Hàng triệu video độc hại với trẻ vẫn trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội
Các video chứa nội dung không lành mạnh hay những clip có nội dung bạo lực vẫn tồn tại tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Tiktok… tiềm ẩn mối nguy hại ngày càng lớn cho trẻ nhỏ.
Sự việc YouTuber Thơ Nguyễn, một trong những kênh YouTube nổi tiếng dành cho trẻ em tại Việt Nam, đăng video về việc “xin vía” học giỏi cho các em học sinh với sự xuất hiện của Kumanthong (1 loại búp bê có nguồn gốc từ Thái Lan, được nuôi như con người), gây bức xúc cho nhiều người.
Mặc dù sau đó, YouTuber này có đăng tải thêm một số video nhằm đính chính lại nội dung đã chia sẻ trước đó. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không chấp nhận và tiếp tục lên tiếng chỉ trích, thậm chí một số còn kêu gọi cộng đồng mạng tẩy chay các clip độc hại như thế này.
Theo một cán bộ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hình ảnh mà YouTuber Thơ Nguyễn tạo dựng để cho trẻ em học tập là không phù hợp, có thông tin tuyên truyền về mê tín dị đoan, đồng thời cũng không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Tất cả những thông tin trên mạng Internet, cụ thể là YouTube được điều chỉnh bởi Nghị định 72 năm 2013 của Chính phủ và Nghị định sửa đổi bổ sung 27 năm 2018 của Chính phủ. Trong đó, những hành vi bị cấm đối với những thông tin phát tán và truyền đưa trên mạng xã hội như không được tuyên truyền mê tín dị đoan.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng cho biết đã lên kế hoạch mời Nguyễn Thị Thơ ra để làm việc. Còn trong trường hợp chị này không đến làm việc theo giấy mời, Cục sẽ phối hợp với các cơ quan pháp luật và cơ quan chức năng để tiếp tục yêu cầu chị phải có trách nhiệm đối với cộng đồng và có trách nhiệm đến giải trình với cơ quan quản lý Nhà nước về việc cung cấp những thông tin phản giáo dục, mê tín dị đoan trên mạng xã hội.
Tràn lan video xấu độc trên mạng xã hội
Câu chuyện về YouTuber Thơ Nguyễn làm clip không phù hợp với trẻ nhỏ có thể khiến nhiều bậc phụ huynh cảnh giác với việc kiểm soát con trẻ dùng mạng xã hội. Thế nhưng, đây cũng không phải là lần đầu tiên những hình ảnh xấu độc dành cho trẻ em được phát hiện.
Trước đó, chính YouTuber này đã từng đăng video tắm trong bồn thạch khổng lồ (với biểu lộ cảm xúc nhạy cảm), thử đốt nước ngọt có gas, thử bỏ đá khô vào chai nước kín… bị chỉ trích gay gắt và sau đó phải xóa bỏ các video này.
Dạy trẻ em “xin vía học giỏi”, hướng dẫn trẻ em làm những hành động không đúng lứa tuổi, thậm chí là dạy cách tự làm đau mình, gây nguy hiểm cho bản thân... là một trong hàng triệu những clip đang trôi nổi trên mạng xã hội và vẫn được hàng ngàn trẻ em theo dõi. Hậu quả của những clip xấu độc này gây ra cũng có nhiều trong thực tế.
Gần đây nhất, tháng 10/2020 vụ việc bé gái 5 tuổi (TPHCM) học theo trò chơi treo cổ trên YouTube dẫn đến tử vong đã gây rúng động dư luận. Người nhà của bé gái cho biết, chỉ một vài phút người lớn không để ý, cháu bé đã học theo trò chơi trên YouTube bằng cách lấy một chiếc khăn voan buộc vào thành giường tầng trong phòng ngủ và tự treo cổ mình. Khi được người nhà phát hiện, bé đã rơi vào trạng thái bất tỉnh.
Đối với lứa tuổi lớn hơn, sau một thời gian, trào lưu video của những giang hồ mạng như Thánh chửi Dương Minh Tuyền, Phú Bảnh… thoái trào do bị cơ quan chức năng xử lý, thì nay, dạng phim bạo lực này lại rộ lên, lấy bối cảnh học đường.
Những video như “Thiếu gia đi học”, “Bạn trai tôi là trùm trường”, “Giang hồ đi học”, “Trùm trường đại chiến”, “Chị đại trường tôi”... cũng đang thu hút sự quan tâm lớn của giới tuổi teen đang đầy rẫy trên YouTube.
Càng thị phi, càng nổi tiếng
Thống kê từ SocialBlade cho thấy kênh YouTube Thơ Nguyễn vẫn đang tăng trưởng tốt và không có bất cứ dấu hiệu nào của việc xóa hay ẩn video, bởi Google vẫn sẽ trả tiền cho kênh YouTube chừng nào nội dung không vi phạm chính sách và được bật kiếm tiền.
Hiện nguồn thu nhập của kênh Thơ Nguyễn ước tính dao động từ 310.000 USD đến gần 5 triệu USD (tương đương 7,4-120 tỉ đồng) trong một năm trở lại đây. Riêng trong 30 ngày gần nhất tính đến ngày 12.3, kênh Thơ Nguyễn có thêm 90.000 người theo dõi, với gần 102 triệu lượt xem, và thu nhập ước dao động từ hơn 25.000 USD đến 407.000 USD, tương ứng khoảng 580 triệu đồng đến hơn 9,4 tỉ đồng.
So với mức phạt hành chính quy định theo lỗi vi phạm chỉ ở mức vài triệu đến vài chục triệu đồng, mức thu nhập “khủng” có thể khiến các YouTuber bất chấp tất cả để lôi kéo người theo dõi.
Theo anh Nguyễn Hải, một người tham gia làm nội dung trên YouTube, với đặc trưng là kênh dành cho trẻ em, các video có thể được xem đi xem lại, kênh Thơ Nguyễn hoàn toàn vẫn có thể “hái” ra tiền mà không cần phải làm gì thêm nữa. Do đó, nếu chỉ có các bậc phụ huynh hô hào tẩy chay mà không có những biện pháp kỹ thuật như chặn kênh và báo cáo nội dung xấu... Thơ Nguyễn hay bất cứ YouTuber nào ở Việt Nam cũng đều có thể sống khỏe bất kể có bị tẩy chay lớn đến đâu.
“Với YouTuber nói chung càng lên mặt báo lại càng nổi tiếng, càng dễ tiếp cận được nhiều hơn các đối tượng người xem mới. Khán giả cũ có thể tẩy chay nhưng lại có lượng khán giả mới bù vào. Do đó, người làm YouTube chỉ thực sự nghỉ khi không còn ai quan tâm và nhắc đến họ chứ ít người nghỉ vì scandal hay bị chỉ trích trên mạng”, anh Hải cho hay.
“Nhất là với những YouTuber đã thành danh, điều họ sợ không phải không kiếm được tiền, mà là sợ không ai quan tâm đến mình nữa. Đó là nỗi sợ hết thời”, anh Hải nói.
Thơ Nguyễn là một trong những kênh Youtube nổi tiếng dành cho trẻ em tại Việt Nam, hiện thu hút được hơn 8,7 triệu người theo dõi. Mới đây, chủ tài khoản này đã lấn sân sang nền tảng TikTok để chia sẻ các video.
Hiện tại, tài khoản TikTok của Thơ Nguyễn đã có gần 950.000 lượt theo dõi cùng với hơn 5,8 triệu lượt thích. Tuy nhiên, toàn bộ video đăng tải trong vài ngày gần đây đều đã bị chủ tài khoản ẩn đi./.