Hàng triệu tấn nông sản sắp thu hoạch 'kêu cứu' tiêu thụ
Hơn 5 triệu tấn lúa; 3,7 triệu tấn rau, 4 triệu tấn trái cây...và hàng chục ngàn tấn gia súc, gia cầm ở các tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên đang đến vụ thu hoạch, song đầu ra đang bị tắc. Theo đại diện các tỉnh, nếu không có giải pháp kịp thời, rất dễ đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tại "Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021" chiều 6/8, thông tin từ Bộ Công Thương tại " cho biết, hiện nay lượng hàng nông sản, thủy sản và sản phẩm chăn nuôi ở các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên cần được tiêu thụ khá lớn.
Cụ thể, khu vực này có khoảng 5 triệu tấn lúa, 3,7 triệu tấn rau, hơn 4 triệu tấn trái cây, 120.000 tấn hải sản, 400 triệu quả trứng và hàng chục ngàn tấn gia súc, gia cầm... đang đến thu hoạch. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ khâu thu hoạch, vận chuyển, đến chế biến tiêu thụ đều đang gặp rất nhiều khó khăn. Một số thị trường truyền thống và đối tác lâu năm dừng nhập hàng nên đầu ra các sản phẩm bị ách tắc.
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên đều thông tin về tình hình nông sản tại địa phương, trong đó điểm chung đều gặp những vướng mắc về đầu ra.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong lúc các thị trường tiêu thụ đều gặp khó, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, xác định thị trường trong nước là trọng tâm
Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, trong tháng 8, Long An bước vào vụ thu hoạch thanh long với sản lượng dự kiến khoảng 15.000 tấn. Bên cạnh đó, tỉnh còn có hàng nghìn tấn nông sản, thủy sản gồm lúa, dưa hấu, tôm,... Phần lớn thị trường tiêu thụ là TP HCM và các tỉnh lân cận, song những địa phương này đang thực hiện giãn cách xã hội nên việc thu hoạch, tiêu thụ bị chững lại.
Tại Hậu Giang, địa diện tỉnh này cho biết, đang tồn đọng gần 2.700 tấn nông sản, trong đó rau các loại tồn đọng khoảng 75 tấn, cây ăn trái các loại tồn đọng 470 tấn và khoảng 2.000 tấn thủy sản…đến vụ thu hoạch nhưng thị trường tiêu thụ hiện rất nhỏ giọt. Nếu không có giải pháp kịp thời, rất dễ đứt gãy chuỗi cung ứng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, trong bối cảnh này, các địa phương cần đánh giá tình hình nông sản và xây dựng kế hoạch thu hoạch chế biến, tiêu thụ thật cụ thể. Trong đó, các đơn vị cần chủ động kết nối với các địa phương, doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ; đồng thời tìm kiếm những thị trường thay thế mới khi thị trường truyền thống ách tắc. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần rà soát chuẩn bị kĩ các điều kiện cho mùa vụ tiếp theo không để mùa vụ bị gián đoạn gây ảnh hưởng đến nguồn cung.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề xuất ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho các đối tượng tham gia vào chuỗi sản xuất nông sản. Bên cạnh đó, ông Tiến kiến nghị Bộ Công thương tiếp tục hỗ trợ giá điện cho các cơ sở sản xuất và lưu trữ nông sản.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trong lúc các thị trường tiêu thụ đều gặp khó, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, xác định thị trường trong nước là trọng tâm, nền tảng phát triển tiêu thụ nông sản, thủy - hải sản.
Bộ trưởng Diên đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, nắm chắc chủng loại sản phẩm cần tiêu thụ và có phương án tiêu thụ tại chỗ, số lượng còn lại kết nối qua các sở, các tổ công tác của 2 Bộ để được tư vấn, hỗ trợ và xúc tiến tiêu thụ. Ông cũng đề nghị các địa phương, bằng mọi cách phải duy trì được hoạt động của các chợ đầu mối, chợ truyền thống và siêu thị, cửa hàng tiện ích vì đây là hệ thống thiết yếu trong chuỗi cung ứng, đóng vai trò phục vụ đời sống nhân dân.
Bộ trưởng Công Thương kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ, các trang thương mại điện tử vào cuộc mạnh mẽ để hỗ trợ thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản, thủy sản trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng.