Hành động nhỏ nhưng cứu sống hàng nghìn người bệnh
Thời gian qua, dù chưa thể hoàn toàn bù đắp lượng máu thiếu hụt, nhưng nhờ những trái tim tình nguyện hiến máu vì cộng đồng đã chia sẻ, lan tỏa yêu thương, góp phần giảm áp lực thiếu máu đáng kể.
Hiến máu là hành động nhỏ nhưng tạo nên những thay đổi lớn khi niềm hy vọng, sự sống được trao đi. Hàng nghìn người bệnh có cơ hội được cứu sống nhờ truyền máu kịp thời.
Cần khoảng 80.000 đơn vị máu trong dịp Tết Ất Tỵ
PGS.TS Trần Ngọc Quế - Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư cho biết, để chuẩn bị cho lượng máu dự trữ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sắp tới, Viện dự kiến cần khoảng 80.000 đơn vị máu trong tháng 12/2024 và tháng 1/2025. Trong đó, máu nhóm O cần khoảng 50% tổng lượng máu.
Nhờ sự quan tâm, vào cuộc của Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện các cấp, các đơn vị và việc tổ chức các sự kiện như: Chủ nhật Đỏ, Lễ hội Xuân hồng…, hiện tại Viện cũng như các Trung tâm Máu khác cơ bản có đủ kế hoạch tiếp nhận máu đến tháng 2/2025 đảm bảo nhu cầu.
Theo Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, nhu cầu máu thường ổn định, ngày nào giờ nào cũng cần đến máu cho cấp cứu và điều trị. Nhưng vì phụ thuộc vào người bệnh nên nhu cầu có thể tăng rất cao vào dịp trước và sau Tết. Trung bình mỗi tuần, Viện cần khoảng 9.500 đơn vị máu, nhưng dịp Tết sắp tới có thể tăng lên 10.000 – 10.500 đơn vị.
“Nguyên nhân của sự gia tăng này là do người bệnh thường cần truyền máu trước Tết để có đủ sức khỏe về đón Tết cùng gia đình và sẽ trở lại các bệnh viện ồ ạt sau kỳ nghỉ Tết kéo dài. Các bệnh viện cũng cần dự trữ lượng máu cao hơn để đáp ứng nhu cầu sẵn sàng cho cấp cứu và điều trị trong kỳ nghỉ Tết kéo dài đến 9 ngày” - PGS.TS Trần Ngọc Quế lý giải.
Với tình hình thời tiết ở miền Bắc có thể rét khắc nghiệt, ảnh hưởng đến công tác tiếp nhận máu, Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư mong muốn người dân cố gắng thu xếp thời gian đến hiến máu tại các điểm hiến máu cố định từ giữa tháng 1/2025 trở đi.
Viện cũng sẽ mở cửa tiếp nhận máu, đặc biệt là tiếp nhận tiểu cầu vào tất cả các ngày trong dịp Tết, kể cả 30 Tết, hay mùng 1, mùng 2 Tết, vì chế phẩm tiểu cầu chỉ bảo quản và lưu trước được tối đa 5 ngày.
Những trái tim vì cộng đồng
Nghe theo tiếng gọi của cộng đồng, với tinh thần lan tỏa yêu thương để trao đi sự sống, trong những ngày đầu đông gió rét, nhiều người đã dành thời gian đi hiến máu như một hành động thiết thực giúp đỡ những người cần máu.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, các tình nguyện viên, những người con của huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) đang sinh sống, học tập tại Hà Nội đã tham gia hiến máu dịp cuối tuần giá rét.
Trong màu áo xanh tình nguyện, sinh viên Nguyễn Thị Thanh Thảo - Học viện Phụ nữ Việt Nam vừa tham gia hiến máu, vừa hỗ trợ người hiến máu.
“2 lần trao gửi những giọt máu đến với người bệnh, em cảm nhận, hiến máu là một việc làm ý nghĩa, lại mang lợi ích cho bản thân khi được khám sức khỏe miễn phí.
Hiến máu là việc đơn giản, dễ thực hiện nhất, em mong các bạn sinh viên đều yêu thích, nhiệt tình hưởng ứng hành động này. Có thể thấy, hoạt động tình nguyện nào cũng đều xuất phát từ trái tim để lan tỏa những điều tích cực” - Thanh Thảo xúc động chia sẻ.
Từng là tình nguyện viên luôn dành tình cảm đặc biệt cho hoạt động hiến máu, chàng sinh viên Nguyễn Trường Linh (Đại học Giao thông Vận tải) có mặt tại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư từ sớm để đăng ký hiến máu. Linh đã hiến máu 6 lần và cũng đã hiến máu tại chương trình trước.
Linh chia sẻ, dù thời tiết giá rét, khắc nghiệt đến đâu nhưng cũng không thể cản tinh thần thiện nguyện hiến máu vì cộng đồng của các bạn trẻ hiện nay, nhất là trong điều kiện người bệnh cũng như Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư đang cần máu.
Đã từ lâu, chị Lê Thị Vinh (Thường Tín, Hà Nội) coi việc hiến máu là một thói quen không thể thiếu. Mỗi lần hiến máu, chị lại thấy cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn, có thể giúp đỡ được nhiều người cho dù không quen biết.
Bình thường, cứ đủ ngày đủ tháng, chị Vinh không ngại đường xa lại đi xe máy hơn 30km từ nhà đến Viện hiến máu, hiến tiểu cầu. Mỗi lần nhận được cuộc gọi quen thuộc từ Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư mời đến hiến máu hòa hợp phenotype (hòa hợp kháng nguyên nhóm máu hệ hồng cầu) cho người bệnh cần, chị Vinh lại sắp xếp công việc đến Viện thực hiện nhiệm vụ cao cả, dù trời mưa to, gió lớn.
Đến nay, chị Vinh đã hiến máu hơn 30 lần, trong đó, năm 2024, chị có 3 lần hiến máu hòa hợp phenotype theo huy động của Viện. Có những người giàu lòng nhân ái như chị Lê Thị Vinh, hành trình đi tìm những đơn vị máu hòa hợp phenotype của người bệnh trở nên nhẹ nhàng hơn.
“Cứ nghe Viện gọi là lên đường hiến máu” – đó là sứ mệnh đặc biệt của chị Phạm Ánh Ngọc (25 tuổi, Hà Nội) với 16 lần hiến máu nhóm hiếm (máu Rh(D) âm). Là người mang dòng máu hiếm, chị Ngọc luôn ý thức rằng, phải giữ sức khỏe cho bản thân, vì mình có trách nhiệm cứu giúp các bệnh nhân cần máu hiếm.
Nhờ những tấm lòng cao cả của các tình nguyện viên, người dân luôn sẵn sàng hiến máu bất cứ khi nào Viện cần, hàng nghìn người bệnh có cơ hội, thêm niềm hy vọng được cứu sống, nhờ truyền máu kịp thời.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hanh-dong-nho-nhung-cuu-song-hang-nghin-nguoi-benh.html