Hàng Việt giảm phụ thuộc thị trường Trung Quốc
Xuất khẩu nông sản, rau quả của Việt Nam sang các thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… tăng mạnh và giảm dần ở thị trường Trung Quốc.
Dù Trung Quốc (TQ) vẫn là thị trường tiêu thụ lớn của nhiều mặt hàng Việt, nhất là nông sản nhưng gần đây xuất khẩu sang thị trường này có xu hướng giảm dần. Đây là một tín hiệu tích cực, vì việc quá phụ thuộc vào thị trường này khiến doanh nghiệp Việt gặp rất nhiều rủi ro.
Xu hướng tích cực
TQ là thị trường lớn, vận chuyển thuận lợi vì gần Việt Nam (VN) nhưng rủi ro cao và nhiều bấp bênh. Vì thế, Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu đã có những thay đổi khi chỉ coi TQ là một thị trường bình thường như nhiều thị trường khác. Ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc công ty, cho hay hiện tại hơn 70% lượng thanh long của công ty xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường khó tính nhất như châu Âu, Mỹ, Canada. Đặc biệt, công ty đang từng bước mở rộng xuất khẩu thanh long sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… Số còn lại công ty bán tại thị trường nội địa và xuất một lượng không đáng kể sang TQ.
“Chính sự phân bổ đều cho các thị trường giúp đầu ra ổn định, điều tiết được theo nhu cầu thị trường. Giá trị sản phẩm thường duy trì ở mức cao và tránh được nguy cơ kiểm soát thị trường của các thương lái TQ” - ông Hiệp khẳng định.
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cho hay công ty trồng chuối chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, chiếm hơn 40% tổng sản lượng chuối xuất khẩu của công ty. Số chuối còn lại công ty bán tại thị trường nội địa, xuất sang Hàn Quốc, Malaysia và TQ.
Đáng chú ý, theo ông Huy, chuối là mặt hàng được các nước tiêu thụ rất lớn. Mỗi năm, riêng Nhật nhập trên 1,2 triệu tấn chuối, Hàn Quốc khoảng 1 triệu tấn và TQ trên 1 triệu tấn. Vì vậy, các doanh nghiệp nên đa dạng thị trường chứ không nên quá phụ thuộc vào một thị trường dẫn đến rủi ro cao.
“Ngay như Nhật Bản, dù là thị trường lớn nhất của công ty nhưng tôi vẫn liên hệ với các khách hàng Hàn Quốc, TQ… để xúc tiến mở thêm đầu ra. Việc quan trọng nhất là sản xuất chuối phải đạt tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường khó tính thì muốn mở rộng thêm thị trường nào cũng dễ dàng hơn” - ông Huy chia sẻ.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, TQ vẫn là nhà nhập khẩu trái cây lớn nhất của VN. Tuy nhiên, thời gian qua lượng trái cây xuất qua thị trường này giảm dần và giảm mạnh. Nếu trước đây 80%-90% trái cây xuất khẩu chủ yếu sang thị trường TQ thì nay con số đó đã giảm xuống dưới 60%.
Nguyên nhân đầu tiên là do thị trường TQ không còn dễ tính. Nông sản Việt xuất sang thị trường này chủ yếu chỉ còn cửa chính ngạch, kèm theo nhiều tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, vùng trồng được cấp phép. Đó là chưa kể quy cách đóng gói, bảo quản cũng thay đổi. Vì vậy, lượng trái cây xuất sang thị trường này cũng giảm.
Thứ hai là các doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi trong tư duy sản xuất lẫn kinh doanh. Đơn cử như cây ăn trái trồng với quy mô lớn, theo các tiêu chuẩn khắt khe nên trái cây được xuất khẩu sang nhiều thị trường hơn, thay vì chỉ tập trung vào TQ như trước đây.
“Ví dụ trước đây lượng trái cây xuất sang Mỹ, EU, Nhật rất ít nhưng hiện nay đã tăng rất mạnh về sản lượng. Nhờ vậy, các công ty Việt đã giảm dần phụ thuộc vào thị trường TQ và đây là xu hướng tích cực” - ông Nguyên chia sẻ.
Giảm chứ không bỏ
Giảm phụ thuộc thị trường TQ không có nghĩa là loại bỏ hoặc đánh giá thấp thị trường này. Ví dụ, hiện nay xuất khẩu chuối chính ngạch sang TQ vẫn khá tốt. Chuối Ecuador là đối thủ của chuối VN tại thị trường TQ nhưng sản lượng đang sụt giảm mạnh do dịch bệnh. Đây là cơ hội của chuối VN khi chớp thời cơ để tăng sức cạnh tranh tại thị trường này.
Ông VÕ QUAN HUY, Giám đốc Công ty Huy Long An
Có lợi cho người kinh doanh
Không chỉ nông sản mà nhiều mặt hàng khác của VN cũng đang giảm dần phụ thuộc vào thị trường nước láng giềng. Giới kinh doanh cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả trên. Chẳng hạn, nhờ hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã ký kết như Hiệp định Thương mại tự do VN - Liên minh châu Âu (EVFTA) giúp nhà kinh doanh VN có thêm thị trường mới. Từ đó đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng được lượng hàng xuất khẩu cũng như đa dạng hóa đầu vào nguyên liệu.
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 bùng phát cũng khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy vì phụ thuộc quá nhiều vào thị trường TQ. Chính vì vậy, không ít doanh nghiệp Việt tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, khách hàng, đối tác kinh doanh nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào TQ.
Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T Nguyễn Đình Tùng nhận định việc đa dạng thị trường rất có lợi cho doanh nghiệp. Như năm nay, ảnh hưởng của dịch khiến thị trường TQ chỉ chiếm 10% tổng sản lượng xuất khẩu của công ty, thậm chí có thời điểm gần như “đứng hình”. Ngược lại, xuất khẩu trái cây sang Mỹ vẫn tăng, giúp công ty hoạt động ổn định.
Ông Tùng cũng cho rằng việc thị trường TQ cũng như nhiều nước đặt ra các tiêu chuẩn chất lượng cao có thể coi đó là “trong nguy có cơ”. Đây là cơ hội để ngành trái cây hay nông sản khác phải thay đổi tư duy về sản xuất cũng như thị trường, nghĩa là không nên dễ dãi.
“Ngành nông sản phải đầu tư bài bản, tuân thủ nghiêm quy định mới về đăng ký vùng trồng, cấp mã số cơ sở đóng gói, bao gói đúng chuẩn, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... Qua đó để chinh phục lâu dài, chứ không làm kiểu ăn xổi ở thì, đánh quả” - ông Tùng chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Tùng cũng đề nghị cần có chế tài xử phạt nghiêm vi phạm, đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”. Bởi một vài doanh nghiệp gian dối thì có khi cả ngành xuất khẩu bị thiệt hại, nguy cơ mất thị trường, ảnh hưởng uy tín hàng Việt.
Thu hẹp thâm hụt thương mại với Trung Quốc
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tám tháng đầu năm nay, thâm hụt thương mại của VN với TQ thu hẹp đáng kể. Cụ thể, nhập siêu từ TQ tám tháng đầu năm giảm 11,1% so với cùng kỳ, chỉ còn 22,3 tỉ USD.
Việc giảm nhập siêu từ TQ đã đóng góp vào con số thặng dư thương mại hàng hóa kỷ lục của VN trong tám tháng đầu năm nay, lên mức 11,9 tỉ USD Mỹ.
Còn theo Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, xuất khẩu rau quả sang thị trường TQ giảm mạnh. Tính chung bảy tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang TQ đạt 1,1 tỉ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, nhiều thị trường xuất khẩu rau quả khác của VN lại tăng trưởng. Đơn cử Hàn Quốc đạt 94 triệu USD, tăng 23%; Mỹ đạt 90 triệu USD, tăng 7%; Nhật Bản 79 triệu USD, tăng 12%.
Đặc biệt, xuất khẩu rau quả Việt sang Thái Lan tăng mạnh hơn 215% so với cùng kỳ khi đạt trên 88 triệu USD. Xuất khẩu sang Đài Loan cũng tăng hơn 73%, đạt 53 triệu USD.
Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/quan-ly/hang-viet-giam-phu-thuoc-thi-truong-trung-quoc-937881.html