Nhiều sở, ngành Bình Dương cũ vẫn chưa chuyển về trụ sở mới tại TP.HCM

Ngày 9/7, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cùng đoàn công tác đã làm việc với 36 xã, phường thuộc khu vực tỉnh Bình Dương cũ.

Sắp xếp bộ máy và những vướng mắc ban đầu

Sau quá trình hợp nhất với TP.HCM, đa số các sở, ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh Bình Dương (cũ) đã có phương án sắp xếp, hợp nhất trong tổng thể bộ máy cơ quan chuyên môn, đơn vị thuộc UBND TP.HCM.
Tuy nhiên, một số đơn vị như Sở Ngoại vụ, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Trường Đại học Thủ Dầu Một vẫn đang chờ phương án sắp xếp từ cơ quan có thẩm quyền.

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Hiện có 8/14 sở, ngành đã chuyển cán bộ, công chức về TP.HCM làm việc, trong đó Sở Xây dựng là đơn vị duy nhất đã chuyển toàn bộ về trụ sở chính.

7 sở, ngành vẫn bố trí một bộ phận tại khu vực Bình Dương để tiếp nhận hồ sơ và phụ trách địa bàn, bao gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp, Văn phòng UBND, Sở Dân tộc và Tôn giáo, Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ.

6 sở, ngành còn lại vẫn chưa di chuyển, gồm: Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Thanh tra, Sở Ngoại vụ, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa và Thể thao.

Trong công tác sáp nhập đơn vị hành chính, khu vực Bình Dương cũ đã tinh gọn từ 91 xã, phường, thị trấn xuống còn 36 đơn vị; đồng thời dừng hoạt động 9 huyện, thành phố.

Từ ngày 1/7 đến 5/7, Trung tâm Phục vụ Hành chính công xã, phường mới, đã tiếp nhận 17.798 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương thuộc Bình Dương cũ đều cho biết, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn.

Ông Võ Trọng Tài, Chủ tịch UBND phường Đông Hòa, TP.HCM nêu những khó khăn ban đầu

Ông Võ Trọng Tài, Chủ tịch UBND phường Đông Hòa, TP.HCM nêu những khó khăn ban đầu

Cụ thể là, cơ sở vật chất còn chật hẹp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu bố trí phòng làm việc; máy móc trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn còn thiếu; hệ thống kết nối dữ liệu chưa đồng bộ, gây khó khăn cho việc giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Võ Trọng Tài, Chủ tịch UBND phường Đông Hòa, TP.HCM (trước đây thuộc TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) nêu vấn đề: “Cổng dịch vụ công quốc gia hiện chưa đồng bộ với dữ liệu địa phương, liên quan đến lĩnh vực hộ tịch nên việc tra cứu, xác nhận thông tin cũ để xác nhận hồ sơ cho người dân chưa đảm bảo. Đường truyền còn vướng trục liên thông đối với trung tâm chuyển đổi số có những lúc sever còn chậm nên dẫn đến thông tin người dân vào thao tác nộp có chậm”.

Sau khi nghe các khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo các sở, ngành TP.HCM đã giải đáp các thắc mắc, ghi nhận kiến nghị để xem xét giải quyết hoặc trình cơ quan có thẩm quyền. Từ đó, đảm bảo bộ máy thông suốt.

"3 rõ" và tinh thần "một nhà" vì sự phát triển chung

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh để TP.HCM phát triển, cán bộ cần xác định "3 rõ".
Rõ tầm nhìn mới, TP.HCM đến năm 2045 phấn đấu trở thành top 100 thành phố đáng sống nhất trên thế giới. Nhận thức rõ về sứ mệnh mới, TP.HCM sẽ là cực tăng trưởng của đất nước. Rõ về việc chung một mái nhà TP.HCM hiện đại hơn.

Ông Nguyễn Văn Được đề nghị, các bộ phải nắm vững "ba rõ" để cùng phát triển

Ông Nguyễn Văn Được đề nghị, các bộ phải nắm vững "ba rõ" để cùng phát triển

Cán bộ phải nhận thức "3 rõ" để từ đó xác định trách nhiệm, quyết tâm phấn đấu với sứ mệnh và tầm nhìn mới của Thành phố.

Ông Nguyễn Văn Được khẳng định, đây là một nhiệm vụ rất tự hào nhưng cũng nặng nề, đòi hỏi cán bộ phải dốc toàn tâm, toàn trí, toàn lực mới có thể hoàn thành. Dù địa bàn đã rộng hơn, chức năng nặng nề hơn và khoảng cách xa hơn, nhưng việc ứng dụng công nghệ số sẽ giúp kết nối gần hơn, quản trị và vận hành dễ dàng hơn.

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu cán bộ phải bỏ đi những khác biệt để coi nhau là "một nhà" và đưa TP phát triển.

"Về chung mái nhà, chúng ta không còn Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM, không còn gì ngăn cản chúng ta được nữa. Cho nên bỏ đi khác biệt địa lý trước đây, khác biệt văn hóa, khác biệt tư duy, suy nghĩ, chúng ta là một. Chúng ta hợp lực với nhau mới phát triển mạnh, tận dụng cơ hội, phát huy lợi thế của nhau để cùng nhau phát triển", ông Được nói.

Ông Nguyễn Văn Được cho biết, người dân sẽ làm thủ tục ở 168 xã, phường, do đó cán bộ phải nắm rõ quy trình để thực hiện. Các đơn vị phối hợp với địa phương đầu tư 38 trung tâm hành chính công một cách đồng bộ để giải quyết hồ sơ không phân biệt địa giới, phục vụ doanh nghiệp. Trong tháng 7, các đơn vị phải khảo sát, phối hợp xây dựng đề án thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Được kiểm tra, khảo sát tại TTPVHCC phường Phú An

Ông Nguyễn Văn Được kiểm tra, khảo sát tại TTPVHCC phường Phú An

Trước đó, đoàn công tác đã khảo sát tại Trung tâm phục vụ Hành chính công phường Phú An, TP.HCM (trước đây thuộc TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Thiên Lý/VOV - TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/nhieu-so-nganh-binh-duong-cu-van-chua-chuyen-ve-tru-so-moi-tai-tphcm-post1213573.vov