Hàng trong nước thua thiệt do chịu thuế VAT cao hơn nhập khẩu
Đó là nhận định của VCCI trong góp ý Dự thảo hồ sơ, đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) do Bộ Tài chính chủ trì.
Hàng trong nước chịu thuế VAT cao hơn nước ngoài
Dẫn chứng một số doanh nghiệp như nông sản chưa chế biến, giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, máy nông nghiệp, tàu cá, thức ăn chăn nuôi, muối, phần mềm máy tính, và một số loại máy móc, thiết bị, vật tư khác… chưa được khấu trừ thuế giá trị gia tăng (VAT).
Ngược lại, các doanh nghiệp này cũng không được khấu trừ thuế VAT đầu vào trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, các sản phẩm tương tự lại không phải chịu loại thuế này khi nhập khẩu, nhưng lại được hoàn thuế khi xuất khẩu sang nước đối tác.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hàng hóa nhập khẩu đang có chi phí thuế thấp hơn hàng hóa sản xuất trong nước. Điều này vô tình trở thành khuyến khích nhập khẩu hàng hóa thay vì sản xuất trong nước.
"Vấn đề nghiêm trọng, tồn tại từ nhiều năm nay và cần được giải quyết trong lần sửa đổi Luật Thuế VAT lần này, nếu không sẽ khiến sản xuất trong nước tiếp tục chịu thua thiệt", VCCI cho hay.
Áp các mức thuế phù hợp, xóa bỏ diện không chịu thuế
Trước thực tế đó, VCCI đề nghị tính toán đối với các loại hàng hóa, dịch vụ Việt Nam không nhập khẩu từ nước ngoài sẽ duy trì diện không chịu thuế.
Bên cạnh đó, các loại hàng hóa, dịch vụ mà Việt Nam có nhập khẩu từ nước ngoài để tiêu dùng trong nước cần loại bỏ khỏi diện không chịu thuế và chuyển sang các mức thuế suất phù hợp. VCCI đề xuất chuyển các mặt hàng không chịu thuế sang diện chịu thuế với các mức thuế suất 5 suất 5% hoặc 0%.
Cụ thể, các mặt hàng có tỷ trọng thuế VAT chưa được khấu trừ trên 5% thì chuyển về mức 5%, còn các mặt hàng có tỷ trọng thuế VAT chưa được khấu trừ dưới 5% thì chuyển về mức 0%.
VCCI cũng đưa ra phương án cho phép doanh nghiệp trong nước chọn phương pháp tính thuế. Phương án này, toàn bộ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong nước (không thuộc diện xuất khẩu) được phân loại vào hai nhóm với thuế suất 5% và 10%.
Theo đó, chuyển toàn bộ hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế sang diện thuế suất 5%; không còn diện hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế.
Phương án này có ưu điểm là cơ quan soạn thảo không cần thực hiện khảo sát để tìm hiểu chi phí thuế chưa được khấu trừ trung bình của các loại hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước là bao nhiêu.
Đồng thời, cũng không phát sinh các mức thuế mới mà vẫn chỉ có các mức 5% và 10% như hiện hành.
Tuy nhiên, có nhược điểm là có nguy cơ bị phản ánh là hàng hóa nhập khẩu bị đối xử kém thuận lợi hơn so với hàng hóa trong nước, do hàng hóa nhập khẩu buộc phải nộp thuế 5% trên giá trị hải quan, còn hàng hóa trong nước được lựa chọn nộp theo phương pháp khẩu trừ (5% trên VAT)…