Hãng xe công nghệ 'be' trang bị kỹ năng sơ cấp cứu cho tài xế
Hàng ngày trên từng nẻo đường, các tài xế phải đối mặt với không ít hiểm nguy. Do đó, hãng xe công nghệ 'be' xem việc tăng cường kỹ năng cho các bác tài là điều rất cần thiết.
Chiều 8/10, hãng xe công nghệ “be” tổ chức hội thảo “Sơ cứu tai nạn giao thông, xử lý và phòng tránh các bệnh nghề nghiệp” dành riêng cho tài xế. Tại đây, gần 100 tài xế có cơ hội tìm hiểu về cách sơ cứu đúng cách và hạn chế những rủi ro về tính mạng khi gặp tai nạn giao thông.
Tham gia chương trình có sự góp mặt của ông Tony Coffey, chuyên gia đào tạo chăm sóc khẩn cấp và cứu hộ thuộc Hiệp hội Cứu hộ Australia với hơn 20 năm kinh nghiệm.
Theo ông Tony, xưa nay nhiều người thường nhầm lẫn việc sơ cấp cứu chỉ bác sĩ hoặc người có chuyên môn mới làm được. Thực chất, nếu được trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản, một người bình thường hoàn toàn có thể thực hiện tốt công đoạn sơ cấp cứu, giúp nạn nhân vượt qua cơn nguy hiểm trước khi được chuyển vào bệnh viện.
Tại hội thảo, ông Tony đã hướng dẫn các bước sơ cứu nạn nhân trong các tình huống tai nạn như cách cầm máu trong trường hợp gãy chân, gãy tay; cách xử lý hóc dị vật, thức ăn vào đường thở; cách xử lý bệnh nhân đuối nước và một số kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy, đám đông hỗn loạn.
Theo chuyên gia, mỗi tài xế nên trang bị một hộp dụng cụ y tế để khi xảy ra tai nạn có thể nhanh chóng sơ cứu, bảo vệ bản thân cũng như người bị nạn.
Từng tham gia hội thảo về chủ đề này cách đây không lâu, chị Nguyễn Thị Hằng - tài xế beBike quyết định tham gia hội thảo lần thứ hai. Chị muốn thêm một lần nghe để ghi nhớ thật kỹ, từ đó thao tác thực hiện của bản thân sẽ thuần thục hơn. Chị Hằng cho biết sau buổi học hôm trước, chị đã có thể áp dụng bài học vào thực tế và cứu một nạn nhân thoát khỏi cơn nguy kịch.
Chị chia sẻ, cách đây khoảng một tuần, sau khi trả khách và chạy về nhà, chị thấy đám đông vây quanh một người phụ nữ trong tình trạng co giật và cắn lưỡi. Một trong số những người có mặt tại đó lấy nón bảo hiểm kê cho nạn nhân. Ngay lập tức, theo phản xạ, chị Hằng gạt nón bảo hiểm ra, đặt nạn nhân nằm nghiêng và dùng chìa khóa xe cậy nhẹ răng, ngăn việc cắn lưỡi.
Một vài người xung quanh thấy vậy cũng nhanh chóng phụ giúp. Sau một thời gian ngắn, nạn nhân từ từ tỉnh lại. “Điều mình không ngờ là bản thân có thể áp dụng ngay những kiến thức vừa học vào thực tế. Giúp được một người như thế mình vui và tự hào lắm, lắm khi hạnh phúc hơn cả nhận được một cuốc xe nữa”, nữ tài xế không giấu được sự vui mừng kể lại với đồng nghiệp.
Anh Vương Tường Phong - tài xế BeBike chia sẻ: “Trước khi tham gia hội thảo tôi thường sơ cứu theo các phương pháp dân gian truyền miệng, hoàn toàn không biết tới những phương pháp mà chuyên gia vừa chia sẻ. Ví dụ như thấy máu chảy thì cứ lấy cồn xối lên thôi. Cái nghề của mình chạy xe ngoài đường, tiếp xúc với nhiều người, lắm khi cũng chứng kiến vài vụ tai nạn, có khi đó chính là khách của mình luôn” .
Tham dự buổi hội thảo này, anh học được nhiều điều. Sau này nếu gặp điều không hay, anh có thể giúp đỡ người khác và chủ động hơn trong các tình huống thay vì bị động, lóng ngóng.
Với mong muốn tài xế công nghệ là một nghề được công nhận, “be” không ngừng nỗ lực tập huấn, nâng cao kiến thức cho các bác tài. Thời gian tới, ứng dụng gọi xe này còn tổ chức các khóa học Anh văn giao tiếp; quản trị cảm xúc; lớp võ tự vệ hay các khóa học nâng cao chất lượng tài xế, từ đó phục vụ khách hàng tốt hơn. Đặc biệt là khóa huấn luyện “Tài xế công nghệ chuyên nghiệp” trong khuôn khổ cuộc thi “Tay lái vàng” với sự phối hợp của Bộ LĐTB&XH.