Hành động sớm, nâng cao nhận thức cho phụ nữ, trẻ em trong phòng chống thiên tai
Nhờ có Dự án 'Hành động sớm dựa trên cảnh báo mang tính Toàn diện và Đáp ứng Giới nhằm Tăng cường Hiệu quả của Công tác Phòng ngừa Thiên tai', cán bộ từ xã tới thôn bản đã nâng cao nhận thức, có thêm kỹ năng và kinh nghiệm tuyên truyền giúp cho bà con hiểu biết hơn và chuẩn bị tốt trong phòng chống thiên tai - ông Phan Chí Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - cho biết.
Người dân được tham gia diễn tập, hướng dẫn di tản, phòng chống bão lụt
Là xã vùng cao, biên giới của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, cũng như nhiều nơi khác thuộc dải đất miền Trung, xã Thuận luôn phải đối đầu với thiên tai, lũ lụt.
Chị Hồ Thị Chuốp, thôn Thuận 1, xã Thuận than thở: "Bão lụt nhà mình trôi hết, có gà có dê là trôi hết. Bản mình lụt rất to, rất nguy hiểm. Ruộng, cây sắn, cây chuối ngập hết, thiệt hại rất nhiều".
Bão lũ tràn qua không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của bà con, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi…
Chị Phạm Thị Cẩm Vân (cán bộ UBND xã Thuận) cho biết: "Các nhóm như phụ nữ, người khuyết tật, người già, trẻ em sẽ gặp nhiều khó khăn hơn các nhóm khác trong quá trình thực hiện hành động sớm giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Ví dụ trong việc di chuyển hoặc mua sắm chuẩn bị thì phải nhờ sự giúp đỡ của người thân, hàng xóm".
Nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những nỗ lực để cứu trợ và phục hồi cuộc sống hậu thiên tai thường tốn kém chi phí cũng như đòi hỏi nhiều nỗ lực kịp thời. Thay vì giải ngân sau khi thiên tai diễn ra, cơ chế hành động sớm ưu tiên giải ngân sớm cho hộ gia đình và cộng đồng dễ bị tổn thương dựa trên trên ngưỡng kích hoạt cảnh báo do các nhà khoa học đưa ra. Việc sử dụng các nguồn lực hỗ trợ nhân đạo khi đó sẽ hiệu quả hơn nhiều cũng như cùng lúc nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai.
"Hành động sớm là một khái niệm mới, nhưng về bản chất các hoạt động trong giai đoạn phòng ngừa, ứng phó trước thiên tai mà các cơ quan trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai đã và đang làm cũng là hành động sớm. Tuy nhiên, các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ gia đình dễ bị tổn thương, nhằm nâng cao sự chủ động trong phòng ngừa ngay trước khi thiên tai xảy ra chưa được quan tâm đúng mức, khiến nỗ lực để cứu trợ và phục hồi cuộc sống hậu thiên tai thường tốn kém chi phí và thời gian cũng như đòi hỏi nhiều nỗ lực kịp thời", bà Đoàn Thị Tuyết Nga, Chánh văn phòng, đại diện văn phòng đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho biết.
Hành động sớm dựa vào cảnh báo là một phương pháp tiếp cận có những yếu tố mới trong quản lý rủi ro thiên tai nhằm giảm thiểu các tác động của thiên tai đến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và tăng cường khả năng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai thông qua việc tiếp cận với các nguồn lực tài chính cho hành động sớm. Hiện tại, trên thế giới đã có 53 quốc gia đã triển khai các chương trình hành động sớm dựa trên cảnh báo.
Tại Việt Nam, phương pháp tiếp cận này còn tương đối mới và gần đây đã được CARE, Plan International và World Vision ứng dụng trong việc triển khai hoạt động dự án "Hành động sớm dựa trên cảnh báo mang tính Toàn diện và Đáp ứng Giới nhằm Tăng cường Hiệu quả của Công tác Phòng ngừa Thiên tai" (FBEA-SEA). Dự án được Cơ quan Viện trợ Nhân đạo và Bảo vệ Dân sự - Ủy ban Châu Âu (ECHO) hỗ trợ tài chính, thực hiện tại hai địa phương chịu ảnh hưởng của thiên tai điển hình là lũ lụt tại tỉnh Quảng Trị và nắng nóng tại tỉnh Bình Thuận.
Qua 21 tháng thực hiện các hoạt động thực địa, dự án đã hỗ trợ 536 hộ gia đình tiền mặt cũng như các phương tiện để triển khai các hoạt động chuẩn bị, phòng tránh rủi ro thiên tai. Bên cạnh đó, bốn ban chỉ huy phòng tránh thiên tai và phòng tránh cứu nạn và đội xung kích tại bốn xã thụ hưởng dự án đã được hỗ trợ phương tiện để triển khai các hoạt động ứng phó, cứu hộ thực tế tại hiện trường. Bộ quy chuẩn hoạt động kích hoạt hành động phòng tránh rủi ro thiên tai dựa vào cảnh báo của dự án cũng được biên soạn, hoàn thiện và đưa vào thực tế triển khai tại địa bàn và đang được thảo luận thống nhất cùng với tổ chức FAO.
"Xuất phát từ các quan sát và nghiên cứu qua thời gian làm việc với các đối tác trên địa bàn dự án ở Quảng Trị, chúng tôi thấy được sự cần thiết và hiệu quả khi triển khai các hoạt động phòng chống tác động và rủi ro thiên tai từ sớm. Vấn đề đặt ra đối với người dân và các cấp chính quyền ở địa phương là nguồn lực để triển khai các hoạt động này cần huy động theo phương thức nào cũng như cơ chế hành động giữa các tác nhân liên quan như cơ quan chuyên trách của nhà nước, các tổ chức dân sự và bà con trong cộng đồng cần được thống nhất, diễn tập và triển khai hiệu quả ra sao", bà Nguyễn Thị Yến, cố vấn mảng hoạt động quản lý rủi ro thiên tai của CARE Quốc tế tại Việt Nam cho biết.
Tăng cường nhận thức trong cộng đồng
Chị Hồ Thị Thiêm, thôn Thuận 1, xã Thuận bày tỏ: "Dự án hướng dẫn đầy đủ cách chằng chống nhà cửa, khi sơ tán thì mang theo gạo, mỳ tôm, nước mắm, tã, bỉm, sữa, thuốc cho trẻ em và người già, băng vệ sinh cho phụ nữ. Giấy tờ tùy thân quan trọng bỏ vào thùng nhựa để không bị ướt.
Khi diễn tập thì bà con chủ động sơ tán. Mình dẫn gia súc ra trước, phụ nữ và trẻ em ra nhà cộng đồng sơ tán, đàn ông ở nhà chằng chống nhà cửa".
"Trước khi dự án hỗ trợ thì chỉ biết chằng chống nhà bằng dây và cây tre. Khi dự án hướng dẫn, mình hiểu rồi thì mọi người chằng chống nhà cửa, di dời ra nhà cộng đồng trước khi lũ về, mang theo cơm, muối, thuốc đầy đủ đề phòng bão. Nhờ dự án giúp đỡ nên mình có thể mua các đồ dùng cần thiết trong bão lũ. Không phải đi vay, không phải đi ở nhờ nữa", chị Hồ Thị Chuốp, thôn Thuận 1, xã Thuận chia sẻ thêm.
Đánh giá về những hiệu quả thiết thực đối với bà con nhân dân trong công tác hành động sớm để giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ông Phan Chí Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận khẳng định: "Nhờ có chương trình, cán bộ từ xã tới thôn bản đã nâng cao nhận thức, có thêm kỹ năng và kinh nghiệm tuyên truyền giúp cho bà con hiểu biết hơn và chuẩn bị tốt trong phòng chống thiên tai".
Bằng cách sử dụng phương pháp tiếp cận hỗ trợ tài chính cho hành động sớm dựa trên cảnh báo, các cộng đồng dễ bị tổn thương đã được cung cấp thông tin, trang bị kiến thức, kỹ năng, để có thể hành động trước khi thiên tai xảy ra. Cụ thể, tỉ lệ số hộ thực hiện hành động sớm trở lên tăng từ 50,5% đầu kỳ lên 72% vào cuối kỳ dự án, giảm thiểu tác động của lũ lụt và hạn hán cũng như cứu sống nhiều người.
Dự án cũng thúc đẩy sự sẵn sàng và khả năng thích ứngvới thiên tai.Các cộng đồng tăng cường hệ thống cảnh báo sớm đến tận người dân và kế hoạch dự phòng để chuẩn bị ứng phó với thiên tai, tăng cường khả năng phục hồi và khả năng ứng phó hiệu quả với các trường hợp khẩn cấp. Theo đánh giá độc lập cuối kỳ, trên 91% người dân nam và nữ cho biết vẫn duy trì các hành động sớm vào những mùa thiên tai tới.