Hàng Việt đi vào cuộc sống
Sau 15 năm triển khai, cuộc vận động (CVĐ)
Sau 15 năm triển khai, cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và sự phối hợp của chính quyền, các ban, ngành, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội (CT - XH). Bằng nhiều hình thức tuyên truyền và hoạt động thiết thực, CVĐ đã lan tỏa rộng rãi, góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân Hòa Bình.
Miến dong Chiến Thọ, sản phẩm OCOP 3 sao tại xóm Bu Chằm, xã Thịnh Minh (TP Hòa Bình) được người tiêu dùng đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng. Sản phẩm được cung cấp đến các tỉnh, thành phố và địa phương lân cận. Sản lượng hàng năm từ 110 - 120 tấn thành phẩm, tạo việc làm ổn định cho 15 - 20 lao động địa phương. Anh Đỗ Quang Chiến, chủ cơ sở sản xuất và chế biến miến dong Chiến Thọ chia sẻ: "Miến dong là một trong những sản phẩm đặc trưng của địa phương được chế biến, sản xuất từ nguồn nguyên liệu sạch, rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tôi luôn tâm niệm phải đem đến khách hàng những sản phẩm có chất lượng cao nhất, giá thành phù hợp với người tiêu dùng”.
Thực hiện Thông báo kết luận số 264-TB/TW, ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị, CVĐ đã được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh. Các ngành chức năng đã xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp thiết thực góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội quan tâm hưởng ứng CVĐ.
Giai đoạn 2009 - 2024, MTTQ phối hợp các tổ chức CT - XH, các đơn vị, doanh nghiệp SX-KD tại các địa phương tuyên truyền cho trên 100.000 lượt người mỗi năm. Hàng năm, toàn tỉnh tổ chức 9 - 10 hội chợ, triển lãm thương mại thu hút 100 - 190 gian hàng đến từ 40 - 100 doanh nghiệp trên cả nước. Qua đó, lượng khách đến tham quan, mua sắm dao động từ 15.000 - 40.000 lượt người. Một số sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tạo được ấn tượng như: rượu Mường Đình, cam Cao Phong, bưởi Tân Lạc, măng Kim Bôi, cao xạ đen, chè Shan tuyết, hạt sachi... Cùng với đó, các ngành chức năng phối hợp tổ chức 109 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Thông qua các hoạt động giao thương giúp các doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, giao lưu trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tiếp cận với những tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến, nắm bắt nhu cầu của thị trường, thị hiếu người tiêu dùng.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham gia giám sát trên 400 cuộc, kiểm tra hơn 2.400 cơ sở SX-KD; Sở NN&PTNT tổ chức 94 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản với 1.033 lượt cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 83 cơ sở, tổng số tiền phạt 293,2 triệu đồng. Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, giúp người tiêu dùng nhận biết, phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Đồng chí Trần Đức Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: "Để tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Tăng cường các hình thức tuyên truyền, quảng bá ưu tiên dùng hàng Việt Nam như: Tổ chức hội chợ, triển lãm...; mở rộng mạng lưới đưa hàng về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc triển khai, thực hiện CVĐ ở các cơ quan, đơn vị. Chủ động phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… trong các hoạt động thương mại, dịch vụ. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp, góp phần phát triển KT-XH địa phương.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/191672/hang-viet-di-vao-cuoc-song.htm