Hành động nguy hiểm của Trung Quốc ở đá Ba Đầu

Việc hơn 200 tàu cá Trung Quốc neo đậu tại đá Ba Đầu là hành động khiêu khích, đe dọa tới sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và làm gia tăng căng thẳng đáng kể trong khu vực.

Cộng đồng quốc tế đang lo ngại về sự hiện diện của hơn 200 tàu cá Trung Quốc neo đậu tại đá Ba Đầu từ hôm 7/3.

Đá Ba Đầu là rạn san hô có hình dạng chữ V, thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.

Trong họp báo ngày 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của UNCLOS 1982 về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và tuyên bố của các bên về cách ứng xử ở Biển Đông DOC, làm phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (COC).

Trung Quốc đang hành xử trắng trợn hơn

“Đây là hành động hết sức nguy hiểm và liều lĩnh của Trung Quốc, nhưng cũng không có gì bất ngờ, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang thể hiện thái độ phản đối ngày càng tăng đối với Bắc Kinh”, tiến sĩ Nicholas Chapman, chuyên gia nghiên cứu an ninh quốc tế và chính trị của các nước châu Á - Thái Bình Dương, nhận định với Zing.

 Đội tàu cá Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm trên Biển Đông ngày 7/3. Ảnh: Reuters.

Đội tàu cá Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm trên Biển Đông ngày 7/3. Ảnh: Reuters.

Theo nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế làm việc tại Nhật Bản này, Trung Quốc đang ngày càng bị cô lập hơn trên cấp độ quốc tế.

Ngày càng nhiều quốc gia tìm cách loại bỏ sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc và đa dạng hóa quan hệ thương mại. Trong khi đó, Bắc Kinh đối mặt với sự chỉ trích dữ dội về vấn đề Tân Cương.

“Có thể thấy rõ họ đang hành xử trắng trợn hơn. Hoạt động của nhóm tàu của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy một sự phô trương lực lượng, đe dọa tới sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và làm gia tăng căng thẳng đáng kể trong khu vực”, ông Chapman nhấn mạnh.

Dù hàng trăm “tàu cá” Trung Quốc đang neo đậu tại khu vực quanh đá Ba Đầu có rất nhiều sự tương đồng với lực lượng dân quân biển vũ trang (PAFMM) của nước này, giới chức Trung Quốc vẫn phủ nhận thông tin và trả lời vòng vo.

Cảnh sát biển Philippines cho biết hơn 200 tàu cá Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm gần đảo Sinh Tồn Đông từ ngày 7/3 và bật đèn suốt đêm mà không đánh bắt, dù thời tiết thuận lợi.

Phía Philippines cho rằng lực lượng này do dân quân biển Trung Quốc điều khiển và đã yêu cầu Trung Quốc rút đội tàu, nhưng Bắc Kinh từ chối với lý do các tàu đang neo đậu để tránh thời tiết xấu.

Nghi ngờ các ý đồ của Trung Quốc

Chia sẻ quan điểm với Zing, các chuyên gia phân tích quốc tế đều có nhận định động thái này của Trung Quốc mang ý đồ sâu xa hơn nhiều so với biện hộ của Bắc Kinh là “các tàu đang neo đậu để tránh thời tiết xấu”.

“Tôi không tin đây là những tàu cá đang trú tránh thời tiết xấu. Trung Quốc từ trước đã sử dụng dân quân biển để đòi hỏi các yêu sách chủ quyền và quấy rối ngư dân nước ngoài”, bà Bonnie Glaser, chuyên gia về châu Á, Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, D.C., nói với Zing.

 Ảnh vệ tinh do công ty Maxar Technologies (Mỹ) ghi nhận hôm 23/3 cho thấy khoảng 220 tàu Trung Quốc neo đậu gần đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

Ảnh vệ tinh do công ty Maxar Technologies (Mỹ) ghi nhận hôm 23/3 cho thấy khoảng 220 tàu Trung Quốc neo đậu gần đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

Trong bài viết đăng trên Foreign Policy ngày 29/3, các chuyên gia Andrew Erickson và Ryan Martinson của Đại học Hải chiến Mỹ chứng minh rằng những tuyên bố từ phía Trung Quốc đều không đúng sự thật. Dữ liệu cho thấy ít nhất 7 tàu thuộc lực lượng dân quân biển vũ trang (PAFMM) đang hoạt động trong cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa, bao gồm cả khu vực quanh đá Ba Đầu trong tháng qua và nhiều lần trong năm qua.

Cả vào tháng 2 và tháng 3, tàu PAFMM đều được phát hiện phát tín hiệu nhận diện tự động (AIS) ở khu vực đầm phá của đá Ba Đầu.

Dân quân biển là lực lượng bán quân sự trực thuộc chính quyền các tỉnh ven biển của Trung Quốc. Tuy nhiên, lực lượng được cho là xây dựng khá mập mờ để thực hiện những mưu đồ đen tối, thường xuất hiện dưới dạng tàu đánh cá nhưng lại không mấy khi để tâm tới việc đánh bắt.

Giới chuyên gia cho rằng những con tàu "thân xanh" này đang thực hiện chiến dịch "xâm chiếm vùng xám", tức nơi đang xảy ra tranh chấp trên biển.

Các chuyên gia cảnh báo mô hình dân quân biển đang diễn ra tại cụm Sinh Tồn cần được nhận diện và vạch trần bởi giới nghiên cứu lẫn chính phủ các nước, nhằm ngăn chặn những kiểu hành xử còn nguy hiểm hơn trong tương lai.

Một trong những kịch bản xấu có khả năng xảy ra là “tàu cá” Trung Quốc tiếp tục chiếm đóng lâu dài tại các thực thể trên Biển Đông, sau bước tiền đề là “lánh nạn” vì thời tiết xấu.

Trung Quốc hành động khiêu khích

“Tôi cho rằng đây thực sự là một phần trong chiến thuật ‘vùng xám’ của Trung Quốc. Trung Quốc đang ngang ngược phô trương - nhưng không theo cách công khai - thực tế rằng bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài vào năm 2016 (về vụ kiện của Philippines về Biển Đông), và các sứ mệnh FOP (tự do hàng hải) tiếp diễn của Mỹ, và sự lên án rộng rãi từ các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và cả các nước không liên quan, Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục hành động đơn phương vô lối ở vùng biển chiến lược này. Trung Quốc đang âm thầm, nhưng rất rõ ràng, tăng nhiệt ở Biển Đông vì những mục đích bất chính”, tiến sĩ Chapman chỉ rõ.

Cũng theo phân tích của vị chuyên gia này, mặc dù hành vi trên của Trung Quốc không hẳn mới, điều khiến ông ngạc nhiên là mức độ táo tợn của họ lần này.

Theo tiến sĩ Chapman, kết hợp động thái này với việc Bắc Kinh thông qua luật hải cảnh hồi tháng 1 cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển nước này bắn vào tàu nước ngoài, có thể thấy sự hiện diện của nhóm tàu Trung Quốc ở Biển Đông là "hành động có ý đồ sâu xa hơn nhiều".

“Hành động lần này của Trung Quốc rất táo bạo. Động thái này của họ là cực kỳ khiêu khích”, ông nhấn mạnh.

 Các chuyên gia quốc tế nhận định hành động lần này của Trung Quốc cực kỳ táo bạo. Ảnh: Maxar.

Các chuyên gia quốc tế nhận định hành động lần này của Trung Quốc cực kỳ táo bạo. Ảnh: Maxar.

Đồng quan điểm với tiến sĩ Chapman, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Dov Zakheim cũng cho rằng động thái ngang ngược của Trung Quốc nằm trong khuôn khổ chiến thuật “vùng xám” của nước này.

Cựu quan chức Lầu Năm Góc hiện là cố vấn cấp cao của CSIS này cho rằng Trung Quốc triển khai lượng lớn tàu cá đến bãi đá ngầm trên Biển Đông nằm trong chiến lược tổng thể của Bắc Kinh gần đây.

“Trung Quốc đang cố gắng chứng tỏ sự khiêu khích khi đối mặt với những sự đồng lòng phản đối ngày càng cao (với Bắc Kinh) của các nước phương Tây về vấn đề Biển Đông. Chẳng hạn, nhóm tác chiến HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ lần đầu tiên được triển khai tới Biển Đông trong năm nay”, ông Zakheim nói với Zing.

“Tuy nhiên, cách hành xử của Bắc Kinh đang khiến các nước phương Tây, Nhật Bản và các nước láng giềng ở Biển Đông càng quyết tâm hơn trong việc ủng hộ tự do hàng hải”.

Giới chuyên gia cũng chỉ rõ rằng động thái khiêu khích cấp độ mới này của Trung Quốc ở Biển Đông cần được đặt trong bối cảnh rộng hơn là mối quan hệ đi xuống của Bắc Kinh với Washington, trong khi các nước “Bộ Tứ” đoàn kết hơn trong mục tiêu đối phó với Trung Quốc.

"Cần lưu ý rằng quan hệ Mỹ - Trung đang trong tình trạng xấu. Cảnh tượng quan chức hai bên khẩu chiến vỗ mặt gần đây ở Anchorage, Alaska (Mỹ), đã chứng tỏ thực tế là ngay cả chính quyền mới của ông Biden cũng không thể đảo ngược quỹ đạo đi xuống của quan hệ Mỹ-Trung. Các hành động của Trung Quốc có thể là một hình thức thăm dò sự kiên nhẫn của Mỹ”, tiến sĩ Chapman nhận định với Zing.

Theo ông, yếu tố đáng chú ý khác là việc các quốc gia “Bộ Tứ” (Quad), bao gồm Nhật, Australia, Ấn Độ và Mỹ đang đồng lòng hành động để đối phó với Trung Quốc. Các đối tác khác trong khu vực như Anh, Canada và Pháp cũng đang ngày càng cứng rắn hơn trong lập trường với Trung Quốc ở Biển Đông.

“Trung Quốc đang cảm thấy bị cô lập hơn trên trường quốc tế. Việc Bắc Kinh gây gia tăng căng thẳng ở Biển Đông có thể vừa nhằm phản ứng với tình thế của họ vừa đòi hỏi các yêu sách phi pháp một cách âm thầm nhưng mang tính chiến thuật”, ông Chapman nói.

Đỗ Quyên - Ân Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hanh-dong-nguy-hiem-cua-trung-quoc-o-da-ba-dau-post1199410.html