Hàng Việt chờ ngày tươi sáng

Sầu riêng đang giá cao ngất ngưởng, có nơi lên tới 90.000 đồng/kg như tại Bình Phước cách đây 3 tuần, nay tuột dốc không phanh.

Cũng tại Bình Phước và Đông Nam Bộ, hồi quý I năm nay, giá mít trái vọt lên mức không tưởng, 70.000-80.000 đồng/kg, giờ đây "rớt cái phịch", chỉ còn 12.000 đồng/kg. Thật thê thảm!

Nguyên nhân chung: Phía Trung Quốc ngưng mua.

Họ ngưng mua thì nông dân ta điêu đứng, bởi phụ thuộc quá sâu vào đầu ra, lại là đầu ra độc quyền. Vì không dự báo được mức độ bao tiêu nên cứ thấy được giá là đua nhau trồng, trồng nhiều quá bán không hết, tồn kho và thua lỗ thì xin "giải cứu", rồi chặt, chặt rồi lại trồng... Vòng luẩn quẩn này của nông sản Việt Nam kéo dài nhiều năm qua rồi. Dưa hấu, chuối, xoài, thanh long, nhãn, vải... cũng đã bao phen "lên bờ xuống ruộng".

Không chỉ nông sản mà thủy - hải sản cũng đang nếm mùi cay đắng. Ngư dân 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đang tồn ứ hàng ngàn tấn mực khô không bán được, tàu câu mực đành nằm bờ, ngư dân hết việc ngồi nhà, đối diện nguy cơ thua lỗ và nợ nần. Lý do - cũng như trên - đã lường trước, là bởi thương lái không mua vì phía Trung Quốc siết tiêu chuẩn hàng nhập khẩu. Cụ thể hơn, nông - thủy sản nhập khẩu phải qua đường chính ngạch, có dán tem để truy xuất nguồn gốc. Phía bạn đã đưa ra quy định này từ lâu, áp dụng từ ngày 1-1-2019 và Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã thông báo rộng rãi. Bên bán không làm theo, đành phải chịu lấy, không trách bên mua được!

Những chuyện buồn như vậy cứ diễn ra mãi. Trách cứ nông dân, ngư dân thì tội nghiệp nhưng cũng chẳng biết họ sẽ trả giá bao nhiêu rồi mới thức tỉnh và sửa đổi cung cách làm ăn. Mà, thực tế thì nông dân, ngư dân mù mờ thông tin lắm, lại thiếu điều kiện và khả năng tìm kiếm đối tác, đàm phán, giao dịch... nên cứ thấy dễ và có lợi trước mắt thì lao vào. Do vậy mà "sập bẫy"!

Từ đó mới thấy lực lượng đông đảo nhất nhưng cũng dễ bị tổn thương nhất này cần tiếp tục được chở che, bảo vệ bởi các giới - ngành khác có điều kiện hơn. Nhà nước tiếp tục làm "bà đỡ" giúp họ, trong đó điều cần thiết nhất là mở thêm nhiều kênh tiêu thụ nông - thủy sản; đồng thời chỉ đạo và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa thu mua hàng của nông dân, ngư dân để thực hiện truy xuất nguồn gốc và xuất khẩu chính ngạch. Làm được như vậy thì lợi cả ba bên, nhà nước thu được thuế, doanh nghiệp có lợi tức, nông - ngư dân có nguồn thu và tiếp tục duy trì sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội. Từ nền móng này, sau nhiều năm, nông dân và ngư dân chúng ta sẽ đứng vững được trên đôi chân của mình. Tự lực là đây, tự cường là đây chứ tìm đâu xa nữa!

Vào những ngày nông - thủy sản Việt Nam gặp khó khăn, chúng ta mong đợi EVFTA (Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU, dự kiến ký kết vào ngày 30-6-2019) sẽ hợp cùng CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, đã có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14-1-2019) mở toang cánh cửa thế giới để hàng hóa Việt thuận buồm xuôi gió vươn xa hơn, nhiều hơn; tạo lập được thế đứng mới, vững vàng hơn.

Cát Tường

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/hang-viet-cho-ngay-tuoi-sang-20190628221115855.htm