Hành chính công ở TP.HCM vượt khó, chuyển mình vì dân

Các Trung tâm phục vụ hành chính công tại các xã, phường của TP.HCM (mới) đã nỗ lực vượt qua khó khăn để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân. Đây là bước chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm xây dựng nền hành chính hiện đại, lấy người dân làm trung tâm của 'siêu đô thị' mới.

Đưa Robot phục vụ người dân

Những ngày qua, tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Thủ Đức, TP.HCM, đông đảo người dân đến làm thủ tục. Tại đây, người dân được gần 10 bạn đoàn viên thanh niên túc trực, hướng dẫn tận tình ngay tại cửa trung tâm.

Với diện tích rộng 500m², trung tâm có 10 quầy tiếp nhận hồ sơ với đầy đủ máy tính, máy in, máy tính bảng và máy quét mã vạch CCCD. Những thiết bị này giúp việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ hành chính diễn ra nhanh chóng, chính xác và thuận tiện hơn cho cả người dân lẫn cán bộ.

Robot phục vụ người dân tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Thủ Đức (ảnh Hà Khánh)

Robot phục vụ người dân tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Thủ Đức (ảnh Hà Khánh)

Một điểm nhấn thu hút sự chú ý ở Trung tâm phục vụ hành chính công phường Thủ Đức là robot tự động làm nhiệm vụ tiếp cận, mời kẹo, mời nước cho người dân trong lúc chờ đợi.

"Em thấy robot thông minh, dễ thương. Mình tới chờ đợi mà có nó cũng vui. Nay em tới công chứng giấy tờ xin việc. Ở đây các anh chị tận tình chỉ dẫn", chị Thanh Tuyền, một người dân chia sẻ.

Từ ngày 1/7 đến nay, Trung tâm phục vụ hành chính công phường Thủ Đức đã giải quyết được hơn 2.600 thủ tục cho người dân. Đối với những trường hợp chưa đủ điều kiện hoặc thiếu giấy tờ, cán bộ tại đây cũng hướng dẫn cụ thể để người dân chuẩn bị thêm.

Đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân đến Trung tâm phục vụ hành chính công làm thủ tục (ảnh Hà Khánh)

Đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân đến Trung tâm phục vụ hành chính công làm thủ tục (ảnh Hà Khánh)

Bên cạnh những điểm tích cực, vẫn còn những thách thức ban đầu mà người dân và cán bộ phải đối mặt.

"Trước đây sao y ở các phường chừng 15 - 20 phút thôi. Còn về đây sao y nãy giờ là gần một tiếng đồng hồ rồi. Chắc là mới sáp nhập cho nên các khâu chưa được đồng bộ lắm. Đổi mới có nhiều cái mới, tích cực. Thôi thì ban đầu còn bỡ ngỡ, hy vọng rằng từ từ sẽ tiến bộ thêm", bà Nguyễn Thị Kim Nhung, người dân phường Hiệp Bình nhận định.

Những "điểm nghẽn" cần tháo gỡ

Mặc dù có những nỗ lực, đổi mới trong quá trình hoạt động, nhiều Trung tâm phục vụ hành chính công vẫn gặp không ít khó khăn.

Tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Bình Quới (hợp nhất từ phường 27 và 28 của quận Bình Thạnh cũ), đến ngày 8/7 đã có hơn 5.500 lượt người dân đến làm thủ tục.

Ông Huỳnh Hữu Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công phường Bình Quới thẳng thắn chỉ ra: "Khó khăn chung hiện nay vẫn là đường truyền nhiều khi chưa ổn định, các phần mềm chưa đồng bộ nên không trích lục khai thác được, ví dụ như các thủ tục về hộ tịch, đăng ký hộ kinh doanh… dẫn đến Trung tâm phải hẹn người dân giải quyết sau".

Lãnh đạo xã Thuận An gặp gỡ người dân để nắm bắt những khó khăn, tìm giải pháp tháo gỡ khi thực hiện thủ tục hành chính (ảnh Thiên Lý)

Lãnh đạo xã Thuận An gặp gỡ người dân để nắm bắt những khó khăn, tìm giải pháp tháo gỡ khi thực hiện thủ tục hành chính (ảnh Thiên Lý)

Còn các xã, phường khác ở khu vực Bình Dương cũ đang gặp phải những khó khăn đáng kể về trang thiết bị, máy móc. Nhiều nơi phải thuê thêm máy photocopy, máy scan để phục vụ người dân.

Việc thiếu hụt và chưa đồng bộ về thiết bị gây trở ngại lớn cho quá trình thực hiện các thủ tục hành chính "phi địa giới hành chính", làm chậm trễ việc giải quyết hồ sơ cho người dân.

Ngoài ra, việc đa số cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công chưa được cấp tài khoản phân quyền và chữ ký số cũng là một "điểm nghẽn" lớn. Điều này khiến cán bộ không thể trực tiếp tiếp nhận và xử lý hồ sơ theo yêu cầu.

Điển hình là xã vùng xa Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương cũ). Sau sáp nhập, xã có diện tích 182 km² và dân số 36.056 người, đứng thứ 3 về diện tích trong số các đơn vị hành chính của TPHCM.

Chính quyền địa phương đã và đang tạo mọi điều kiện tốt nhất để phục vụ người dân, kiên quyết làm ngay những thủ tục có thể giải quyết nhanh chóng, không hẹn ngày. Để nâng cao chất lượng phục vụ, địa phương chủ động trang bị thêm dù che mưa, xây dựng mái che nhà để xe, xây lối đi dành riêng cho người khuyết tật.

Lãnh đạo xã Dầu Tiếng đi kiểm tra cơ sở vật chất tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công (ảnh Thiên Lý)

Lãnh đạo xã Dầu Tiếng đi kiểm tra cơ sở vật chất tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công (ảnh Thiên Lý)

Ông Nguyễn Đình Khánh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Dầu Tiếng, chia sẻ: Cán bộ địa phương đang vừa học vừa làm trên tinh thần phải hiệu quả và thực chất.

Để Trung tâm hành chính công xã Dầu Tiếng đi vào hoạt động và đạt được yêu cầu như kế hoạch đã đặt ra, địa phương cần được bổ sung trang thiết bị cần thiết; sớm cấp chữ ký số và tài khoản phân quyền cho các cán bộ:

"Trung tâm Hành chính công xã Dầu Tiếng được tỉnh Bình Dương (cũ) giao 15 biên chế. Đa số nhân sự mới chưa được cấp tài khoản phân quyền và chữ ký số nên không thể tiếp nhận xử lý hồ sơ theo yêu cầu. Chúng tôi đề nghị thành phố sớm cấp chữ ký số và tài khoản phân quyền để trung tâm sớm đi vào hoạt động hiệu quả, hiệu lực, đáp ứng yêu cầu của nhân dân và doanh nghiệp", ông Nguyễn Đình Khánh nói.

Thay đổi tư duy từ "kiểm soát" sang "phục vụ"

Tại địa phương duy nhất của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cũ không thực hiện sáp nhập khi triển khai mô hình chính quyền hai cấp là xã Long Sơn.

Sau 1 tuần vận hành, Trung tâm phục vụ hành chính công đã hoạt động thông suốt.

Ghế chờ và nơi tiếp nhận hồ sơ của dân được bố trí phù hợp tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Long Sơn (ảnh Lưu Sơn)

Ghế chờ và nơi tiếp nhận hồ sơ của dân được bố trí phù hợp tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Long Sơn (ảnh Lưu Sơn)

Ông Nguyễn Trọng Thụy, Chủ tịch UBND xã Long Sơn, cho biết, để thực hiện số lượng thủ tục lớn từ cấp huyện, cấp tỉnh chuyển về xã, cán bộ cũng tăng lên 77 người. Do vậy, xã đã cải tạo, nâng cấp phòng làm việc; ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền internet cho Trung tâm phục vụ hành chính công để phục vụ người dân.

Ông Thụy cho biết thêm, việc không sáp nhập là một thuận lợi, tuy nhiên các nội dung công việc sẽ có sự thay đổi lớn đòi hỏi cán bộ, công chức phải thay đổi tư duy làm việc.

"Hầu hết các công việc trước đây của xã Long Sơn thì TP. Vũng Tàu (cũ) thực hiện, tuy nhiên, hiện nay phải chuyển cho chính quyền xã thực hiện. Đồng thời, mô hình cung ứng các dịch vụ cho người dân thì cũng phần lớn chuyển sang trực tuyến, do vậy đòi hỏi cán bộ, công chức phải thay đổi về tư duy, rèn luyện kỹ năng, đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng được nhu cầu của người dân trong tình hình mới", ông Nguyễn Trọng Thụy cho biết.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được (ảnh Hà Khánh)

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được (ảnh Hà Khánh)

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế- xã hội TP.HCM mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được nhìn nhận, hiện nay cấp xã, phường còn lúng túng trong thực hiện các thủ tục thuộc chức năng theo công bố. Do đó, sở, ngành phải tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, bởi đây là những việc "cấp xã chưa từng làm".

Ông Nguyễn Văn Được cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện đề án Trung tâm phục vụ hành chính công hai cấp, hướng tới mục tiêu 100% thủ tục hành chính được thực hiện “phi địa giới” vào cuối năm 2025.

Ngoài Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã, Trung tâm phục vụ hành chính công cấp thành phố sẽ có một trụ sở chính và 38 chi nhánh tại các quận, huyện trước đây của TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ để đáp ứng tất cả yêu cầu của người dân.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, cần phải chuyển từ mô hình "kiểm soát" sang "phục vụ", lấy hiệu quả làm thước đo.

"Chúng ta cần phải thống nhất là không còn kiểu “quan với dân” nữa mà chúng ta phục vụ là chính. Cái này cần phải thống nhất về tư tưởng. Và từ tư tưởng phải triển khai ra hành động chứ đừng có nghĩ là “dân xin mình cho”. Không còn xin cho nữa đâu, người ta đặt hàng, người ta đề nghị mình làm", ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.

Sau hợp nhất, TP.HCM là một siêu đô thị với dân số hơn 14 triệu người và áp lực dồn lên đội ngũ cán bộ, công chức rất lớn.

Kết quả bước đầu của các Trung tâm phục vụ hành chính công tại TP.HCM đã khẳng định quyết tâm vượt qua khó khăn thách thức, là minh chứng rõ ràng cho sự chuyển đổi sâu sắc từ tư duy "quản lý" sang "phục vụ", từ "đúng quy trình" đến "hướng tới sự hài lòng" của người dân.

Thủ tục hành chính được tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa cấp thành phố và cấp phường, xã, đặc khu ở TP.HCM có 2.168 thủ tục.

Trong đó, 1.862 thủ tục hành chính cấp thành phố; 363 thủ tục hành chính cấp phường, xã, đặc khu và 9 thủ tục hành chính của cơ quan khác.

Hà Khánh - Thiên Lý - Lưu Sơn/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/hanh-chinh-cong-o-tphcm-vuot-kho-chuyen-minh-vi-dan-post1213568.vov