Hàng tỷ USD mỗi năm 'trôi' theo rác
Việt Nam ước tính lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt. Còn chất thải hữu cơ lãng phí hơn 30 tỷ USD mỗi năm khi gần 70% không được tái chế và tận dụng.
Làm thế nào để tận dụng nguồn tài nguyên rác thải? Xoay quanh vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam.
PV: Ông có thể cho biết bức tranh chung về đường đi của rác thải nhựa trên cả nước?
Ông Hoàng Đức Vượng: Trong những năm qua, tiêu thụ nhựa ở Việt Nam liên tục tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm. Hiện nay, tổng sản lượng ngành nhựa khoảng 25 tỷ USD, xuất khẩu năm 2023 khoảng 4,5 tỷ USD. Theo ước tính mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 6,2 triệu tấn nhựa. Điều này cũng đồng nghĩa với lượng rác thải nhựa thải ra rất lớn cần phải xử lý.
Lượng rác thải nhựa này đang một phần (nhựa có giá trị) đang được thu gom bởi hàng vạn chị em ve chai tái chế ở hang nghìn làng nghề. Việc tái chế này đang gây ra ô nhiễm thứ cấp. Xã hội chúng ta mới lo đến tiêu dùng chứ chưa lo đến việc xả thải.
Nói là nước ta đã phân loại rác tại nguồn chưa, thì tôi khẳng định là đã có, vì các gia đình đã tự thu gom chai nhựa có giá trị để bán. Nhưng một lượng rất lớn nữa rất khó tái chế đó chính là bao bì túi ni lông, bao bì đa lớp, nhựa sử dụng một lần...
Nhựa này lẫn trong thực phẩm, vì khi lẫn tạp chất rác thải thực phẩm thì chỉ cần 2-3 ngày bốc mùi rất khó chịu. Và cúi xuống bao lần mới được 1kg túi ni lông? Nên đường đi của dạng rác thải này là ra bãi rác. Còn lại 5-10% đi ra môi trường.
PV: Phân loại rác tại nguồn và chống ô nhiễm rác thải nhựa rõ ràng là còn nhiều thách thức tại Việt Nam. Ông có thể chỉ ra chúng ta đang vướng mắc chỗ nào và cần phải làm gì?
Ông Hoàng Đức Vượng: Ba thùng rác đưa ra đó là thùng tái chế, thùng hữu cơ và thùng rác khác; ba thùng này nếu muốn sử dụng hiệu quả thì cần có chiến lược rất bài bản. Riêng thùng rác tái chế bao gồm rất nhiều loại, từ nhựa đến sắt thép...
Thùng này nếu chỉ có nhựa thôi đã khủng khiếp rồi. Ví như nhựa PP có thể là rổ, rá, cửa sổ, chai nước, màng PP... Mỗi loại đó có công nghệ tái chế khác nhau, mỗi loại một phụ gia khác nhau. Nên chuẩn bị hạ tầng tái chế của nhựa thôi đã rất lớn rồi.
Chúng tôi cũng khuyến cáo cần có chiến lược bài bản, trước hết là phải xây dựng cơ sở hạ tầng cho tái chế.
Điều thứ hai là thùng rác hữu cơ, hiện nay chúng ta làm cũng chưa tốt, kể các cơ sở làm thành phân bón chẳng hạn, thì cũng đang thất bại rất nhiều.
Thế giới bây giờ có công nghệ mới, có thể tái chế rác hữu cơ đó thành khí gas, khí đốt. Nhưng chúng ta phải phân loại và có một lượng đủ lớn để tận dụng rác hữu cơ, rác thực vật.
Theo tính toán của chúng tôi, nếu như Việt Nam tách được rác thực phẩm ra có thể thu lại hàng chục tỷ đô la.
Các tỉnh, thành cũng rất vướng ở chỗ làm thế nào để chuẩn bị cơ sở hạ tầng. Lộ trình là phải làm thử, thí điểm. Khi thí điểm thành công thì các nhà đàu tư mới tham gia vào, đặc biệt khi có chính sác EPR, nếu như chúng ta ràng buộc toàn cầu hiệp định đó sẽ có các dòng tiền từ các tổ chức quốc tế cũng như có sự hỗ trợ từ “thượng nguồn” là các công ty cung cấp hạt nhựa và từ “hạ nguồn” là các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu.
Nếu như chúng ta cùng đồng hành, cùng có trách nhiệm với nhau thì mới có thể làm được điều này.
PV: Cần hiểu thế nào cho đúng về chống ô nhiễm rác thải nhựa?
Ông Hoàng Đức Vượng: Việc này khó và còn nhiều tranh cãi. Cá nhân tôi nhiều năm qua đã kiến nghị với cơ quan quản lý 8 chính sách cốt lõi để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa ở Việt Nam.
Muốn chống ô nhiễm rác thải nhựa thì đầu tiên phải kéo dài vòng đời của sản phẩm nhựa để giảm bỏ việc vứt ra môi trường, trong khi đó ở nước ta, sản phẩm nhựa không có quy chuẩn nào cả. Nếu xuất đi châu Âu thì phải theo quy chuẩn của họ như độ kéo giãn, bền đứt, chống lão hóa, độ bào mòn.... Mà đã không có quy chuẩn thì không có sự cạnh tranh lành mạnh trong ngành nhựa.
Vấn đề thứ hai là phải có thiết kế định hướng cho tái chế. Hiện chúng ta cũng không có quy định về in ấn bao bì các sản phẩm tái chế, bao bì in ấn tràn lan. Các sản phẩm in ấn nhãn mác đó đều ảnh hưởng đến chất lượng tái chế. Đơn cử như nắp một chai nước suối thôi, mỗi hãng một kiểu, bên thì PP, bên thì PE...
Nếu có định hướng thiết kế, sẽ trút bỏ gánh nặng và chi phí cho nhà tái chế.
Chúng tôi cũng đã kiến nghị phải xây dựng sàn giao dịch carbon, tạo điều kiện cho những nhà thu gom, tái chế sẽ giảm carbon và có thể trao đổi được để tăng thêm thu nhập cho họ, để chuyển đổi từ tái chế giản đơn sang tái chế hiện đại, từ tái chế không đảm bảo môi trường sang đảm bảo môi trường.
Không phân loại rác tại nguồn thì đừng nói đến chống ô nhiễm rác thải nhựa, vì ra bãi rác và không tái chế được thì làm sao chống được.
Tới đây, chúng tôi sẽ làm việc với đoàn viên thanh niên ở các trường để thu gom rác thải ngay từ trong trường học.
Chúng tôi cũng tham gia với các nhãn hàng khi ký kết hiệp định quy định trách nhiệm mở rộng của các nhà sản xuất (EPR), chúng tôi cũng có những chương trình riêng về đào tạo, tuyên truyền ví dụ như tổ chức các cuộc thi kinh tế tuần hoàn, các dự án trong các trường Đại học hoặc đào tạo lan tỏa trong các trường học công lập...
Chúng tôi chia sẻ EPR này từ những người ve chai cho đến người phân loại, tái chế, tất cả cùng làm thì mới thực hiện được mục tiêu.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hang-ty-usd-moi-nam-troi-theo-rac-post1081662.vov