Hành động sớm từ cộng đồng trong ứng phó với thiên tai

Cung cấp thông tin và nâng cao năng lực cho cộng đồng về các loại hình thiên tai (TT) mà địa phương mình thường gặp để chuẩn bị chủ động ứng phó là cách làm thiết thực và hiệu quả. Điều này đã được chứng minh trong thực tế tại các địa phương miền núi như huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang sau khi nhận được hỗ trợ từ các Đối tác giảm nhẹ rủi ro TT trong việc xây dựng kế hoạch phòng ngừa chủ động.

Người dân xã Tùng Vài đánh giá những rủi ro thiên tai tại địa phương. Ảnh: Bích Nguyên

Người dân xã Tùng Vài đánh giá những rủi ro thiên tai tại địa phương. Ảnh: Bích Nguyên

Xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai chủ động

Quản Bạ là huyện biên giới nằm ở khu vực phía Bắc tỉnh Hà Giang, có 12 xã và 1 thị trấn; có 9 xã đặc biệt khó khăn. Dân số toàn huyện là trên 57.000 người thuộc 18 dân tộc, trong đó, dân tộc Mông chiếm 60%, tỷ lệ đói nghèo năm 2023 là 52,73%. Quản Bạ là một trong những địa phương miền núi của tỉnh Hà Giang, thường xuyên hứng chịu các loại hình TT như mưa lớn, ngập úng, rét đậm, rét hại, sương muối, lũ, quét, sạt lở đất. Từ năm 2006, Chương trình hỗ trợ phát triển huyện Quản Bạ chính thức được lựa chọn làm vùng phát triển số 7A (LRP7A). Địa bàn hoạt động tại 5 xã Quản Bạ, Đông Hà, Cán Tỷ, Tùng Vài, Thái An và thị trấn Tam Sơn.

Chương trình được chia làm 3 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 3 (2018-2023) tập trung hỗ trợ hành động của người dân cải thiện sinh kế thích ứng với TT, biến đổi khí hậu và xây dựng cộng đồng an toàn. Đến nay, 100% các xã tham gia chương trình đều có kế hoạch phòng chống TT chủ động và có thể kết nối dễ dàng với ngân sách và hoạt động của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, là cơ quan chịu trách nhiệm điều phối các nỗ lực chuẩn bị và ứng phó với TT cấp địa phương.

Đại diện Ban quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển huyện Quản Bạ (LRP7A) cho biết, với hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam, cụ thể ở đây là hoạt động lập kế hoạch phòng chống TT dựa vào cộng đồng là chương trình được địa phương ưu tiên thực hiện, giúp nâng cao tính chủ động của cộng đồng trong phòng chống TT. Chương trình được đưa vào ngân sách hoạt động hàng năm của địa phương và được phổ biến rộng rãi để các cộng đồng tại địa phương khác có được kinh nghiệm chủ động hành động sớm trước TT.

Ông Đỗ Quang Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ thông tin: “Đến nay, 100% thôn, bản của 5 xã và 1 thị trấn của huyện đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch phòng chống TT sử dụng các công cụ để đánh giá các mức độ rủi ro. Từ đó, nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chủ động phòng chống TT, nhờ đó giảm nhẹ những rủi ro từ TT trên địa bàn. Huyện đã phối hợp chặt chẽ với Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam và sự chỉ đạo của cơ quan chuyên môn, tích cực quan tâm theo dõi các bản tin, cảnh báo từ cơ quan chuyên môn để có các hành động thiết thực, cụ thể trong việc thực hiện các hoạt động phòng chống TT”.

Cộng đồng hưởng lợi

Dù ngân sách chương trình ActionAid cho Quản Bạ còn khá khiêm tốn (31,789 tỷ đồng trong thời gian từ năm 2007 đến nay), song chương trình đã hỗ trợ, lan tỏa tới hơn 40.000 lượt người, trong đó có hơn 11.000 trẻ em từ 6-14 tuổi chủ động phòng và chống TT tại cộng đồng theo thống kê từ năm 2016 đến 2023.

Từ khi có cây cầu tránh lũ, người dân thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài đã được đảm bảo an toàn hơn khi mùa mưa lũ về. Ảnh: Bích Nguyên

Từ khi có cây cầu tránh lũ, người dân thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài đã được đảm bảo an toàn hơn khi mùa mưa lũ về. Ảnh: Bích Nguyên

Là một trong những người dân được hưởng lợi từ chương trình trên, chị Triệu Thị Lan, thôn Tà Lán, xã Tùng Vài cho biết: “Nơi chúng tôi ở hay bị gió lốc, sạt lở đất làm hư hỏng nhà cửa và đường giao thông. Trước đây, khi nhà cửa bị hư hỏng, tốc mái, chúng tôi tìm tre, nứa để làm lại, việc đi lại cũng khó khăn vì toàn là đường đất, chỉ có thể đi bộ. Sau đó, các dự án về giảm nhẹ rủi ro TT đã giúp chúng tôi làm đường, cầu qua suối, nhờ đó, việc đi lại của chúng tôi thuận lợi hơn”.

Với sự hỗ trợ của Tổ chức ActionAid, người dân thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài đã chủ động rà soát tình hình thực tế, mức độ ảnh hưởng của các loại hình TT và đề xuất được hỗ trợ các công trình an sinh nhằm giảm nhẹ rủi ro TT và phục vụ nhu cầu của người dân. ActionAid và các đối tác đã hỗ trợ thôn Bản Thăng xây dựng một cây cầu vượt/tránh lũ. Chị Thèn Thị Lan, thôn Bản Thăng chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi chỉ có thể đi bộ qua suối. Vào mùa mưa lũ, nhiều trẻ em phải nghỉ học vì nước lớn rất nguy hiểm. Những ngày trời mưa lớn, nước lũ chảy siết, khu vực này bị ngập sâu, thậm chí cô lập với bên ngoài. Từ tháng 12/2022, cây cầu tránh lũ đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, giúp chúng tôi đi lại rất thuận lợi, rút ngắn thời gian đi lên nương rẫy, mang lại sự an toàn cho cả cộng đồng”.

Chủ động ứng phó với TT, các thôn, bản của xã Tùng Vài đã xây dựng các kế hoạch phòng chống TT cụ thể, sát với thực tế địa phương. Chị Nguyễn Thị Thủy, Bí thư Đoàn thôn Bản Thăng chia sẻ: “Từ đầu năm, chúng tôi đã chủ động triển khai xây dựng kế hoạch phòng chống TT. Chúng tôi đã xác định được 10 loại hình TT thường xảy ra, trong đó chủ yếu là sạt lở, ngập úng, mưa to kèm gió lốc. Mưa to thường xảy ra từ tháng 5 đến tháng 9, tập trung nhiều nhất vào tháng 7. Ngập úng xảy ra từ tháng 6-7, khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là Bản Thăng và Suối Vui. Sạt lở đất đá thường xảy ra từ tháng 6-7, tần suất 2-3 lần trong năm. Trong kế hoạch, chúng tôi cũng đánh giá những rủi ro mà TT có thể gây ra. Trên cơ sở đó, chúng tôi chuẩn bị các phương án ứng phó như cung cấp thông tin cho bà con, hướng dẫn các kỹ năng phòng tránh, chuẩn bị nơi di dời tài sản...”.

Chia sẻ về việc lập kế hoạch phòng chống TT dựa vào cộng đồng, ông Lục Văn Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Vài cho biết: “Hiện, TT diễn ra rất bất ngờ, thất thường, khó lường trước, việc lập kế hoạch dựa vào cộng đồng được thực hiện hằng năm, với mục đích là giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Chúng tôi ưu tiên thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Đồng thời tổ chức tập huấn cho Ban chỉ huy phòng chống TT của xã và thôn; chuẩn bị các loại phương tiện, lương thực, thực phẩm để ứng phó với TT kịp thời. Ngay đầu năm, chúng tôi đã thực hiện rà soát nhà ở và các công trình phúc lợi có nguy cơ thiệt hại cao để hướng dẫn bà con các biện pháp chằng buộc mái nhà, gia cố chân tường... Ở những vùng thường xuyên xảy ra ngập úng vào mùa mưa, chúng tôi vận động bà con thu hoạch lúa, hoa màu sớm với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để giảm thiểu thiệt hại. Đối với hai vùng có nguy cơ cao sạt lở đất, đá, chúng tôi cắm biển cảnh báo cho bà con nắm bắt được trước và xây dựng kế hoạch tổ chức di dời đến nơi an toàn”.

Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam cho biết: “Chương trình phòng chống TT của tổ chức tập trung vào 3 mảng là chuẩn bị, ứng phó và phục hồi. Các chương trình của chúng tôi đều thực hiện cả 3 mảng này, tùy vào tình hình thực tế và điều kiện của từng địa phương. Về phần ứng phó, chúng tôi hướng đến việc chuẩn bị và nâng cao năng lực cho cộng đồng, để cộng đồng nắm bắt được TT tại vùng mình, từ đó chủ động làm tốt phần chuẩn bị. Về ứng phó thì khá đa dạng, chúng tôi hỗ trợ cả về vật chất và thông tin hoặc xây dựng năng lực”.

Xuân Hương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hanh-dong-som-tu-cong-dong-trong-ung-pho-voi-thien-tai-post473416.html