dịch vụ Genome) để triển khai phân phối 28 sản phẩm phương tiện tránh thai, hàng hóa SKSS/KHHGĐ theo phân khúc thị trường, chia làm 3 nhóm:

Nhóm sản phẩm, hàng hóa kế hoạch hóa gia đình (9 sản phẩm); Nhóm sản phẩm, hàng hóa hỗ trợ KHHGĐ, chăm sóc SKSS (19 sản phẩm) và nhóm cung cấp dịch vụ xét nghiệm về sàng lọc, phát hiện sớm ung thư vú và ưng thư cổ tử cung.

ThS.BS Phạm Hồng Quân, Giám đốc Ban Quản lý Đề án 818 cho biết, việc triển khai thực hiện Đề án tại các địa phương đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành vi của toàn xã hội đối với công tác xã hội hóa. Hơn 10 triệu đơn vị sản phẩm(trong đó hơn 9 triệu bao cao su, hơn 850 ngàn vỉ uống tránh thai và 1.200 vòng tránh thai) là phương tiện tránh thai được phân phối, góp phần bảo vệ tránh thai hàng trăm nghìnlượt cặp vợ chồng/năm và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân.

Bên cạnh đó, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước chi cho việc thực hiện KHHGĐ khoảng 40 tỷ đồng, trung bình 8 tỷ đồng/năm. "Thành công này đã đóng góp một phần đáng kể để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng hóa các phương tiện tránh thai của nhân dân, tạo sự phát triển bền vững và đạt được những mục tiêu của Chương trình KHHGĐ/SKSS trong tình hình mới", ThS.BS Phạm Hồng Quân nhấn mạnh.

Với các sản phẩm chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn kiểm định trong nước và quốc tế, được tư vấn chủ yếu là trực tiếp thông qua các buổi hội thảo, truyền thông, tư vấn trực tiếp từ CTV dân số đến hộ gia đình và đối tượng đích... các sản phẩm của Đề án 818 đã và đang khẳng định được hiệu quả của mình với người dân trên địa bàn.

Theo bà Trương Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), các sản phẩm của Đề án 818 tại cộng đồng có những phản hồi tích cực về công dụng, tiện dụng, hiệu quả của sản phẩm. Ví dụ, sản phẩm xịt đa năng Gynopro dùng xịt phụ khoa, xịt viêm chân răng, đau họng, hôi nách... đã góp phần làm giảm tỷ lệ viêm nhiễm phụ khoa ở chị em phụ nữ.

Trên cơ sở những kết quả của Đề án 818, ngày 25/2/2019, Bộ Y tế đã có Quyết định số 718/QĐ-BYT phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản đến năm 2030.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/hang-trieu-phuong-tien-tranh-thai-co-chat-luong-duoc-phan-phoi-qua-kenh-xa-hoi-hoa-172211129204922958.htm