Hành động ngay từ năm đầu nhiệm kỳ để đạt các chỉ tiêu nghị quyết đại hội

Hướng đến Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, phóng viên Báo Sóc Trăng đã phỏng vấn đồng chí Lý Hoàng Minh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội VII nhiệm kỳ 2018 - 2023 cũng như kế hoạch hành động trong nhiệm kỳ tới.

Đồng chí Lý Hoàng Minh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: QUANG BÌNH

Đồng chí Lý Hoàng Minh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: QUANG BÌNH

Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam từ thực tế hoạt động công tác hội và phong trào nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng?

Đồng chí Lý Hoàng Minh: Trong nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng đã quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam đề ra. Trong nhiệm kỳ 5 năm, Hội Nông dân tỉnh rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, có tính thực tiễn cao. Theo đó, công tác tổ chức, cán bộ; công tác hội và phong trào nông dân tiếp tục được thực hiện theo định hướng chỉ đạo đổi mới của Đảng; cụ thể Chỉ thị số 16-CT/TW, ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về việc lãnh đạo Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028; Công văn số 847-CV/TU, ngày 7/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng về việc lãnh đạo đại hội hội nông dân các cấp nhiệm kỳ 2023 - 2028… Kết quả công tác hội và phong trào nông dân tỉnh Sóc Trăng đạt được trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 đã phản ánh đúng thực chất năng lực lãnh chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đối với các tổ chức hội trực thuộc; các phong trào, mô hình do hội phát động, đầu tư đã góp phần nâng cao cuộc sống của hội viên, nông dân; phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.

Song song đó, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng được đẩy mạnh, thực hiện sâu rộng, kịp thời theo định hướng tập trung của cấp ủy. Chủ động tham mưu cấp ủy xây dựng và phát triển tổ chức hội đủ khả năng lãnh đạo điều hành công tác hội, cán bộ hội được nâng cao trình độ đạt chuẩn chuyên môn, kịp thời kiện toàn khi được cấp ủy điều động; chất lượng hội viên được nâng lên phù hợp với trình độ sản xuất; tổ chức hội các cấp được đánh giá vững mạnh hằng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu. Hội nông dân tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của nông dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng giai cấp nông dân ngày càng văn minh, hiện đại.

Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của hội nông dân trong nhiệm kỳ được nâng lên một bước, thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Công tác thi đua, khen thưởng, gương điển hình tiên tiến trong nông dân có nhiều đổi mới, phát triển; các phong trào thi đua hằng năm đều được tổ chức hội phát động, lan tỏa sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường. Hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, đào tạo nghề, phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp tục được đẩy mạnh, nâng chất lượng hoạt động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, lao động nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân, xứng đáng với vai trò của hội là trung tâm, nòng cốt cho các phong trào nông dân…

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song công tác hội và phong trào nông dân Sóc Trăng cũng thẳng thắn nhìn nhận và rút ra một số hạn chế, yếu kém để có giải pháp khắc phục trong nhiệm kỳ 2023 - 2028. Cụ thể là công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên, nông dân ở một số nơi hiệu quả chưa cao, còn hình thức; việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII và Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam đến hội viên ở một số nơi chưa kịp thời, đầy đủ. Một số chỉ tiêu đề ra còn chung chung, khó định lượng, chưa sát với thực tế; trình độ, năng lực một số cán bộ hội các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; chất lượng hoạt động hội ở một số địa phương chưa cao, chưa sâu sát cơ sở; hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân ở một số nơi còn yếu, quy mô nhỏ. Công tác kiểm tra, giám sát ở một số nơi chưa thường xuyên…

Phóng viên: Trong thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo và hỗ trợ thành lập nhiều mô hình chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp gắn với đặc thù từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, qua đó đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế gì cho hội viên nông dân, thưa đồng chí?

Đồng chí Lý Hoàng Minh: Hội nông dân các cấp đã tập trung chủ động tham mưu với cấp ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 06-CTr/HNDT, ngày 23/12/2019 của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW; Nghị quyết số 05-NQ/HNDTW; Nghị quyết số 06-NQ/HNDTW, ngày 5/8/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh, trong đó chỉ đạo và hỗ trợ cơ sở hội thành lập và nhân rộng nhiều mô hình chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp gắn với đặc thù từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của từng địa phương. Mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị nông sản của nông dân. Tính đến nay, đã thành lập được 127 chi hội nông dân nghề nghiệp, với 2.671 hội viên; thành lập 689 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 6.399 hội viên tham gia. Các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp được quan tâm xem xét đầu tư vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, hiện có 50 chi, tổ hội nông dân được dự án Quỹ hỗ trợ nông dân đầu tư số tiền trên 30 tỷ đồng, giúp cho các chi, tổ hội mở rộng mô hình sản xuất kinh doanh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của hội viên nông dân, gắn bó với tổ chức hội.

Phóng viên: Với những kết quả nêu trên thì trong nhiệm kỳ tới, Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng sẽ tạo điều kiện thuận lợi như thế nào để tiếp tục phát huy hiệu quả, thành lập mới nhiều hơn nữa các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp?

Đồng chí Lý Hoàng Minh: Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh có lộ trình cụ thể hóa các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2023 - 2028 thành các chỉ tiêu công tác hội và phong trào nông dân hằng năm; đưa vào các nhiệm vụ trong giao ước thi đua của từng năm… đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể chỉ đạo các cấp hội trực thuộc; đồng thời thực hiện các chỉ tiêu cụ thể do Trung ương Hội giao hằng năm, có kế hoạch xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân Việt Nam toàn quốc lần thứ VIII…

Thực hiện đảm bảo theo tiêu chí “5 tự, 5 cùng” của Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW, ngày 5/8/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về “Đẩy mạnh xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp” phát huy thế mạnh ngành nghề lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của từng địa phương. Quan tâm hỗ trợ vốn, khoa học công nghệ cho các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp hoạt động hiệu quả; thường xuyên theo dõi, giám sát hiệu quả của các mô hình hoạt động, kịp thời có sơ, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm cho hoạt động, để kịp thời uốn nắn, sửa chữa những hạn chế, phát huy thế mạnh, ưu điểm để nhân rộng.

Phóng viên: Để tiếp tục phát huy vai trò của hội trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân nông thôn, Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng có kế hoạch hành động triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được nêu ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028 như thế nào?

Đồng chí Lý Hoàng Minh: Đại hội X Hội Nông dân tỉnh nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã tổ chức thành công tốt đẹp, Thường trực, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã sớm quán triệt cho cán bộ hội nông dân các cấp trong tỉnh sớm xây dựng chương trình hoạt động toàn khóa nhiệm kỳ 2023 - 2028; Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh xây dựng Kế hoạch tổ chức học tập, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028 kết hợp với học tập Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam cũng như tuyên truyền sự kiện chính trị của giai cấp nông dân Việt Nam, đại hội diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 25 đến ngày 27/12/2023. Quán triệt, học tập Nghị quyết Đại hội X Hội Nông dân tỉnh và Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam đến toàn thể cán bộ hội các cấp trong tỉnh (dự kiến tổ chức học tập nghị quyết bằng hình thức trực tuyến trung tuần tháng 1/2024); đồng thời chỉ đạo hội nông dân cấp huyện tổ chức triển khai học tập, quán triệt nghị quyết đại hội cấp mình đến 100% cán bộ, hội viên trong toàn tỉnh hiểu và tổ chức thực hiện, đưa nghị quyết vào cuộc sống của hội viên, nông dân trong toàn tỉnh; góp phần cùng cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2020 - 2025 thắng lợi, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

QUANG BÌNH - THANH THÉP (Thực hiện)

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/doan-the/hanh-dong-ngay-tu-nam-dau-nhiem-ky-de-dat-cac-chi-tieu-nghi-quyet-dai-hoi-69560.html