Hành động ngay để thoát điểm rơi cải cách
Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh (NLCT) quốc gia năm 2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, nhiệm vụ cải thiện MTKD, nâng cao NLCT quốc gia luôn là trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong những năm qua.
Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh (NLCT) quốc gia năm 2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, nhiệm vụ cải thiện MTKD, nâng cao NLCT quốc gia luôn là trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong những năm qua.
Bắt đầu từ năm 2014, việc xây dựng, triển khai thực hiện các Nghị quyết 02 (trước đó là Nghị quyết 19) về cải thiện MTKD, nâng cao NLCT quốc gia đã tạo nhiều chuyển biến tích cực và quan trọng, góp phần đắc lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Không chỉ tăng được 30 bậc xếp hạng về NLCT quốc gia, tín hiệu đáng mừng là sự lan tỏa của tinh thần cải cách từ hai Nghị quyết này đến các bộ, ngành rất mạnh mẽ. Ngay trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, nhiều bộ, ngành đã đề nghị đưa thêm vào những chỉ số mới để tạo sức ép cải cách cho chính ngành mình quản lý. Trên thực tế, nếu chỉ căn cứ vào những chỉ số đánh giá quốc tế, thứ hạng của Việt Nam có thể tăng, giảm tùy năm nhưng tác động của cải cách rất lớn. Ðiều này thể hiện qua thước đo cụ thể là những đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và hiệu quả, hiệu lực thực tế mà những cải cách đó mang lại.
Tuy nhiên tại thời điểm này, cải cách đang có dấu hiệu chững lại sau giai đoạn 5 năm liên tục nỗ lực duy trì. Biểu hiện là MTKD đã có chuyển biến đáng kể nhưng vẫn không như kỳ vọng, mới chỉ đạt mức trung bình trong ASEAN. Theo ghi nhận của Ngân hàng Thế giới (WB) trong Báo cáo Doing Business, năm 2018 Việt Nam có năm sáng kiến cải cách hành chính lớn nhưng sau đó giảm xuống chỉ còn ba và hai sáng kiến/năm. Nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2019 dường như là điểm rơi của cải cách MTKD và NLCT quốc gia sau khi đã đạt đỉnh. Ðáng lưu ý, đã có sự biến tướng trong cách thức, công cụ quản lý nhà nước khi mức độ cải cách đang chững lại. Theo phản ánh của các hiệp hội DN, các cuộc thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng tại DN bây giờ đã chuyển thành "hướng dẫn thực hiện" quy định, hay đơn giản chỉ là một cuộc "viếng thăm" để không vi phạm quy định của Chính phủ về việc thanh tra, kiểm tra DN không quá một lần/năm.
Việc tiếp tục ban hành Nghị quyết 02 trong năm tới là minh chứng thể hiện cam kết và quyết tâm cải cách của Chính phủ hướng tới mục tiêu lọt vào nhóm bốn nước đứng đầu ASEAN về MTKD. Dư địa cải cách vẫn còn, nhưng để tạo được kết quả đột phá, cần chạm đến chiều sâu cải cách là thay đổi được tư duy và cách thức quản lý. Thực tế cho thấy, chỉ cần thay đổi một chữ "không" thành "có" trong quy định quản lý chuyên ngành là DN mất ngay hàng trăm tỷ đồng để tuân thủ. Do đó, cơ quan nhà nước phải nhất quán chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, vì người dân, vì DN. Muốn trở thành quốc gia hùng cường, Việt Nam cần có lực lượng DN đông đảo và có NLCT cao.
Thông tin mới nhất từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, với tốc độ tăng trưởng DN hiện nay, mục tiêu một triệu DN hoạt động vào năm 2020 như Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4-6-2019 của Chính phủ có thể chỉ đạt 98,4%, tương ứng với 984.003 DN. Vì vậy, năm 2020 phải là năm tăng tốc về đích. MTKD có thuận lợi thì tăng trưởng DN mới mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Ðể đạt được mục tiêu này, phải hành động ngay nhằm thoát điểm rơi của cải cách, sao cho Nghị quyết 02 không chỉ đơn thuần là giúp nâng cao các chỉ số, xếp hạng liên quan đến MTKD, NLCT quốc gia mà phải trở thành động lực quan trọng để tiếp tục lan tỏa tinh thần cải cách mạnh mẽ, sâu rộng hơn trong toàn xã hội.