Hành động để đón sóng đầu tư mới
Đã có 15 nhà đầu tư nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản để dịch chuyển sản xuất về Việt Nam.
Chính phủ các nước đã hành động, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã hành động và bây giờ, là thời điểm để Việt Nam hành động.
Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến. Trong ảnh: Sản xuất tại nhà máy NMS 100% vốn Nhật Bản tại Hà Nam. Ảnh: Đức Thanh
Doanh nghiệp Nhật dồn dập chọn Việt Nam
Không còn là kế hoạch nữa, vào cuối tuần trước, Nhật Bản đã chính thức công bố danh sách 87 công ty đầu tiên được nhận trợ cấp của Chính phủ để di dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, với tổng số tiền trợ cấp lên tới 70 tỷ yen, tương đương 653 triệu USD.
Trong số này, có 57 công ty trở về Nhật Bản, 30 công ty chuyển đến Đông Nam Á. Điều đáng nói là, phân nửa số công ty lựa chọn dịch chuyển sản xuất sang Đông Nam Á đã lựa chọn Việt Nam. Trong đó, có 6 doanh nghiệp lớn, 9 doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Và những cái tên lớn đã được nhắc đến là Hóa chất Shin-Etsu; Điện tử Meiko; Nikkiso; Hoya; Yokoo; Matsuoka. Còn các doanh nghiệp nhỏ, là Fujikin; Akiba Die Casting; Able Yamauchi; Showa; Techno Global…
Trong số những doanh nghiệp trên, không quá khó để nhận ra, Shin-Etsu, Meiko, Hoya… đều đã đầu tư khá lớn vào Việt Nam. Vào năm 2012, Shin-Etsu, tập đoàn công nghiệp hóa học lớn nhất của Nhật Bản, tuyên bố sẽ xây dựng đồng loạt và đưa vào hoạt động hai nhà máy phân loại, tái chế đất hiếm và sản xuất vật liệu silicon dùng trong sản xuất đèn LED tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỷ yen, tương đương 64 triệu USD.
Giữa năm 2015, Shin-Etsu đã nhận giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất nam châm đất hiếm tại KCN Đình Vũ (Hải Phòng), quy mô 100 triệu USD.
Shin-Etsu khi đó đã cho biết, sẽ xây dựng Việt Nam trở thành một “trọng điểm sản xuất” của Hãng trong thời gian tới. Và bây giờ, dù chưa biết Shin-Etsu sẽ dốc thêm bao nhiêu vốn vào Việt Nam, song rõ ràng, động thái dịch chuyển sản xuất của nhà đầu tư này đã một lần nữa khẳng định vị trí quan trọng của Việt Nam trong “bản đồ” sản xuất của tập đoàn này.
Tương tự như vậy, cả Hoya, cả Meiko đều đã có dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Sau khi đầu tư các nhà máy ở KCN Thạch Thất và Quang Minh (Hà Nội), Tràng Duệ (Hải Phòng), Meiko vào năm ngoái cũng đã tăng vốn đầu tư thêm 200 triệu USD để mở rộng nhà máy ở Hà Nội và đang tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến.
Không chỉ là những công ty này, thông tin được JETRO công bố mới đây, trên 63% doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh ở Việt Nam có nguyện vọng mở rộng đầu tư kinh doanh trong thời gian tới, cao nhất khu vực ASEAN.
Mối quan tâm của của doanh nghiệp Nhật Bản tới điểm đến Việt Nam lớn đến nỗi, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ngay sau khi biết thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khiến nhà đầu tư không thể thực hiện các chuyến viếng thăm trực tiếp, hơn 1.000 nhà đầu tư Nhật Bản đã đăng ký tham gia. Và tại hội nghị, đã được tổ chức hôm 9/7 vừa qua, đông đảo các nhà đầu tư đã một lần nữa khẳng định mối quan tâm của họ tới điểm đến Việt Nam.
Bắt đầu hành động để đón sóng đầu tư mới
Các Chính phủ đã hành động. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã có động thái rất rõ ràng về việc dịch chuyển đầu tư. Tuy vậy, câu hỏi được đặt ra là, Việt Nam phải có những phản ứng chính sách như thế nào để đón nhận được dòng vốn đang dịch chuyển này?
Thực tế, bằng sự nỗ lực của mình, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về đầu tư, kinh doanh. Chỉ trong kỳ họp Quốc hội mới đây, đã có 3 dự thảo luật được thông qua, là Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi và đặc biệt là Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP)
“Với khung khổ pháp lý của quốc gia ngày càng đồng bộ, các kênh kết nối giữa thị trường trong nước và nước ngoài ngày càng rộng mở, cộng với những tiềm năng, lợi thế và sự quyết tâm của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư thu hút đầu tư nước ngoài, chúng tôi tin tưởng rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung sẽ có nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh thành công hơn nữa tại Việt Nam”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đã nói như thế.
Tuy vậy, trên thực tế, vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc khiến Việt Nam không dễ vượt lên trước trong cuộc đua với Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia… để đón làn sóng đầu tư dịch chuyển. Cuộc tọa đàm, với những tiếng nói thẳng thắn của các nhà đầu tư Hàn Quốc, vào cuối tuần trước đã cho thấy điều này.
Tại cuộc tọa đàm này, các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn than phiền vì mất nhiều thời gian cho việc làm thủ tục giấy chứng nhận đầu tư, khiến suýt nữa làm mất cơ hội kinh doanh. Chưa kể, còn là những khó khăn do chính sách pháp luật hay thay đổi, do sự “làm khó” của các cán bộ thực thi pháp luật.
Mặc dù vậy, động thái gần đây cho thấy, Chính phủ đang rất nỗ lực trong việc đưa ra các phản ứng chính sách để có thể kịp thời đón đầu dòng vốn đầu tư dịch chuyển. Các địa phương cũng vậy.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đang tập trung giải quyết các điểm nghẽn về mặt bằng, thủ tục đầu tư, hạ tầng, nhân lực để thu hút đầu tư. “Chúng tôi đang cố gắng tạo được quỹ đất rộng lớn dọc tuyến đường ven biển để thu hút được các dự án trọng điểm”, ông Lê Trí Thanh nói.
Với những động thái tương tự, Bình Định cũng đang nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn chính khiến thời gian qua Bình Định chưa thu hút được đầu tư, là hạ tầng giao thông, là mặt bằng các khu công nghiệp. “Chúng tôi đang làm hết mình để sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới, để làm sao khi nhà đầu tư vào, thì mặt bằng có sẵn, hạ tầng có sẵn, nhân lực có sẵn”, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói.
Nhật Bản luôn là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm, Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 1,46 tỷ USD, đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, vốn đăng ký mới là 323,6 triệu USD; vốn đầu tư tăng thêm là gần 313 triệu USD; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần là 827,5 triệu USD.
Lũy kế, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam trên 60 tỷ USD, đứng thứ hai, sau Hàn Quốc, về đầu tư vào Việt Nam.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hanh-dong-de-don-song-dau-tu-moi-d126209.html