Hành động khó ngờ của Chiến Thắng khi bị khán giả đuổi xuống sân khấu
Danh hài Chiến Thắng khiến nhiều khán giả khâm phục với cách xử lý tình huống tinh tế khi bị một người yêu cầu xuống sân khấu.
Mới đây, khán giả bất ngờ bày tỏ sự thán phục trước cách hành xử của danh hài Chiến Thắng khi bị một người đuổi mình xuống sân khấu.
Cụ thể, một đoạn clip ngắn ghi lại cảnh trong hôn lễ của diễn viên hài Mạc Văn Khoa tại Hải Dương được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội.
Trong clip, nam diễn viên hài xuất hiện trên sân khấu để giao lưu với khán giả. Song, một vị khán giả lớn tuổi đã nói rất to: "Nói phét, xuống đi!".
Lúc này, Chiến Thắng nhanh chóng đáp lại với thái độ bình tĩnh: "Cháu đến đây vì tình cảm chứ không phải để biểu diễn hay vì chuyện tiền bạc đâu. Đây không phải là nói phét ạ, đây là nghệ thuật tấu hài. Cháu biết bác lớn tuổi, nhưng bác nói câu này làm cháu cũng phải giật mình".
Sau đó, Chiến Thắng vẫn tiếp tục gửi lời chúc phúc tới Mạc Văn Khoa và bà xã. Anh cũng không quên chúc sức khỏe tới toàn thể khán giả có mặt trong hôn lễ.
Cách ứng xử của Chiến Thắng khiến quan khách có mặt đều hết sức nể phục, họ vỗ tay tán thưởng nam diễn viên và còn đề nghị anh tiếp tục hát.
Chia sẻ về sự cố này, nam danh hài thừa nhận, đây không phải là lần đầu tiên anh phải đối diện với những vị khách có thái độ không hay. Đó là những lần anh đi diễn.
Những lần như vậy, anh chỉ cười nói: "Em nói phét mà các bác vẫn nghe, thế cũng là có tài rồi phải không ạ". Theo Chiến Thắng, chỉ cần một câu nói, một thái độ đúng mực, khéo léo một chút thôi là không khí sẽ lại vui vẻ.
"Là nghệ sĩ, lại đứng trên sân khấu nhiều năm, những tình huống như thế này không phải là quá khó xử. Quan trọng nhất là bản thân mình phải giữ được bình tĩnh để đối đáp làm sao cho vị khán giả đó không thể chê trách gì, còn những người xung quanh thì không bị gián đoạn cảm xúc", Chiến Thắng bộc bạch.
Nghệ sĩ hài Chiến Thắng sinh năm 1975, là gương mặt quen thuộc trên sóng truyền hình và các băng đĩa hài Tết ở miền Bắc. Anh từng góp mặt trong các tiểu phẩm đình đám như: "Nói xấu vợ", "Làng ế vợ", "Khôn ở phố, ngố ở quê"...