Hành động đáng ngờ của quản lý karaoke thác loạn IDOL
Khi lên TP HCM tái khám, gia đình cô gái từng nhảy lầu để thoát thân khỏi quá karaoke IDOL có gặp người quản lý quán karaoke này tại bệnh viện
Ngày 21-6, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông T.K, cha của T.T.K (SN 2000, cô gái nhảy lầu ở quán karaoke IDOL, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết hiện K. đang có cử động chân một chút, cần thêm nhiều thời gian tập vật lý trị liệu thì mới mong có thể đứng được. Riêng việc đi vệ sinh, K. chưa tự chủ được, mẹ K. phải túc trực suốt ngày đêm để chăm sóc con.
Trước đó, ngày 17-6, K. được gia đình đưa đi tái khám tại Bệnh viện Quân y 175, kết quả cho thấy sức khỏe K. đang có tiến triển. Tuy nhiên, việc thăm khám, điều trị cần thêm nhiều thời gian và tiền bạc. "Nhìn con nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều trông vào người thân, chúng tôi xót lắm nhưng cũng không thể làm được gì. Giờ vừa phải lo chạy ăn từng bữa, vừa ráng chắt chiu từng đồng để có đủ tiền đưa con đi tái khám" - ông T.K thở dài.
Theo một lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang), hiện địa phương đang kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình K. vượt qua khó khăn về chi phí điều trị, cũng như nơi tập vật lý trị liệu cho K. "Đợt tái khám vừa qua, chúng tôi đã vận động nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình K. ít chi phí để lên TP HCM. Hiện chúng tôi đang liên lạc nơi tập vật lý trị liệu ở huyện để giúp K. phục hồi đôi chân. Việc điều trị cần một thời gian dài, nếu vận động được kinh phí sẽ đỡ cho gia đình K. và qua đó giúp K. nhanh hồi phục" - vị này thông tin.
Trong một diễn biến khác liên quan quán karaoke IDOL, ông T.K cho biết ngày 17-6, gia đình có gặp người quản lý quán karaoke IDOL tại bệnh viện, nơi K. tái khám.
"Hôm chúng tôi đưa K. đến bệnh viện, K. có nhắn tin cho T., người quản lý của quán karaoke IDOL và T. có đến gặp tôi. Anh ta yêu cầu tôi đến Công an TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) để nói chuyện, cũng như trao tiền hỗ trợ để giải quyết dứt điểm vụ việc. K. cản không cho tôi đi cùng T. nhưng tôi cứ liều, gọi taxi để đi cùng T. đến Công an TP Dĩ An. Thấy tôi gọi taxi, T. tỏ ra rất lạ, không cho tôi đi taxi riêng mà yêu cầu tôi phải lên xe 7 chỗ mà T. gọi tới. Thấy kỳ lạ nên tôi quyết định không đi cùng, còn T. thì nhất quyết yêu cầu tôi và gia đình phải lên xe 7 chỗ thì mới đồng ý đến Công an TP Dĩ An. Vì tôi không biết T. đưa gia đình tôi đi đâu và có thể làm gì gia đình tôi không nên sau khi khám xong, tôi đưa con về nhà" - ông T.K kể.
Nghe cha kể sự việc này, K. nói xen vào: "Em không cho cha em đi cùng họ. Em sợ lắm. Thà em chết chứ không để họ hại gia đình em" - K. cương quyết.
Cũng theo ông T.K, sau khi từ chối lên xe T. đến Công an TP Dĩ An, khoảng nửa giờ sau có điện thoại gọi đến xưng là Công an TP Dĩ An muốn mời K. đến làm việc.
"Tôi thấy lạ vì con tôi đang bị thương, nằm một chỗ, vậy sao họ chỉ mời riêng K. đến làm việc? Tôi cũng không biết người gọi đến có phải là công an hay không" - ông T.K nghi ngờ.
Từ ngày 13 đến 18-6, Báo Người Lao Động khởi đăng loạt bài "Vén màn dịch vụ quái đản núp bóng quán karaoke", trong đó có kể lại hoạt động thác loạn tại quán karaoke IDOL cũng như những nghi vấn về môi giới người vào làm ở các quán karaoke thác loạn ở Bình Dương, bao gồm cả quán karaoke IDOL.