Hãng xe Trung Quốc phóng 9 vệ tinh để định vị cho xe tự lái
Ngày 1/6, hãng xe Geely Chiết Giang của Trung Quốc thực hiện vụ phóng vệ tinh đầu tiên, đưa 9 vệ tinh lên quỹ đạo thấp của Trái đất để xây dựng mạng lưới nhằm cung cấp dịch vụ dẫn đường chính xác hơn cho xe tự lái.
Các vệ tinh GeeSAT-1 do hãng tự thiết kế và chế tạo được phóng lên từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên. Geely cho biết mục tiêu của họ là đưa thêm 63 vệ tinh nữa lên quỹ đạo vào năm 2025 để cuối cùng sẽ tạo nên chòm vệ tinh gồm 240 chiếc.
Với vụ phóng lần này, Geely trở thành hãng xe hơi lớn thứ hai đưa vệ tinh vào không gian. Hãng SpaceX của tỷ phú Elon Musk có hơn 2.000 vệ tinh trong mạng Starlink để cung cấp dịch vụ internet thương mại. Starlink có kế hoạch xây dựng mạng gồm 4.408 vệ tinh.
SpaceX dùng tên lửa của chính họ để đưa vệ tinh lên, còn Geely dùng tên lửa Trường Chinh 2C của nhà nước để phóng 9 vệ tinh.
Geely nói rằng mạng vệ tinh không chỉ hỗ trợ định vị chính xác cao cho xe tự lái mà sẽ phục vụ nhiều mục đích thương mại khác, như dịch vụ thông tin liên lạc cho đại hội thể thao châu Á vào tháng 9 tới.
Công ty khẳng định vệ tinh của họ hoạt động trong 5 năm, sau đó rời khỏi khí quyển của Trái đất mà không để lại rác vũ trụ.
Mạng vệ tinh của Trung Quốc chủ yếu do quân đội kiểm soát, nhưng chính phủ nước này bắt đầu cho phép tư nhân đầu tư vào ngành công nghiệp vũ trụ từ năm 2014. Từ đó, các công ty thương mại, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đua nhau gia nhập ngành này. Một số công ty tập trung chế tạo vệ tinh, trong khi những công ty khác nỗ lực chế tạo phương tiện phóng cỡ nhỏ dùng tên lửa có thể tái sử dụng.
Trong kế hoạch 5 năm mới nhất, Bắc Kinh đặt mục tiêu xây dựng mạng vệ tinh viễn thông, cảm biến từ xa và định vị tích hợp. Trung Quốc hiện có hơn 400 vệ tinh trên vũ trụ, trong đó có một số vệ tinh thuộc sở hữu thương mại, báo chí trong nước cho biết.