Hành động của người phụ nữ sau khi được giải cứu ở Everest gây phẫn nộ

Nhờ sự hợp sức của Xie và Fan cùng hướng dẫn viên người Nepal, Liu (người Trung Quốc) được cứu sống. Tuy nhiên, người phụ nữ sau đó từ chối trả tiền phí cho hướng dẫn viên.

 Khu vực Liu gặp nạn được biết đến là vùng chết, nơi nhiệt độ có thể hạ xuống mức -30 độ C hoặc thấp hơn.

Khu vực Liu gặp nạn được biết đến là vùng chết, nơi nhiệt độ có thể hạ xuống mức -30 độ C hoặc thấp hơn.

Ngày 18/5, người phụ nữ 50 tuổi họ Liu đến từ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, được một hướng dẫn viên người Nepal tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh gần đỉnh núi Everest. Khi đó, hướng dẫn viên này đang hỗ trợ khách hàng tên Fan Jiangtao, cũng quốc tịch Trung Quốc, leo núi.

Fan đã đồng ý dừng cuộc chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới để cùng hướng dẫn viên cứu Liu, theo South China Morning Post.

Hai người đàn ông chỉ di chuyển Liu được khoảng 200 m rồi đành dừng lại do điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Sau đó, Fan đi tìm sự giúp đỡ và gặp Xie Ruxiang - thành viên hiệp hội leo núi tỉnh Hồ Nam. Xie đồng ý tham gia giúp giải cứu và cũng từ bỏ hành trình leo lên đỉnh.

Xie cho biết hướng dẫn viên của anh, người leo núi khỏe nhất trong nhóm, ban đầu không sẵn lòng giúp đỡ nên anh đề nghị sẽ trả phần thưởng 10.000 USD và được người này chấp nhận.

Sau đó, những người đàn ông hợp sức, hướng dẫn viên của Xie cõng Liu trên lưng, Xie và Fan thay phiên nhau nâng cao chân cô để giúp cải thiện lưu lượng máu đến phần còn lại của cơ thể trong khi cả nhóm xuống trại trung tâm. Tại đây, Liu được điều trị trong vài ngày và hồi phục.

Sự cố xảy ra sau khi Liu đã chinh phục đỉnh núi thành công và đang trên đường đi xuống.

Sau sự việc, khi hướng dẫn viên của Xie hỏi về khoản phí giải cứu đã hứa, Liu từ chối chi trả toàn bộ số tiền.

 Nhóm người chật vật để cứu được Liu.

Nhóm người chật vật để cứu được Liu.

"Mỗi người chúng tôi trả 1.800 USD tiền tip cho hướng dẫn viên, và cô ấy nói sẽ trả 1.500 USD tiền tip. Đối với khoản phí giải cứu 10.000 USD, Liu nói chỉ trả 4.000 USD", Fan cho hay.

"Lời Liu nói khiến tôi tức giận. Tôi bảo: 'Vì thái độ đó của cô, tôi không muốn xu nào từ cô cả. Cô không cần phải đưa tôi bất kỳ khoản tiền nào".

Fan nói thêm: "Tôi đã dành ra 40 ngày để chuẩn bị cho việc leo lên đỉnh Everest và đã chi 400.000 nhân dân tệ (56.000 USD). Tôi cũng chẳng muốn từ bỏ mục tiêu của mình. Hơn nữa, tôi đã trả chi phí cứu nạn. Tôi không biết phải nói gì, tôi chỉ thắc mắc tại sao Liu không sẵn lòng trả tiền".

Fan và Xie cũng cảm thấy tồi tệ về sự cố. Đến nay, Liu thậm chí chưa nói lời cảm ơn với hai người.

"Cô ấy thật vô ơn. Chúng tôi không muốn dính dáng gì đến cô ấy nữa", Fan bày tỏ.

Câu chuyện cũng nhanh chóng thu hút sự chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc với hơn 300 triệu lượt xem chỉ trên Weibo. Nhiều người lên án hành động của Liu.

“Sau câu chuyện này, liệu những người leo núi trong tương lai sẽ cứu hay giúp đỡ những người khác trên đỉnh Everest không? Tôi nghĩ có lẽ là không. Người phụ nữ này đã dập tắt hy vọng sống của những nhà leo núi khác, những người gặp khó khăn khi leo Everest”, một người bình luận.

“Chúng ta nên đưa cô ấy trở lại sườn núi”, một người khác viết.

Một người hỏi: “Cô ấy có lương tâm không vậy? Mạng sống của cô ấy không đáng giá 10.000 USD sao?”.

Trước phản ứng dữ dội, Xie và Fan đã phải lên tiếng, yêu cầu mọi người không bạo lực mạng Liu.

“Cứu cô ấy là lựa chọn của chúng tôi, và bày tỏ lòng biết ơn là lựa chọn của cô ấy. Đây là hai điều riêng biệt. Chúng tôi không phải là cô ấy và không hiểu những gì cô ấy cảm thấy. Hãy thể hiện lòng khoan dung", Xie nói.

Fan đồng tình: “Chúng tôi đã cứu cô ấy, vì vậy chúng tôi hy vọng cô ấy có thể tiếp tục sống tốt. Chúng ta nên ngừng việc tấn công và sỉ nhục Liu trên mạng".

Hướng dẫn viên tộc Sherpa ở Nepal thường tính phí tiêu chuẩn từ 8.000 USD đến 10.000 USD để giúp những người leo núi chinh phục đỉnh Everest, bao gồm việc hướng dẫn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chuẩn bị thiết bị và phải mang theo nhiều dụng cụ.

Chính phủ Nepal đã cấp 478 giấy phép chinh phục đỉnh Everest trong mùa leo núi năm nay, kéo dài từ tháng 3 cho đến tháng 5.

Mai An

Ảnh: Weibo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hanh-dong-cua-nguoi-phu-nu-sau-khi-duoc-giai-cuu-o-everest-gay-phan-no-post1438270.html