Hàng Việt Nam chiếm ưu thế trên thị trường

Sau 30 năm lập lại tỉnh, Quảng Trị đã để lại dấu ấn trên nhiều lĩnh vực, trong đó phải kể đến sự lên ngôi của hàng Việt Nam trên thị trường. Đặc biệt, từ sau khi cuộc vận động (CVĐ) 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' được triển khai, nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt đã có sự chuyển biến rõ nét. Từ đó, hàng Việt đã chiếm ưu thế từ hệ thống chợ đến các siêu thị, dần thay thế các hàng hóa không rõ nguồn gốc.

 Hàng Việt Nam được các doanh nghiệp đưa về phục vụ người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa

Hàng Việt Nam được các doanh nghiệp đưa về phục vụ người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa

Là một trong những đơn vị thực hiện tốt CVĐ, thời gian qua, Sở Công thương đã triển khai nhiều giải pháp để bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, đưa hàng bình ổn giá về các vùng nông thôn, miền núi. Thông qua chương trình khuyến công, từ năm 2009 đến nay, Sở Công thương đã bố trí 20,32 tỉ đồng hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề, mở rộng quy mô sản xuất; xây dựng đăng kí nhãn mác sản phẩm, xây dựng thương hiệu, quảng bá và tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa… Hằng năm, sở chỉ đạo Phòng Xuất nhập khẩu và Hội nhập kinh tế, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị, doanh nghiệp liên quan tổ chức và tham gia hội chợ triển lãm cấp tỉnh, cấp vùng, tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn…Phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá địa điểm tổ chức điểm bán hàng Việt Nam cố định; rà soát các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã và danh mục sản phẩm, hàng hóa địa phương để kết nối đưa vào hệ thống siêu thị và cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020, Sở Công thương còn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất 3 điểm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại các di tích, danh thắng, du lịch trên địa bàn tỉnh gồm: Khu di tích Thành Cổ Quảng Trị, Trung tâm thương mại Lao Bảo và Khu dịch vụ du lịch Cửa Việt.

Thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo và triển khai các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sạch, công nghệ cao. Triển khai thực hiện được nhiều mô hình sản xuất mới, có hiệu quả cao góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, sở đã tăng cường xúc tiến, tiếp xúc với nhiều đối tác doanh nghiệp lớn nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác. Trong đó đã kết nối với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân như: Kết nối với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao để sản xuất và tiêu thụ dứa; Công ty cổ phần nông sản hữu cơ để sản xuất và tiêu thị lúa hữu cơ; Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị để sản xuất và tiêu thụ ngô, sắn… Riêng trong 2 năm 2017-2018, sở đã liên kết với Công ty TNHH Đại Nam sản xuất được gần 400 ha lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng công nghệ ObiOng biển mang lại hiệu quả trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường; hợp tác với Tập đoàn Sumitomo (Nhật bản) thực hiện mô hình xây dựng 2 nhà màng với quy mô 500 m2 , thực hiện 2 vụ sản xuất dưa lưới theo công nghệ Nhật Bản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hưởng ứng CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Hội LHPN tỉnh đã vận động trên 67.250 lượt hội viên tận dụng đất đai, tích cực chăn nuôi, trồng trọt, tự tạo ra sản phẩm sạch phục vụ gia đình và cung ứng ra thị trường. Các cấp hội tổ chức 9 đợt trưng bày, giới thiệu sản phẩm do hội viên, phụ nữ sản xuất; quan tâm, hỗ trợ 21 doanh nghiệp nữ trong sản xuất, kinh doanh… Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi thông qua hoạt động phối hợp với Sở Công thương, UBND huyện Đakrông tổ chức gian hàng “Tết đến vùng cao” trong chương trình “Xuân đoàn kết - Tết biên cương”; xây dựng 3 gian hàng “Trưng bày, kết nối, giới thiệu sản phẩm các mô hình của phụ nữ” tại Hội LHPN tỉnh…

Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thu hút sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhờ vậy, các sản phẩm, hàng hóa hiện nay đã được cải thiện đáng kể về giá cả, mẫu mã, chất lượng trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhận thức của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tâm lí sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đã có sự thay đổi; niềm tin, thói quen, hành vi tiêu dùng hàng Việt Nam chuyển biến theo hướng tích cực. Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt hơn, đây là cơ hội để người tiêu dùng nông thôn tham quan, mua sắm, tiếp cận với các sản phẩm có chất lượng do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Từ đó người tiêu dùng nông thôn có dịp so sánh chất lượng hàng nội với hàng ngoại cùng chủng loại để từng bước thay đổi tư duy sính hàng ngoại, hình thành thói quen tiêu dùng hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất.

CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực sự tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội. Hàng Việt Nam chiếm ưu thế trên thị trường đã góp phần quan trọng vào quá trình tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Hải Ngọc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=140224