Hãng xe công nghệ vô trách nhiệm với tài xế, hành khách như thế nào
Tương tự vụ tài xế GrabBike tại Việt Nam bị sát hại, lái xe của Uber và Lyft ở Mỹ từng thiệt mạng khi làm việc. Các hãng xe bị chỉ trích vô trách nhiệm với cả hành khách và tài xế.
Chiều 29/9, thượng tá Lê Đức Hùng, Trưởng công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), cho biết cơ quan công an đã phát thông báo truy tìm 2 nghi can liên quan vụ sát hại tài xế Grab 18 tuổi. Vụ án này gợi nhớ tới hàng loạt vụ giết người và tấn công từng xảy ra với tài xế của các ứng dụng gọi xe Uber hay Lyft tại Mỹ.
Theo Business Insider, hồi tháng 3 một tài xế Uber bị đâm chết ở thành phố New York. Thi thể nạn nhân Ganiou Gandonou, 27 tuổi, được tìm thấy với nhiều vết đâm trên cổ trong chiếc Toyota Camry ở khu Bronx. Đến nay cảnh sát vẫn chưa tìm ra thủ phạm dù treo thưởng 2.500 USD cho bất kỳ ai cung cấp thông tin về vụ án.
Trước đó, hồi tháng 1, nữ tài xế Kristina Howato, 39 tuổi, làm việc cho Lyft, bị một hành khách giết hại ở Tempe, Arizona. Theo Gizmodo, cảnh sát xác định nghi can 20 tuổi Fabian Durazo đã dùng một con dao làm bếp đâm Howato trong xe.
Điều đáng nói là khi đó, Howato đang có bầu. Cô cố thoát ra khỏi xe, chạy đến một tòa chung cư gần đó và kêu cứu. Dù được người dân ở đó cấp cứu, Howato và đứa con trong bụng không qua khỏi vì bị thương quá nặng. Cô bỏ lại hai con nhỏ khác mới 2 và 4 tuổi.
Uber, Lyft không bảo vệ cả hành khách lẫn tài xế
Hồi tháng 7, một tài xế Lyft 71 tuổi bị bắn chết ở Phoenix đúng ngày kỷ niệm 52 năm hôn lễ. Đến tháng 8, cảnh sát hạt Prince George bắt giữ một người đàn ông vì tội bắn chết một tài xế Uber và một hành khách ở Oxon Hill. Hung thủ 42 tuổi phê ma túy khi ra tay sát hại 2 nạn nhân.
Sau khi các vụ giết người xảy ra, Uber hay Lyft đều chỉ phản ứng chung chung là “sẽ hợp tác với cơ quan chức năng để hỗ trợ điều tra” và “sẽ hỗ trợ gia đình nạn nhân”.
Hồi tháng 7, báo Guardian tổ chức cuộc điều tra công việc của hàng loạt nữ tài xế Uber và Lyft ở nhiều thành phố Mỹ. Nhiều nữ tài xế cho biết họ bị khách quấy rối, thậm chí xâm hại tình dục. Trong phần lớn trường hợp, Uber và Lyft hầu như không có bất kỳ hỗ trợ gì.
“Các công ty này sẽ chịu trách nhiệm như thế nào? Họ không bảo vệ hành khách và cũng không bảo vệ các tài xế”, Guardian dẫn lời nữ tài xế Nicole Mooore ở Los Angeles, thành viên tổ chức Rideshare Drivers United-LA, khẳng định.
Uber hay Lyft có thực hiện việc kiểm tra các tài xế, nhưng không có quy trình nào để kiểm tra hành khách. Các ứng dụng này đều không xác định hành khách có cung cấp tên thật hay không, và hành khách có thể trả tiền bằng thẻ debit. Phóng viên Business Insider dễ dàng dùng tên giả để đăng ký và sử dụng dịch vụ của Uber và Lyft.
Ngay cả việc kiểm tra tài xế của Uber và Lyft cũng không ngăn được nguy cơ tội phạm. Từng có nhiều trường hợp tài xế hai hãng gọi xe này tấn công hành khác, giết người hàng loạt.
Theo Guardian, hồi tháng 1 tài xế Uber Jason Dalton nhận tội sát hại 6 người khi bắt khách ở Kalamazoo, Michigan trong năm 2016. Tháng 4/2018, CNN điều tra và phát hiện ít nhất 120 tài xế Uber và Lyft bị cáo buộc cưỡng hiếp hoặc tấn công hành khách trong vòng 4 năm qua.
Trong khi đó, Lyft bị kiện ở San Francisco vì 14 vụ tài xế hãng xe này cưỡng hiếp hành khách. Các nạn nhân cho rằng Lyft phản ứng vô trách nhiệm với các vụ tấn công và không kiểm tra tài xế đầy đủ. Thậm chí hãng này còn cho phép các tài xế bị buộc tội tấn công tình dục tiếp tục làm việc.
Xâm phạm quyền lợi của người lao động
Bên cạnh tình trạng tội phạm, Uber và Lyft cũng gây bức xúc lớn vì cách đối xử với người lao động - các tài xế. Theo khảo sát của Ridester, tài xế Uber và Lyft thu về khoảng 14,73 USD/giờ. Nhưng Uber và Lyft không coi tài xế là nhân viên mà chỉ là lao động thời vụ, nên bản thân họ phải thanh toán các chi phí như xăng, bảo hiểm, vệ sinh…
Ridester ước tính chi phí này khiến các tài xế mất 5 USD/giờ. Như vậy, thu nhập của họ chỉ còn lại khoảng 9,73 USD/giờ, thấp hơn cả nhân viên nhà hàng thức ăn nhanh McDonald’s. Tài xế Uber và Lyft còn phàn nàn rằng công ty cắt giảm tiền lương của họ khi chuẩn bị IPO.
Giới tài xế Uber và Lyft đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình đòi quyền lợi. Hàng loạt cuộc đình công và biểu tình nổ ra ở Los Angeles, New York, San Francisco, San Diego, Philadelpia… hồi tháng 5, khiến giao thông các thành phố này tê liệt. Ngày 17/9, hàng nghìn tài xế Uber cũng biểu tình ở New York.
Nhận thấy những bất cập trong mô hình hoạt động của Uber và Lyft, chính quyền bang California đã hành động mạnh mẽ. Theo Business Insider, giữa tháng 9 các nghị sĩ California thông qua luật buộc Uber, Lyft và các công ty thuộc “nền kinh tế gig” (gig là công việc tạm thời, ngắn hạn) phải ký hợp đồng với người lao động, thay vì đối xử với họ như những nhân viên tạm bợ.
Thống đốc California Gavin Newsom ký thông qua luật vào ngày 18/9. Ông Newsom chỉ trích các công ty công nghệ và doanh nghiệp “kinh tế gig” xâm phạm những quyền lợi cơ bản của người lao động như mức lương tối thiểu, chế độ nghỉ phép và nghỉ bệnh, bảo hiểm y tế…
Luật của bang California có thể ảnh hưởng tới 1 triệu người lao động trong khu vực. Uber, Lyft và DoorDash đều tuyên bố sẽ đâm đơn kiện chống lại luật này.